Phòng ngừa tội phạm mua bán người

Hôm qua 13-11, Quốc hội đã thảo luận về 2 dự án luật: Kiểm toán độc lập, Phòng chống mua bán người.

Hôm qua 13-11, Quốc hội đã thảo luận về 2 dự án luật: Kiểm toán độc lập, Phòng chống mua bán người.

  • Cần làm rõ trách nhiệm pháp lý của kiểm toán độc lập

Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập gồm 8 chương, 70 điều được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp lần này. Thẩm tra luật này, Ủy ban Kinh tế khẳng định, kiểm toán độc lập trở thành một dịch vụ không thể thiếu. Từ cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua cho thấy rõ vai trò và lợi ích kiểm toán độc lập có thể mang lại cho doanh nghiệp (DN), nền kinh tế chính tính minh bạch, hạn chế những rủi ro đạo đức do không tuân thủ chuẩn mực kế toán, che giấu thông tin, gây nên những tổn thất lớn cho các nhà đầu tư và xã hội.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, cần thiết phải có quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo tính khách quan, trung thực của kiểm toán viên, hạn chế tình trạng móc ngoặc, thông đồng giữa kiểm toán viên hành nghề và được kiểm toán. Kiểm toán độc lập là hoạt động không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường với vai trò làm tăng độ tin cậy cho thông tin tài chính, là cơ sở để các bên tiến hành các giao dịch kinh tế.

Thảo luận về dự thảo Luật Kiểm toán độc lập, các ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Phạm Thị Loan, Nguyễn Hồng Sơn (đoàn Hà Nội) cho rằng, không nên quy định tiêu chuẩn, điều kiện của giám đốc hoặc tổng giám đốc DN kiểm toán đối với công ty TNHH kiểm toán, phải góp tối thiểu 10% vốn điều lệ.

Bên cạnh đó, “DN kiểm toán tuy là một loại hình hoạt động có tính đặc thù, có điều kiện, nhưng đây cũng là DN và như vậy, nó phải tuân thủ những quy định tại Luật DN hiện hành. Theo Luật DN, họ có quyền thuê tổng giám đốc, giám đốc, thậm chí là chủ tịch HĐQT nếu như người đó có khả năng chuyên môn” - ĐB Phạm Thị Loan nói.

Hàng loạt vấn đề khác cũng được cho là chưa khả thi như quy định điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán và hình thức hành nghề kiểm toán yêu cầu “…đạt kỳ thi sát hạch bằng tiếng Việt về pháp luật Việt Nam”, đặc biệt là đối với các kiểm toán viên là người nước ngoài. Quy định này chưa phù hợp trong bối cảnh hội nhập, cũng như thực tiễn hoạt động kiểm toán ở Việt Nam vẫn cần có các kiểm toán viên là người nước ngoài. Việc yêu cầu các kiểm toán viên nước ngoài phải có thời gian thực tế làm kiểm toán từ đủ 36 tháng trở lên tại DN kiểm toán, tổ chức khác tại Việt Nam mới được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam cũng bị coi là chưa hợp lý.

  • Phạt nặng tội phạm mua bán người

Chiều qua, thảo luận về Luật Phòng chống mua bán người, ĐB Hoàng Thị Hương (Lạng Sơn) đồng tình với việc ban hành luật này vì hiện nay, tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, kể cả mua bán người riêng lẻ và chuyên nghiệp, thậm chí có tính chất xuyên quốc gia. Hành vi buôn bán trẻ em sơ sinh, bào thai cũng cần bị trừng trị nghiêm khắc. Về việc bảo vệ thông tin bí mật của nạn nhân, ĐB Hương đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu và ban hành cụ thể trong dự luật, để đảm bảo nạn nhân hòa nhập với cộng đồng.

Các ĐB Nguyễn Hữu Trí (Tiền Giang), Trần Thị Lộc (Bắc Kạn), Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa)... đề nghị bổ sung hành vi môi giới mua bán người trong số hành vi bị cấm. Thực tế qua giám sát việc đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc cho thấy, một số đối tượng lợi dụng đưa người ra nước ngoài bán hoặc bóc lột sức lao động. ĐB Giàng A Chu (Yên Bái) cho rằng dự thảo luật quy định còn mờ nhạt, chưa đủ sức răn đe đối với người phạm tội mua bán người. Dự thảo cần quy định cụ thể người nào mua bán nhiều người, sẽ bị phạt nặng thế nào? Hợp tác quốc tế là cần thiết, nhất là khi tình trạng buôn bán người đã trở nên nghiêm trọng”.

ĐB Triệu Sỹ Lầu (Cao Bằng) đề nghị làm rõ chủ thể có trách nhiệm bảo vệ nạn nhân. ĐB Giàng Páo Mỷ (Lai Châu) cho rằng, ở địa bàn biên giới có việc mua phụ nữ làm vợ, mua trẻ em làm con nuôi, nên phải sửa lại định nghĩa mua bán người, bao gồm cả mục đích tinh thần, chứ không đơn thuần vì vật chất. Còn theo ĐB Bùi Thị Lệ Phi (Cần Thơ), đề nghị tăng cường kiểm tra ở chợ, bến tàu vì xuất hiện mua bán người để bóc lột sức lao động ở những điểm trên. Nạn nhân bị đối xử tồi tệ, gia đình biết thì chỉ mang tiền đi chuộc mà không dám tố cáo.

“Về quy định tiếp nhận xác minh thông tin nạn nhân, có cần tổ chức riêng cơ sở dành cho nạn nhân của tội phạm này hay không? Quan điểm của tôi chỉ mở rộng những cơ sở bảo trợ xã hội hiện có để tiếp nhận đối tượng này” - ĐB Phi phát biểu. Luật cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ LĐTB-XH trong việc thanh kiểm tra các cơ sở lao động để kịp thời phát hiện đối tượng mua bán người, bóc lột sức lao động.

PH. THẢO

185 câu hỏi chất vấn tại Quốc hội

Theo chương trình kỳ họp QH lần này, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sẽ diễn ra từ 22 đến 24-11.

Theo ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đã có tổng cộng 185 câu hỏi chất vấn của 82 ĐBQH ở 41 đoàn gửi đến các bộ và Thủ tướng. Trong đó, Bộ Công thương nhận được 33 chất vấn; Bộ Tài chính: 16; Bộ Y tế: 15, Bộ GT-VT: 13. Thủ tướng nhận được 19 câu hỏi chất vấn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất xin ý kiến ĐBQH danh sách 4 vị bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn kỳ này. Đó là các bộ trưởng Công thương (về vấn đề quy hoạch, kế hoạch, lộ trình xây dựng nhà máy điện, thủy điện; tình trạng thiếu điện; giá điện, phân phối điện; điều hành xuất nhập khẩu, nhập siêu cao...); Y tế (quá tải bệnh viện, phát triển công nghiệp dược, quản lý chất lượng và giá...); Tài chính (quản lý, sử dụng ngân sách, nợ công, chất lượng các cuộc thanh tra - kiểm tra tại Vinashin; giải pháp bình ổn giá...); GT-VT (phân công quản lý tại Vinashin, trách nhiệm quản lý của ngành đối với sai phạm tại Vinashin, việc bố trí vốn triển khai các chương trình giao thông; nâng cấp đường sắt Hà Nội - TPHCM; triển khai đường sắt cao tốc...).

Về phần trả lời chất vấn của Thủ tướng, các ĐBQH tập trung hỏi về vấn đề tái cơ cấu Vinashin, trách nhiệm để tập đoàn này làm ăn thua lỗ; có chủ trương về dự án bauxite ở Tây Nguyên...

L. NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục