Tại Hội nghị về công tác phòng chống tham nhũng trong 6 tháng đầu năm 2009 tổ chức ngày 17-7, Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban Chỉ đạo TPHCM về phòng chống tham nhũng Lê Hoàng Quân đánh giá: Công tác phòng chống tham nhũng là một nhiệm vụ gian nan, rất cần vai trò lãnh đạo của từng cấp ủy địa phương. Dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng tham nhũng, lãng phí hiện nay không chỉ xuất hiện trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng mà đã “lan” sang công tác cổ phần hóa, chuyển đổi dự án…
- Dự án “đội” ngân sách: “Không phải việc của tui!”
Theo đại diện UBND huyện Cần Giờ, “đụng” đến dự án tuyến đường Rừng Sác (giai đoạn 1) thì phát hiện nhiều sai phạm. Kết quả, thanh tra huyện đã phát hiện sai phạm hơn 815 triệu đồng. Hiện vụ việc đang được chuyển sang cơ quan điều tra. Giải quyết từ đơn thư tố cáo của người dân, thanh tra huyện đã phát hiện, kiến nghị thu hồi hơn 5.000 m2 đất, hơn 541 triệu đồng. Còn dự án Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện thì đã phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu việc cán bộ huyện làm hồ sơ quyết toán “đội” từ 39 triệu đồng lên hơn 100 triệu đồng để hưởng chênh lệch.
Nghe đến đây, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân phê bình ngay: “Trình độ cán bộ như thế nào mà ngay khâu lập dự toán đã thấy yếu kém. Chỉ là dự án sửa chữa trung tâm mà UBND huyện “hào phóng” chi kinh phí hơn 100 triệu đồng, thực tế chỉ tốn 39 triệu đồng. Dự án không được “phù phép” đội giá lên mới lạ!”.
Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân tiếp tục phê bình: “Tôi đi kiểm tra ở huyện Cần Giờ, nghe báo cáo vụ cây cầu An Nghĩa chỉ dài 150m nhưng kéo dài đến 7-8 năm, kinh phí dự toán ban đầu chỉ 75 tỷ đồng (năm 2002), lên hơn 90 tỷ đồng (năm 2004), sau đó là 179 tỷ đồng (năm 2009). Dự án xây cầu Hoàng Hoa Thám (dài 103m) khởi động từ năm 1998 với tổng dự toán 19 tỷ đồng, giờ “đội” lên hơn 150 tỷ đồng! Tôi chỉ muốn hỏi: Có cán bộ nào cảm thấy đau lòng không? Có ai cảm thấy cần cân nhắc vì sao để dự toán đẩy lên cao, ngân sách chi nhiều như vậy chưa? Không thể cứ bàng quan theo kiểu “không phải việc của tui” được!”.
- Xin UBND TP xử... giùm cán bộ dưới cơ sở!
“Qua các vụ việc cụ thể như ở huyện Cần Giờ hay Công ty Cảng sông TP nổi lên vấn đề về công tác cán bộ và tổ chức! Trong đó, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu vẫn còn hạn chế. Thời gian tới, cần đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát trong quản lý, sử dụng tài sản, mặt bằng, nhà xưởng, đầu tư xây dựng cơ bản, nguồn vốn ngân sách, ODA trong các công trình trọng điểm của TP”. (Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân) |
Đại diện Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải (Samco) kể: Đơn vị trực thuộc của Samco - Công ty Công trình xây dựng giao thông Sài Gòn có dấu hiệu phá sản từ năm 2003 nhưng không ai biết.
Năm 2005, công ty được cổ phần hóa. Lúc này, tiêu cực trong đơn vị lộ rõ: kinh doanh thua lỗ nhiều năm liền, vốn nhà nước ban đầu là 22 tỷ đồng nhưng trong báo cáo bị mất cân đối 31 tỷ đồng, thâm hụt ngân sách hết 9 tỷ đồng.
