“Hai lúa” lên trời

“Hai lúa” lên trời

Ngược quốc lộ 22, rẽ về ngã ba Đồng Ban, chúng tôi tìm đến nhà anh Trần Quốc Hải ở ấp 2, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, người nông dân bị cho là điên rồ vì dám chế tạo máy bay trực thăng.

Tiếp chúng tôi trong cái xưởng cơ khí đầy vụn sắt thép, máy nông cụ ngổn ngang, anh hồ hởi: “Từ sáng tới giờ tui đang khấp khởi mừng vì nghe Đài Truyền hình Việt Nam có thông báo Thủ tướng đã đồng ý cho bay thử nghiệm. Được thế thì sướng lắm”.

Đã đam mê là làm

Hôm chúng tôi đến vào ngày cuối tuần, nhưng vẫn như thường ngày, anh Hải vẫn cặm cụi bên xưởng cơ khí của gia đình. Anh bảo quen tính cách nông dân nên không có khái niệm ngày nghỉ, khi nào cũng mày mò cái gì đó, không làm cái cuốc, cái cào cho bà con thì cũng chọc ngoáy sửa mấy cái máy móc cũ kỹ.

Khi chúng tôi đề cập đến thông tin về việc Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho bay thử nghiệm chiếc trực thăng, anh cười gượng gạo: “Sáng nay nghe vợ, rồi bạn bè báo tin là có nghe truyền hình nói chứ tui không xem, cũng chưa nhận được thông báo gì”.

“Hai lúa” lên trời ảnh 1

Ông Trần Quốc Hải bên chiếc máy bay trực thăng thứ hai sắp sửa được bay.

Hết bậc phổ thông, anh Hải đi học Trường Thể dục thể thao Trung ương 2, rồi về làm công tác đoàn thể xây dựng phong trào cho Sở Thể dục thể thao tỉnh nhà. 5 năm xây dựng phong trào sống khỏe nhưng anh lại luôn ray rứt, nung nấu chế tạo một cái gì đó có ý nghĩa thực sự.

Vậy là anh bỏ việc nhà nước về mở xưởng cơ khí, làm nương rẫy. Không có tay nghề, anh mò mẫm sửa cuốc, cày cho bà con, rồi sửa máy móc nông cụ. Lấy kinh nghiệm làm sở trường, ấy vậy mà trời phú cho đầu óc sáng tạo và khéo tay, nhiều máy móc nông cụ như máy cày, bừa, máy chăm sóc mía của bà con hỏng hóc đưa đến anh là chạy tốt.

Nhưng đặc biệt hơn là chuyện anh dám chế tạo máy bay trực thăng. Kể về quá trình chế tạo ra “cục sắt biết bay” này, anh không giấu giếm tâm sự của một nông dân chất phác. Anh bảo hồi mới có ý tưởng làm máy bay trực thăng bỗng nhiên trong người máu me lắm, chỉ nghĩ là tại sao các nước làm được mà mình làm không được nên thử làm chơi. “Tui nói chuyện với vợ về ý tưởng này, bả bảo tui bị khùng.

Nhưng đã đam mê là làm”. Biết vợ không hiểu được nỗi lòng của mình, anh đem ý tưởng này trao đổi với anh Lê Văn Danh, người bạn đồng niên. “Nghe tui nói, anh Danh thích lắm. Anh ấy bảo tui cứ làm đi, tốn kém có gì anh ấy hỗ trợ một phần”. Vậy là có người tâm đầu ý hợp, nên ý tưởng chế tạo máy bay trực thăng được thực hiện mặc dù vợ con anh phản đối, lối xóm gièm pha. “Đó là vào thời điểm 1996-1997.

Mọi người tranh thủ tìm cách làm giàu còn tui lui cui làm… máy bay”. Để biết cấu tạo của máy bay trực thăng ra sao, anh Hải lên Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh hỏi thì họ bảo không biết, lặn lội lên Trường Đại học Bách khoa TPHCM, rồi ra đến tận Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để tìm tài liệu nhưng những giáo sư cũng chỉ biết về nguyên lý bay, chứ không nắm được cách chế tạo ra sau.

“Vậy là phải đi thực tế tìm hiểu thôi. Tui với anh Danh đi từ miền Nam ra miền Trung, chỗ nào có bảo tàng trưng bày máy bay là tụi tui đến tham quan, chụp hình để làm tư liệu sáng chế”, anh Hải tâm sự.

