Đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu thị trường

Bài 3: Ba trong một

Bài 3: Ba trong một

Bài toán chất lượng nguồn nhân lực, hay nói cách khác, nghịch lý “cung - thừa” “cầu - thiếu”, cần được giải như thế nào? Khi chúng ta đã thừa nhận sự tồn tại của một thị trường giáo dục – tuy là “thị trường” đặc biệt – thì cũng phải nói đến “yếu tố thị trường” mà chất lượng đầu ra là quyết định. Để đảm bảo yếu tố này, nhất thiết phải có sự liên thông “ba trong một” – đó là nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp.

  • “Chiếc máy cái” cần được trùng tu
Bài 3: Ba trong một ảnh 1

Đặng Thị Thanh Mai (Trường ĐHKHTN) đang theo dõi sự phát triển cây lúa chuyển đổi gien trong phòng thí nghiệm Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Thái Bằng

Các nhà doanh nghiệp than thở trang thiết bị dạy học ở một số trường, một số phòng thí nghiệm vừa thiếu, vừa lạc hậu so với trình độ hiện tại. Họ nói: “Hàng ngày chúng tôi phải đọc hàng chục tờ báo, tạp chí tiếng Việt và tiếng nước ngoài, phải truy cập Internet để thu thập thông tin về tiến bộ kỹ thuật, những phát minh, sáng chế mới v.v... phải tổng hợp, phân tích các dữ liệu, chọn lọc để ứng dụng vào công việc.

Thế nhưng, ở nhiều trường, chúng tôi thấy có ngành sinh viên thực hành trên thiết bị được sản xuất cách đây 30 - 40 năm. Còn các loại dụng cụ, vật liệu dùng cho nghiên cứu, thực nghiệm cũng đều là những loại mà các nước tiên tiến đã bỏ từ lâu... Tài liệu nghiên cứu, tham khảo thì được biên dịch từ sách báo thế giới cũng từ nhiều năm trước, thiếu cập nhật, thông tin đã lỗi thời! Một số giáo trình, giáo án được soạn thảo và sử dụng từ nhiều năm, trong khi tiến bộ về khoa học kỹ thuật, khoa học quản lý biến đổi rất nhanh lại không được cập nhật, hiệu chỉnh, bổ sung hàng năm, thậm chí có loại cần phải nhanh hơn nữa. Đó là chưa kể, do kinh phí eo hẹp, ở nhiều trường, các thầy cô ít có điều kiện ra nước ngoài tham quan, trao đổi học tập để nắm những thông tin khoa học hiện đại”.

Phía nhà trường, nói như TS Đoàn Hữu Hải, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sư phạm TPHCM: “Chương trình và nội dung đào tạo trong các trường ĐH của chúng ta hiện nay không khác mấy so với nội dung, chương trình của mấy chục năm trước. Điểm khác biệt căn bản chỉ ở chỗ đã có bổ sung, điều chỉnh chút ít chứ chưa phải là chương trình được xây dựng để thích hợp với những đòi hỏi của tình hình phát triển hiện nay.

Chính vì vậy nó không cho phép vận dụng những phương pháp dạy học mới, chưa tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc tự học, tự nghiên cứu của sinh viên nói chung, còn để lại một khoảng cách đáng kể so với nội dung, chương trình của các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới. Do vậy, mục tiêu hòa nhập rất khó có thể thực hiện được”.

Còn TS Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng khoa Du lịch và khách sạn (ĐH KT Quốc dân) bức xúc: “Nói đâu xa, từ 20 năm nay ngành quản trị kinh doanh du lịch, khách sạn và nhà hàng không có mã ngành riêng trong hệ thống mã ngành đào tạo của quốc gia. Không biết từ đâu, người ta ép ngành này vào chuyên ngành của ngành quản trị kinh doanh. Do vậy, nhiều môn học lẽ ra lĩnh vực du lịch không cần nhưng theo chương trình QTKD đã ban hành, nên du lịch buộc phải theo như kinh tế lượng, toán cao cấp, lịch sử học thuyết kinh tế…; trong khi đó, các môn học khác cần hơn thì phải cắt xén thời gian hoặc không được học. Cạnh đó, chương trình đào tạo bị gò ép, phương pháp đào tạo lạc hậu nặng về lý thuyết, ít thực hành thậm chí không có thực hành vì không đủ điều kiện, dẫn đến năng lực nghề nghiệp của sinh viên kém”.

Theo GS Phạm Minh Hạc, chất lượng đào tạo nhân lực, nhất là ở bậc ĐH còn thấp so với mục tiêu giáo dục, yêu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và với trình độ các nước trong khu vực đã đành; ngay nội dung, phương pháp dạy ĐH chưa đáp ứng tốt yêu cầu chuẩn bị nhân lực cho CNH và trình độ chưa theo kịp phát triển khoa học công nghệ hiện đại; phương pháp giáo dục còn nặng về áp đặt, chưa khuyến khích người học. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng nhìn nhận: “Hiện nay các trường đang đào tạo theo những gì mình có chứ chưa đào tạo theo nhu cầu xã hội…”. Ông Nhân cho rằng, mỗi trường cần xây dựng cơ chế chính sách năng động, hợp tác với doanh nghiệp tạo “sức bật mới” trên cơ sở tận dụng lợi thế của doanh nghiệp về cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ và cả… vốn.

Từ nhiều năm nay và từ nhiều cuộc hội thảo, các nhà quản lý giáo dục, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp để việc đào tạo theo kịp nhu cầu xã hội, kể cả giải pháp nhà trường và doanh nghiệp “bắt tay chặt chẽ” ngay từ khâu đào tạo nhân lực. Đây là giải pháp không mới nhưng từ trước đến nay, nghe nói ai cũng cho là phải, là đúng, nhưng làm cách nào thì cả nhà trường lẫn doanh nghiệp đều coi đó là… trách nhiệm của người khác!

  • Liên kết - những “cái bắt tay” đơn lẻ

Gần đây, sau nhiều lần “đổ lỗi” cho nhau vẫn không giải quyết được vấn đề “cung, cầu và chất lượng nhân lực”, từng trường, từng doanh nghiệp đã có sự kết hợp để đào tạo hoặc “đặt hàng” đào tạo.

Cuối tháng 3-2007, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG-HCM) đã có cuộc “bắt tay” rầm rộ với Microsoft để cùng đào tạo nhân lực. Trước đó mấy ngày, Khoa Kinh tế (ĐHQG-HCM) cũng “tay trong tay” với Công ty cổ phần Hoa Sen (Hoa Sen Corporation) bằng việc ký kết hợp tác chiến lược giữa đơn vị đào tạo với doanh nghiệp nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình phát triển. Trong buổi ký kết, ngoài hai bên “bán” và “mua” còn có cả lãnh đạo tỉnh Bình Dương và Trưởng BQL các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương… “làm chứng”.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Hoa Sen Corporation cho biết: Chúng tôi đặt hàng và cùng thỏa thuận với trường nhiều điều. Cụ thể, phía trường cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho chúng tôi, rồi đào tạo nâng cao nghiệp vụ kinh doanh cho cán bộ công nhân viên của Hoa Sen Corporation… Ngược lại, chúng tôi sẽ hợp tác với trường nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng tại Hoa Sen Corporation, cũng như sẽ hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học; tài trợ học bổng, các hoạt động phong trào, học thuật cho sinh viên. Và quan trọng nhất là chúng tôi tạo điều kiện cho sinh viên thực tập thực tế tại công ty.

Theo PGS-TS Huỳnh Thành Đạt-Phó Giám đốc ĐH QG TPHCM khẳng định, thì đây là một lễ ký kết chính thức về hợp tác chiến lược lâu dài đầu tiên của đơn vị thành viên trong ĐHQG-HCM với một doanh nghiệp bên ngoài.

Còn tại Hội thảo quốc gia về “Đào tạo theo nhu cầu xã hội” được tổ chức hồi đầu năm 2007, đại diện các trường ĐH đều cho biết trường mình cũng đã có những chương trình “bắt tay” với doanh nghiệp trong đào tạo và đã có những bước thành công ban đầu. Tuy nhiên, tất cả những cuộc “bắt tay” như thế chỉ được coi như là nỗ lực đơn lẻ, một loại “giải pháp tình thế”, tuy được tổng kết, đúc rút kinh nghiệm và nhân rộng nhưng vẫn chưa trở thành một giải pháp chiến lược.

  • Tam giác hợp tác: nhà nước - doanh nghiệp - nhà trường

Nhìn tổng thể vấn đề, GS Phạm Minh Hạc cho rằng, do thời gian qua chúng ta đã buông lỏng quản lý cơ cấu đào tạo, để phát triển tự phát theo nhu cầu của người dân, còn nặng tâm lý khoa cử, nhẹ tâm lý thực nghiệm, chưa gắn đào tạo với sử dụng.

Ông nói: “Qua hơn 20 năm đổi mới, ở nước ta đang hình thành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhưng thị trường lao động chỉ mới bắt đầu hình thành, có thể đây là một trong những nguyên nhân làm cho đào tạo của nước ta chưa bám sát vào cơ cấu lao động. Chưa có một chiến lược đào tạo và quản lý nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thị trường lao động”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng “Chúng ta có đến ba nhóm nhu cầu: nhà nước, doanh nghiệp và người học thường xuyên biến động, thay đổi theo từng giai đoạn. Ngành GD-ĐT phải chuyển từ đào tạo dựa theo khả năng sẵn có của mình sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội…”.

Thông tin liên quan

- Bài 1: Thừa “ngọn”, thiếu “gốc”

- Bài 2: Tiệm cận cung – cầu

Rõ ràng, sự chuyển động đầu tiên vẫn phải từ phía các trường. Bởi, thiết kế chương trình đào tạo cụ thể, đổi mới cách dạy học, tạo ra “sản phẩm” phù hợp với yêu cầu xã hội là trách nhiệm của các trường, không ai làm thay được.

Tuy nhiên, muốn đào tạo theo nhu cầu xã hội, trước hết phải dự báo được số lượng theo ngành nghề và trình độ đào tạo ở tất cả các cấp từ quốc gia cho đến các vùng miền và địa phương. Sự “chào đời” của cơ quan dự báo nhu cầu xã hội với sự góp mặt của các bộ ngành trung ương và địa phương là lẽ tất nhiên khi hội nhập kinh tế, quá trình phân công lao động quốc tế sẽ theo hướng chuyên môn hóa.

Tam giác hợp tác: nhà nước - doanh nghiệp – cơ sở đào tạo sẽ họp mặt từ 1 đến 2 lần một năm đề ra kế hoạch ngắn hạn và dài hạn. Các trung tâm dự báo địa phương sẽ cung cấp thông tin lên mạng quốc gia để cơ quan dự báo quốc gia xử lý và điều phối chung.

Các hiệp hội nghề nghiệp cũng định kỳ thông báo nhu cầu theo từng loại ngành nghề và trình độ đào tạo. Các trường ĐH, CĐ, TCCN cần thành lập các trung tâm dịch vụ, giới thiệu việc làm và theo dõi sinh viên sau khi tốt nghiệp, có liên hệ chặt chẽ với cơ quan dự báo nhu cầu xã hội cấp địa phương và cấp quốc gia.

-------------------
Bài cuối: Không chạy theo “thị hiếu xã hội”

Nhóm PV khoa giáo

Tin cùng chuyên mục