Năm 2003, Thanh tra TP sau khi thanh tra, đã có kết luận cụ thể nhưng đến nay vẫn chưa xử lý được người đứng đầu. Nguyên nhân: tổng giám đốc đơn vị này đang bị bệnh, bác sĩ có cảnh báo nếu căng thẳng đột ngột có thể dẫn đến nguy cơ đột tử cao! Từ ngày Samco tiếp nhận đơn vị này đến nay đã 5 năm vẫn bế tắc, không xử lý được. Xin UBND TP “xử” giùm chứ để “chết mà không chôn được” như đơn vị hiện nay thì càng thất thoát, lãng phí nhiều hơn.
Công ty TNHH Cảng sông TP “ôm” dự án rất lớn là dự án cảng sông Phú Định với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. Khi nhận công ty về, Samco mới phát hiện sai phạm hàng loạt tại đơn vị này với tổng mức thiệt hại hàng tỷ đồng. Vụ việc liên quan cụ thể đến phó giám đốc đơn vị nhưng đến giờ vẫn chưa xử lý được. Tháng 6-2009, Thanh tra TP vào cuộc. Đến nay, đã gần 1 năm, vẫn chưa xử lý được trách nhiệm của cán bộ.
Đại diện Samco tha thiết đề nghị: “Mong UBND TP giúp đỡ xử lý rốt ráo những sai phạm của cán bộ cũng như của các đơn vị trên, vì hiện nay vốn đầu tư đổ vào công ty nhưng doanh thu không có, trong khi Samco vẫn duy trì trả lương và các chế độ cho đội ngũ lãnh đạo đơn vị. Càng kéo dài, lãng phí càng nhiều!”.
- Tham nhũng, lãng phí trong các lĩnh vực mới
Chánh Thanh tra TPHCM Lâm Xuân Trường lo lắng nói: “Vừa qua, Thanh tra TP tổ chức khoảng chục đoàn thanh tra các đơn vị cổ phần hóa thì thấy nổi lên vấn đề định giá tài sản ban đầu của doanh nghiệp, thất thoát nhiều quá. Ban đầu định giá thì vốn nhà nước còn được 50%, về sau kiểm tra lại thì chỉ còn vài chục phần trăm. Chưa kể, sau cổ phần hóa, vốn nhà nước trong đơn vị lại sụt giảm thê thảm hơn. Tôi thấy có gì đó không ổn. Việc chi hoa hồng cũng rất phức tạp. Có tình trạng khi kiểm tra thì thấy không có tên họ, địa chỉ người nhận cụ thể mà chỉ có cán bộ công chức của đơn vị nhận. Số tiền không hề nhỏ, trị giá đến vài chục tỷ đồng. Nếu không giám sát chặt chẽ, rất dễ xảy ra tiêu cực. Ngoài ra, việc sử dụng vốn kích cầu cũng cần được giám sát chặt chẽ về đối tượng, cách thức sử dụng… Hiện UBND TP cũng đã giao Thanh tra TP xem xét một số đơn vị sử dụng vốn kích cầu đã hiệu quả chưa”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP Lê Hữu Đức cảnh báo thêm: Cần quản lý chặt hơn các loại quỹ của đoàn thể vì có dấu hiệu quản lý rất lỏng lẻo. Phát hiện sớm, xử lý sớm, nếu không sẽ để mất cán bộ. Quan trọng hơn nữa, đây là những đồng tiền ơn nghĩa mà người dân góp vào để hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng khó khăn nên càng được quan tâm đúng mức hơn.
Ông Đức nói thêm: “Đúng là hiện nay việc cổ phần hóa và định giá tài sản nhà nước là khâu để “tài sản rơi rớt nhiều”, đó cũng chính là sơ hở trong công tác quản lý cũng như hệ thống văn bản pháp luật chế tài của chúng ta. Về việc này, nhất thiết UBND TP phải có kiến nghị cụ thể để Trung ương hỗ trợ vì vượt quá thẩm quyền của địa phương”.
HỒNG HIỆP