Đặt một niềm tin

“Hai lúa” lên trời ảnh 2

Chiếc trực thăng thứ nhất của ông Trần Quốc Hải với bao công sức, đang bị bụi phủ mờ. Ảnh: Tg.L

Sau nhiều lần làm rồi bỏ, cuối năm 2003, anh Hải cũng hoàn thiện được chiếc máy bay đầu tiên. Đó là một chiếc trực thăng gắn động cơ ZIL của ô tô Liên Xô 150 mã lực cải tiến thành 300 mã lực, cánh quạt có lõi thép tạo dáng bọc nhôm… Sợ xóm giềng dòm ngó xì xào, anh đem mền trùm lại chứ chưa dám bay thử.

“Nghe bạn bè bảo muốn bay phải được huyện đội, Sở Khoa học-Công nghệ cho phép nên tui đi hỏi nhưng họ bảo cứ về làm đi rồi hẵng xin phép sau. Tui nói làm rồi thì họ không tin”. Chần chừ mãi mà không được bay, thấy sốt ruột, anh Hải mướn chiếc máy cày và 10 thanh niên chở máy bay ra rẫy gần nhà để bay thử.

Trước khi cho nổ máy, anh lấy dây thừng neo chiếc máy bay lại và các trai tráng thì kéo ghì xuống nếu lỡ nó bay lên cao mà không hạ xuống được. Không phụ lòng công sức chế tạo, sau khi nổ máy ầm ầm thì chiếc trực thăng cũng nhấc lên khỏi mặt đất khoảng 3m. “Khi nó bốc lên được, tui mừng hết xiết và thấy trong lòng sung sướng chi lạ. Thế là thành công bước đầu và tui hiểu được cơ chế bay của trực thăng”.

Thời điểm ấy là giáp Tết Nguyên đán 2004, mọi người vun vén nhà cửa ăn Tết thì anh Hải tiếp tục mày mò tìm nguyên lý bay cao hơn cho chiếc trực thăng của mình. Và cũng những ngày ấy, bà con hiếu kỳ xã Suối Dây đến nhà anh rất đông để xin xem chiếc máy bay, mặc dù anh đã ngụy trang cho cục sắt 900kg này rất kỹ ở sau vườn.

Rồi tiếng đồn cứ vang xa, làng trên xóm dưới đều biết chuyện nông dân Trần Quốc Hải chế máy bay. Người nào hiểu thì động viên đôi câu mát ruột, người không hiểu thì nói ra nói vào. Ngay chính quyền địa phương cũng bảo là anh hoang tưởng.

Chưa hài lòng với lần thử bay đợt đầu, anh Hải bàn với anh Danh thử tiếp lần hai. Lần này một số bộ phận của máy bay được thiết kế gọn nhẹ hơn để nâng độ cao của máy bay. Khi đi ngang ủy ban xã gặp mọi người đang nhậu, anh chào xã giao nhưng một số người vẫn mỉa mai anh là khùng. Biết mọi người không chia sẻ, anh vẫn tươi cười tiếp tục đi. Thế nhưng ra đến rẫy, chuẩn bị nổ máy thì huyện đội, dân quân xã đến lập biên bản tịch thu … máy bay.

Mọi người cứ ngỡ rằng sau sự kiện ấy Hải “hâm” sẽ từ bỏ ý định chế tạo máy bay. Nhưng họ đã lầm, lòng đam mê và niềm tin trong anh vẫn không nguôi. Sau sự đấu tranh của dư luận, chính quyền tỉnh Tây Ninh đã trả lại chiếc máy bay cho khổ chủ.

Đầu năm 2006, anh đã thu thập được khá nhiều tài liệu trong và ngoài nước về cơ cấu, nguyên lý hoạt động của máy bay trực thăng và nung nấu ý định chế tạo một chiếc trực thăng mới. Để tránh tò mò của mọi người, anh bàn với anh Lê Văn Danh vào sâu trong rẫy che một cái lán để chế tạo chiếc máy bay thứ hai.

Đó là chiếc máy bay được dùng động cơ Kawasaki của phi thuyền trượt nước 250 mã lực, cánh quạt được làm bằng composite, nặng 600kg và có khả năng bay cao 3km với vận tốc 150km/giờ, thời gian bay tối đa 2 giờ, điều khiển được lên xuống, đảo chiều và lui tới. “Đây là chiếc máy bay khá hoàn hảo. Trong quá trình chế tạo, tui đã được hỗ trợ rất nhiều về kỹ thuật từ bạn bè trong và ngoài nước. Cho nên tôi tin chiếc máy bay này sẽ bay được”, anh Hải khấp khởi hy vọng. 

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục