Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn

Phòng chống tội phạm: Phải biết dựa vào dân

Phòng chống tội phạm: Phải biết dựa vào dân

Hôm qua, 28-10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận dự thảo Luật Công an nhân dân và báo cáo của Chính phủ về phòng chống tội phạm. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, về những vấn đề đặt ra trong 2 nội dung này.

  • Công an không thể đứng ngoài pháp luật

- Phóng viên: Thưa Thượng tướng, thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân, nhiều ĐBQH cho rằng lực lượng công an xã cần được tổ chức một cách bài bản, chính quy. Ý kiến Thượng tướng như thế nào?

- Thượng tướng NGUYỄN KHÁNH TOÀN: Trước hết, cần phải hiểu công an nhân dân - như Bác Hồ đã đặt tên - là lực lượng công an của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nếu chúng ta có đầy đủ điều kiện để toàn bộ công an trở thành lực lượng chính quy thì rất tốt. Trong điều kiện hiện nay, chỉ mới xác định công an xã là lực lượng bán chuyên trách, nhưng không vì thế mà không chăm lo chế độ đãi ngộ, điều kiện, phương tiện đầy đủ cho anh em làm việc. Chúng tôi luôn xác định, công an xã cũng là một lực lượng rất quan trọng trong việc bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa.

Phòng chống tội phạm: Phải biết dựa vào dân ảnh 1

- Chính sách thỏa đáng cho những cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh hoặc bị thương tật khi làm nhiệm vụ cũng là điều đáng quan tâm?

- Những chính sách này được dự thảo Luật Công an nhân dân đưa ra là phù hợp với tình hình hiện nay. Nhưng về lâu dài, phải điều chỉnh. Cuộc đấu tranh bảo đảm an ninh trật tự xã hội, đấu tranh với các loại tội phạm không bao giờ có điểm dừng. Hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, lực lượng công an càng phải cố gắng hơn, nhiệm vụ gian khổ hơn, mất mát nhiều hơn.

- Dự thảo luật đưa ra quy định về những điều công an không được làm, Thượng tướng thấy đã hợp lý chưa?

- Công an là người thi hành pháp luật, phải chấp hành nghiêm mọi quy định của pháp luật, không thể đứng ngoài pháp luật. Những gì công dân không được làm thì công an cũng không được làm. Vì vậy, tôi cho rằng đưa ra quy định riêng về những điều công an không được làm là không cần thiết.

  • Dựa vào dân để phát hiện tội phạm

- Thưa Thượng tướng, mấy năm trở lại đây nổi lên tình trạng tội phạm có tổ chức, có tính chất quốc tế, và thậm chí còn lan cả vào bộ máy nhà nước. Bộ Công an đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, tình hình tội phạm những năm gần đây diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”… Bên cạnh đó, tội phạm mang tính chất quốc tế như khủng bố, lừa đảo, buôn lậu, buôn bán phụ nữ ra nước ngoài, rửa tiền… cũng đã được phát hiện, ngày càng nhiều ở nước ta. Nhưng đáng mừng là chúng ta vẫn có khả năng kiểm soát, phát hiện và đấu tranh với các loại tội phạm này. Có được điều này là nhờ công an đã dựa vào dân, phát động được toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm.

- Tuy nhiên, đối với những băng nhóm tội phạm lớn bị triệt phá, phần lớn đều không phải do lực lượng tại chỗ thực hiện, mà là Bộ Công an. Phải chăng có sự thiếu sâu sát hoặc có tình trạng “bảo kê” ở địa phương, thưa Thượng tướng?

- Nói có tình trạng “bảo kê” thì có thể chưa chính xác. Trong các hoạt động nghiệp vụ của công an quy định rất chặt, từ công tác điều tra cơ bản đến các biện pháp quản lý hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm. Và như tôi đã nói, phát động phong trào quần chúng là biện pháp vô cùng quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm. Vì thế, ai “bảo kê”, bao che cho hoạt động phạm tội thì cũng sẽ bị quần chúng phát hiện, tố giác. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ của ngành cũng luôn được tăng cường và thực hiện nghiêm.

- Qua phản ánh của báo chí ngay trước kỳ họp này của QH, nạn “mãi lộ” trong CSGT vẫn chưa hề giảm?

- Thực tế, chúng tôi đã phát hiện một số trường hợp CSGT nhận tiền của lái xe, và đã loại khỏi ngành. Nhưng tôi có một điều rất tâm tư: gọi là “mãi lộ” hay đưa hối lộ đối với tiêu cực trong CSGT thì có 2 mặt. Theo quy định của pháp luật, cả 2 hành vi này đều là sai. Nếu anh lái xe đừng làm gì sai, thì ngại gì anh công an, và đừng đưa tiền cho CSGT thì làm gì có chuyện “mãi lộ”. Vì thế, vấn đề lâu dài là phải phát động quần chúng đấu tranh trên cả 2 mặt này.

- Xin cảm ơn Thượng tướng!  

NGUYÊN QUÂN 

Tin cùng chuyên mục