Thời gian qua, số lượng án tham nhũng bị phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố còn thấp, không phản án đúng thực trạng tình hình tội phạm tham nhũng đã xảy ra trên địa bàn TP.
Thanh tra chuyên ngành: có như không
Hàng năm, các ngành và đơn vị kinh tế đều được tiến hành thanh tra thường xuyên, kể cả đột xuất và định kỳ. Tuy nhiên, những đợt thanh tra này hầu như chưa phát huy tác dụng; trong khi đây là một nguồn phát hiện các trường hợp phạm tội có dấu hiệu tham nhũng quan trọng vì có điều kiện nắm bắt được hoạt động của các đơn vị và có kiến thức trong một lĩnh vực nhất định.
Thượng tá Nguyễn Minh Thông (Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TPHCM) đặt vấn đề: “Những năm qua, Cơ quan Cảnh sát Điều tra không nhận được bất cứ kết luận thanh tra chuyên ngành nào có kiến nghị chuyển qua cơ quan điều tra xem xét làm rõ xử lý theo pháp luật đối với các sai phạm về tham nhũng. Trong khi đó, hành vi tham nhũng có và đã xảy ra nhưng qua thanh tra không phát hiện được hoặc nhiều trường hợp được phát hiện nhưng có biểu hiện bao che, ém nhẹm, không dám chuyển cơ quan pháp luật điều tra xử lý.
Nguyên nhân hoặc là vì bệnh thành tích hoặc lãnh đạo các đơn vị sợ bị liên đới trách nhiệm. Do đó, việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng trong các năm qua chủ yếu là thông qua công tác nghiệp vụ của công an, từ đơn thư tố cáo hoặc từ kết quả thanh tra của Thanh tra TP. Vậy thì hiệu quả và tác dụng của công tác thanh tra chuyên ngành ở đâu?”.
Để dẫn chứng, Thượng tá Nguyễn Minh Thông đưa ra hai ví dụ và cả hai đều cho thấy công tác thanh tra của Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam có vấn đề. Trong vụ tiêu cực về đất đai xảy ra tại huyện Hóc Môn, lẽ ra Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Chợ Lớn đã không dễ dàng bị chiếm đoạt 3.000 lượng vàng SJC và 18 tỷ đồng nếu không có sự tiếp tay của Trần Văn Tuyến (nguyên giám đốc), Lưu Thị Minh Hiền (nguyên phó giám đốc), Nguyễn Công Định (cán bộ tín dụng) trong việc đã bỏ qua nhiều quy định của Nhà nước về hoạt động của các tổ chức tín dụng khi xét duyệt, thẩm định hồ sơ xin vay tiền của Công ty TNHH XD-TM-KD nhà Thành Phát. Thế nhưng, công tác thanh tra chuyên ngành đã không phát hiện ra những sai phạm này.
Còn trong vụ Nguyễn Tám (nguyên Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Tân Bình) cùng các đồng phạm cho vay bằng tín chấp dựa trên các hợp đồng kinh tế giả mạo và cổ phiếu giả mạo, khiến ngân hàng bị thất thoát 120 tỷ đồng không có khả năng thu hồi. Điều đáng nói là trước khi cơ quan điều tra vào cuộc, đoàn thanh tra của Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam có tiến hành thanh tra nhưng không đề cập những sai phạm này trong kết luận thanh tra. Sau khi vụ án bị khởi tố, trưởng đoàn thanh tra đã thừa nhận với cơ quan điều tra rằng đoàn có phát hiện vi phạm, nhưng số tiền cho vay chỉ là 100 tỷ đồng chứ không phải 103 tỷ đồng như đơn tố giác (?!).
Xử lý: buông lơi; quy định: mập mờ
Một trong những nguyên nhân khiến công tác phòng ngừa tội phạm tham nhũng gặp khó khăn là khi phát hiện tiêu cực, nhiều đơn vị, địa phương không kiên quyết xử lý mà chỉ xử lý nội bộ, tạo điều kiện cho đối tượng phạm tội ở mức độ nghiêm trọng hơn. Điển hình là trường hợp Lý Thị Quỳnh Trâm (nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ quận Phú Nhuận) tham ô 161 triệu đồng tiền thu bảo hiểm y tế tự nguyện tại phường 9 quận Phú Nhuận.
Điều đáng nói là trước đó, vào năm 2007 Trâm cũng đã chiếm đoạt 27 triệu đồng tiền thu bảo hiểm y tế tự nguyện do người dân nộp nhưng được UBND phường 9 quận Phú Nhuận tha bổng, chỉ nhắc nhở. Tương tự, vào tháng 1-2007, trong thời gian giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường 4 quận Phú Nhuận, Nguyễn Thanh Vinh bị UBND quận Phú Nhuận xử lý cảnh cáo về hành vi cá độ, vay nợ không trả đúng hạn và buông lỏng quản lý. Tuy nhiên, đến tháng 8-2007, Vinh vẫn được cử sang giữ chức vụ trên. “Ngựa quen đường cũ”, Vinh tiếp tục phạm tội nhưng lần này hành vi phạm tội nghiêm trọng hơn - Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản thông qua việc nhận tiền của nhiều thanh niên để cho họ được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự.
Trong công tác phối hợp giải quyết án tham nhũng, các cơ quan tiến hành tố tụng gặp không ít khó khăn, vướng mắc bởi các văn bản hướng dẫn pháp luật chưa đầy đủ, không rõ ràng hoặc thiếu khả thi. Chẳng hạn như đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cách tính tài sản Nhà nước thiệt hại đối với các tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” để có cơ sở xác định chính xác dấu hiệu định tội, định khung, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người phạm tội.
Ông Võ Văn Quận (Trưởng phòng Thanh tra chống tham nhũng Thanh tra TPHCM) viện dẫn một ví dụ khác. Theo Thông tư 03/2006/TTLT/VKSNDTC-TTCP-BCA-BQP ngày 23-5-2006, trong vòng 5 ngày kể từ ngày phát hiện dấu hiệu tội phạm, cơ quan thanh tra phải chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra. Trong vòng 20 ngày (nếu vụ việc phức tạp thì 60 ngày) kể từ khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan điều tra phải ra một trong các quyết định khởi tố vụ án hình sự, không khởi tố vụ án hình sự, chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật cho cơ quan điều tra có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự và phải thông báo bằng văn bản kết quả xử lý đến cơ quan thanh tra. Trên thực tế, thời gian quy định như trên quá ngắn, rất khó thực hiện, dẫn đến hạn chế trong mối quan hệ phối hợp giữa các ngành và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng.
ÁI CHÂN