Ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp - người viết chuyện cổ tích thời nay

Bài 2: Điều kỳ diệu giữa đời thường

Bài 2: Điều kỳ diệu giữa đời thường

Ở tuổi “thất thập cổ lai hy” người ta thường thích vui với cây cỏ, chơi đùa với con cháu, ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp thì không thế và ông không thể quên đi nỗi nhọc nhằn, đớn đau của hàng vạn người bệnh nghèo đang chờ sự cứu giúp của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo (BTBNN) TPHCM, mà ông là chủ tịch trong hơn 10 năm qua.

77 tuổi, ông vẫn đi nhiều nơi và ông vẫn làm được nhiều việc thiện cho đời với tấm lòng sắt son vì Đảng vì dân mà ông hằng nguyện hiến, từ thời niên thiếu.

Có điều, hàng vạn người bệnh nghèo không nhớ ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp là ai, nhưng họ rất nhớ về người đã tái sinh họ lần nữa trên cuộc đời này có tên: ông Sáu Tường, người được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, mà thành tích của ông là những con số biết nói: hơn 800.000 người mù tìm được ánh sáng, hơn 400.000 trẻ tìm lại được nụ cười lành lặn, hơn 300.000 cháu được “đi bằng xe, nghe bằng máy”…

Người viết truyện cổ tích bằng trái tim

Bài 2: Điều kỳ diệu giữa đời thường ảnh 1

Ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp. Ảnh: V.D.

Năm 1994, ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp, Chủ tịch UBND TPHCM đã làm đơn xin thôi chức vì bệnh. 3 năm dưỡng bệnh, về thăm lại quê hương thời niên thiếu và thăm lại những người đã một thời cưu mang, che giấu ông. Đối diện với sự thật. Ông Sáu Tường (bí danh của ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp) đã nhiều đêm trăn trở, ray rứt với những tiếng thở dài, chép miệng cam chịu những đau đớn, dị tật do di chứng chiến tranh trên thân thể các đồng đội cũ, của những người dân nghèo từng cưu mang ông ngày xưa.

Ông mang nỗi ray rứt, ưu tư ấy bàn bạc với cô Tư Duy Liên (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP), cô Bảy Huệ (phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) và cuối cùng, Hội Bảo trợ bệnh viện miễn phí An Bình đã được ra đời mà ông là Chủ tịch hội. Sau này, để mở rộng địa bàn và đối tượng giúp đỡ, ông và các cộng sự đã đổi tên thành Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP. Và những câu chuyện cổ tích đẹp có thật giữa đời thường bắt đầu từ đây…

“Giàng ơi! Cán bộ Đảng làm sáng mắt mình rồi”

Câu chuyện một gia đình mù ở Quảng Ngãi được sáng mắt là câu chuyện kể nhiều nước mắt những ngày giáp tết năm 1998. Nhà anh Nguyễn Văn Làm (Quảng Ngãi) có 4 người, đã nghèo lại có 3 người lâm vào cảnh mù lòa nên cả nhà vừa làm thuê vừa mò mẫm ăn xin vẫn không đủ sống. Một lần đi làm thuê, anh Làm nghe chuyện người mù có thể sáng mắt. Không tin vào câu chuyện có vẻ cổ tích ấy, nhưng, chỉ cần có chút hy vọng là anh Làm vẫn cố dọ hỏi. Cuối cùng anh đã có địa chỉ của ông Sáu Tường, người có thể làm được chuyện khó tin ấy ở TPHCM. Để vào được TPHCM, anh Làm đã “tổ chức” gia đình mình thành một nhóm ăn xin bằng cách biểu diễn đàn nhị, hát bài chòi trên các chuyến xe lửa xuôi Nam. Cu Phước, 5 tuổi con trai anh Làm - đàn nhị. Nguyễn Thị Khéo, chị của Phước 19 tuổi, cùng cha hát bài chòi. Bà Nguyễn Thị Chín, 79 tuổi, bà nội Phước “chịu trách nhiệm” đưa chiếc nón lá ra để nhận tiền và cơm bố thí. “Ban nhạc” ấy bị đuổi xuống xe biết bao lần, anh Làm không nhớ, nhưng anh chỉ nhớ là hơn 2 tháng sau họ mới vào đến Hội BTBNN TPHCM.

Ông Sáu Tường và các cộng sự đón họ bằng bữa ăn no nhất trong đời, được tắm rửa và mọi người được thay quần áo mới, trước khi họ bước vào cuộc đổi đời ở Trung tâm Mắt TPHCM. Ngày tấm băng mắt được gỡ ra, ba bà cháu đã giật bắn người vì “sáng chói quá”. Không phải là màu đen tối tăm đeo bám họ hàng chục năm qua mà là ánh sáng muôn màu! Khéo, cô gái mù suốt 19 năm, lần đầu tiên trong đời nhìn thấy bà cụ già bên cạnh gọi tên mình bằng giọng rất quen, cô hỏi: “Ủa, bà nội hả”, rồi hai bà cháu bật khóc. “Đừng đi lại con, mắt chưa khỏe mà” trố mặt nhìn người đàn ông nghèo khổ đang chảy nước mắt, đứng bên cạnh, cu Phước hỏi: “Bộ… là cha hả?”. Cả 4 người cùng khóc sụt sùi vì hạnh phúc bất ngờ. Cả đêm hôm ấy, 4 bà cháu không dám ngủ vì sợ “nhắm mắt ngủ lỡ mai mù lại thì chết”.

Bác sĩ Bùi Thu Nhàn, Giám đốc Trung tâm Mắt phải khuyên họ đi ngủ để ổn định mắt vừa mới phẫu thuật. Nghe thế 3 bà cháu vội nhắm mắt… Khi ánh bình minh rọi qua cửa sổ chiếu vào giường, bà Chín, Khéo và cu Phước ngồi bật dậy, nhìn sững vào khoảng sân đầy nắng vỗ tay liên hồi: “Trời ơi, tui không bị mù lại nữa, bà cháu tui sáng mắt luôn rồi nè bác sĩ ơi, nhà nước ơi..”, rồi họ lại khóc sụt sùi.Trước khi chia tay, bà Chín đưa bàn tay thô ráp, nhăn nheo nắm lấy tay bác sĩ Nhàn, rồi quay sang nắn nắn bàn tay ông Sáu Tường, nói như khóc: “Gia đình tui cám ơn bác sĩ, cám ơn nhà nước và ông Sáu giúp gia đình tui mấy chục năm mới nhìn thấy mặt nhau, thấy đường đi làm ăn không phải ngửa tay ăn xin người khác nữa..”. Còn cu Phước đu chân ông Sáu Tường: “Cám ơn ông Sáu “làm” cho con thấy mặt cha, mặt bà nội, mai mốt con đi học chữ để làm việc nuôi cha nuôi bà nội khỏi phải đi xin cơm ăn...”. Ông Sáu Tường đứng im lặng nhìn họ ra về, vẫy tay cười mà nghèn nghẹn ở cổ…

Chương trình “Mắt sáng cho người mù nghèo” không chỉ diễn ra ở những tỉnh thành lớn mà ông Sáu Tường và các bác sĩ nhân ái còn có mặt tại vùng núi cao - Điện Biên Phủ. Rừng núi Tây Bắc mùa đông lạnh thấu xương. Để đi tìm ánh sáng cho cuộc đời mình, bà con dân tộc các bản làng xa xôi heo hút với tên gọi khó nhớ: Nà Ư, Ma Lù Thàng, Tây Trang đã phải mang theo hai ổ trứng gà cùng ruột gạo làm lộ phí và “hai người sáng phải cáng một người mù” để phóng qua những khe núi sâu thẳm, lội qua nhiều con suối to... Vừ A Phóng chỉ con mắt bôi thuốc đỏ vòng quanh, nắm tay ông Sáu Tường hỏi giọng thăm dò: “Mình thích sáng con mắt lắm, nhưng ông có phép thuật làm cho sáng con mắt thật không?”. Đến khi nhìn thấy được mọi người quanh mình thì người đàn ông dân tộc Dao đã khóc thật to như bị ai đánh đau, gào lên: “Ôi mắt tôi được người nhà nước làm cho sáng lại thật rồi. Ôi Bác Hồ ơi!”.

Nào phải chỉ có người dân Tây Bắc kinh ngạc vào “phép thuật” của các bác sĩ mắt đi cùng ông Sáu Tường, mà ở Gia Lai, nhiều bà mẹ Việt Nam Anh hùng cũng ngạc nhiên không kém. “Giàng bắt mù phải chịu mù, cán bộ Đảng không làm khác ý Giàng được đâu...”, các bà mẹ từ chối chữa mắt. Bí thư Tỉnh ủy và ông Sáu Tường đến thuyết phục mãi họ mới chịu đi mổ mắt. Khi chiếc băng mắt được mở ra, bà mẹ Việt Nam Anh hùng Amí đã bật khóc và nhìn lên phía núi cao hút nói to: “Giàng ơi, cán bộ của Đảng cũng làm mình sáng mắt được như Giàng rồi…”. Ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp cười mà như nghẹn vì cảm động, ông nói: “Tôi rất vui vì đã giúp bà con dân tộc thấu hiểu tấm lòng của Đảng đối với người dân tộc một cách giản dị dễ hiểu nhất”.

Nỗi buồn sau chiếc quai nón

Bài 2: Điều kỳ diệu giữa đời thường ảnh 2

Ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp và bà mẹ Việt Nam Anh hùng Amí người Bana ở Gia Lai ( đứng giữa, hàng đầu) được Hội BTBNN TP chữa sáng mắt năm 2003. Ảnh: P.Th.

Trên chuyến đò trở về vùng đất mũi Cà Mau, ông Sáu Tường bồi hồi hỏi thăm rất nhiều chuyện, nhưng cô gái trẻ đưa đò vẫn chỉ lắc với gật. Rất lâu, cô gái đưa đò với đôi mắt rất buồn nói lời ngọng nghịu sau chiếc quai nón to, che hết một phần mặt. Hỏi mới biết, cô gái bị hở hàm ếch.

Đến thăm nhà đồng đội cũ ông lại bất ngờ khi vợ bạn bế thốc đứa bé đang nằm trên giường bỏ chạy. Hỏi thăm mãi, họ mới bế đứa con có tên gọi rất tội nghiệp: “thằng Quỷ”, với chiếc miệng rách toác lộ hết răng lợi, cùng đôi mắt cũng lồi lộ trên gương mặt biến dạng về cho ông thăm. Ông Sáu Tường ngậm ngùi ôm thằng bé vào lòng. Sau bốn cuộc phẫu thuật chỉnh hình, cu Toàn (tên thật của thằng Quỷ) đã có gương mặt người với nụ cười rất ngộ và giọng nói không còn ồm ồm ngọng nghịu vô nghĩa như xưa…

Chuyện buồn của cô gái đưa đò trên vùng sông nước Cà Mau qua đã rất lâu thì bất ngờ ông Sáu Tường nhận được tấm thiệp cưới của cô gửi đến. Trong thiệp có lá thư viết: “Con có chồng nhờ ân đức ông Sáu và các bác sĩ vá môi và sửa tiếng ngọng cho con, giúp con bỏ đi mặc cảm đau khổ. Bây giờ, con không cần che miệng nữa, con đội ơn nhà nước, đội ơn các bác sĩ và cầu mong sao ông Sáu sống thiệt lâu để cứu giúp những người đau khổ như con vậy… Con Hạnh”.

Nào chỉ vá môi, mổ mắt mù do đục thủy tinh thể, Hội BTBNN TP còn tặng xe lăn cho các cháu bị liệt chân và mang đến cho các trẻ khiếm thính giọng hát mẹ ru bằng những chiếc máy trợ thính đắt tiền. Mới đây, ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp lại vừa mở ra con đường sống cho trẻ bị dị tật tim bẩm sinh. Những ngày cuối tháng 7-2007, cơn đau thắt ruột đến chảy nước mắt vẫn không níu được bước chân ông đi đến với chương trình ca nhạc “Vạn trái tim, vạn tấm lòng” dành gây quỹ mổ tim cho trẻ bệnh tim đang cần được cứu giúp khẩn cấp. Hơn 30 tỷ đồng là số tiền mà chương trình nhận được từ các nhà hảo tâm trong và ngoài nước gửi đến sau khi ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp xuất hiện trên sân khấu nói lời tự tâm.

Cái giá của sự cố gắng vượt sức lần ấy là ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp phải đi cấp cứu ở Singapore hơn một tháng trời…  

PHẠM THỤC

Bài 1: Những dấu ấn khó phai

Tin cùng chuyên mục