Phòng cháy chính là tự bảo vệ mình

Liên tiếp thời gian gần đây, nhiều vụ cháy chợ, cháy trung tâm thương mại xảy ra, khiến nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh điêu đứng, thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đây là một hiểm họa thường xuyên được cảnh báo, nhưng thực tế nhiều tiểu thương vẫn chưa thực sự quan tâm việc phòng cháy. Chợ, trung tâm thương mại là nơi buôn bán, làm ăn, kiếm sống của tiểu thương, nên hơn ai hết, tiểu thương phải tự bảo vệ mình. Để nâng cao hiệu quả phòng cháy chợ, điều quan trọng nhất là nâng cao ý thức chủ động phòng cháy của những người buôn bán trong chợ.

Liên tiếp thời gian gần đây, nhiều vụ cháy chợ, cháy trung tâm thương mại xảy ra, khiến nhiều tiểu thương, hộ kinh doanh điêu đứng, thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đây là một hiểm họa thường xuyên được cảnh báo, nhưng thực tế nhiều tiểu thương vẫn chưa thực sự quan tâm việc phòng cháy. Chợ, trung tâm thương mại là nơi buôn bán, làm ăn, kiếm sống của tiểu thương, nên hơn ai hết, tiểu thương phải tự bảo vệ mình. Để nâng cao hiệu quả phòng cháy chợ, điều quan trọng nhất là nâng cao ý thức chủ động phòng cháy của những người buôn bán trong chợ.

Tiểu thương phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng cháy. Thông thường, những người buôn bán trong chợ, tại các trung tâm thương mại luôn được các cơ quan chức năng phổ biến, phát tờ rơi… về phòng cháy, như các quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy, các hành vi dễ gây ra cháy nổ, các tiêu lệnh khi có cháy nổ, việc sử dụng các phương tiện chữa cháy, cách thức xử lý (thoát thân) khi có cháy… Để bảo vệ tính mạng, tài sản của mình và của người khác, tiểu thương nên đọc kỹ và tuân thủ nghiêm ngặt, thay vì chỉ biết qua loa. Trong một số trường hợp, việc thiếu hiểu biết, thiếu ý thức có thể gây ra thảm họa, không chỉ bản thân chịu thiệt hại mà còn phải chịu trách nhiệm về hành vi gây thiệt hại cho nhiều người khác.

Nên thường xuyên tìm hiểu về hoạt động phòng cháy và các nguy cơ cháy nổ mới. Công tác phòng cháy ở những môi trường khác nhau, điều kiện khác nhau có thể không hoàn toàn giống nhau. Điều kiện phát sinh cháy nổ cũng có thể luôn thay đổi, vì vậy, mọi người buôn bán phải luôn tìm hiểu để nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm và tinh thần cảnh giác, để tránh mọi trường hợp đáng tiếc xảy ra hoặc khi có xảy ra cũng có thể kịp thời xử lý. Các tiểu thương nên tích cực tham gia các hoạt động diễn tập phòng cháy chữa cháy. Lâu nay, các chợ, trung tâm thương mại đều có hoạt động diễn tập phòng chống cháy nổ định kỳ, với nhiều hoạt động cụ thể, từ cách ngắt nguồn điện, dập tắt đốm cháy ban đầu đến cách sử dụng bình chữa cháy, cách sơ tán…

Một việc tiểu thương nên làm là chủ động tham gia bảo hiểm hỏa hoạn cho hàng hóa của mình. Dù thực hiện nhiều cách phòng ngừa nhưng không có nghĩa là không có rủi ro, nên việc mua bảo hiểm sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại khi có sự cố xảy ra. Chi phí bảo hiểm có thể giải quyết được đáng kể thiệt hại, nếu may mắn không có rủi ro thì cũng nên xem đó là một việc làm có tác dụng luôn nhắc nhở bản thân phải có ý thức cảnh giác cao độ với cháy nổ.

Phòng chống cháy nổ ở các chợ, trung tâm thương mại là trách nhiệm của rất nhiều người, từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chữa cháy (chuyên nghiệp và tại chỗ), ban quản lý chợ nhưng trước hết là của chính những người buôn bán trong chợ. Vì vậy, bản thân tiểu thương phải có tinh thần phòng cháy rất tích cực, chủ động và quyết liệt.

MINH HẢI (quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục