Du xuân thời… công nghệ

Ứng dụng công nghệ vào sinh hoạt, đời sống hiện nay là trào lưu của đại bộ phận người dân sống ở các đô thị, thành phố lớn như TPHCM. Chỉ cần có chiếc smartphone (điện thoại thông minh), thực hiện vài thao tác là đáp ứng đủ mọi thứ từ giao dịch, thanh toán, mua sắm, vận chuyển, du lịch, vui chơi, ngủ nghỉ… đến đi lại và “săn” bữa ăn ngon, giá rẻ, không lo sa vào mấy chỗ… “bún mắng - cháo chửi”!
Du xuân thời… công nghệ

Ứng dụng công nghệ vào sinh hoạt, đời sống hiện nay là trào lưu của đại bộ phận người dân sống ở các đô thị, thành phố lớn như TPHCM. Chỉ cần có chiếc smartphone (điện thoại thông minh), thực hiện vài thao tác là đáp ứng đủ mọi thứ từ giao dịch, thanh toán, mua sắm, vận chuyển, du lịch, vui chơi, ngủ nghỉ… đến đi lại và “săn” bữa ăn ngon, giá rẻ, không lo sa vào mấy chỗ… “bún mắng - cháo chửi”!

Từ xe ôm công nghệ

Để phù hợp với đời sống văn minh, hiện đại của một thành phố lớn, hàng loạt công nghệ mới ứng dụng đã lần lượt ra đời, giúp người dân nắm bắt và tiếp cận trong mọi lĩnh vực… Trong đó có dịch vụ “xe ôm công nghệ”. Loại hình này giá rẻ, tiện lợi, an toàn - là một dịch vụ vận chuyển năng động trong một đô thị đang ngày càng phát triển…

Gần đây, ở TP.HCM xuất hiện nhiều dịch vụ xe ôm kết nối với khách hàng qua mạng điện thoại thông minh như GrabBike, UberMoto… Những chiếc xe ôm này mang đến nhiều lợi ích cho hành khách và tài xế như sự an tâm vì biết được thông tin của tài xế  (tên, hình ảnh, biên nhận, biển số xe và số điện thoại), khách hàng thì không lo bị “hét giá”, khi chọn hành trình, hệ thống sẽ hiển thị chính xác số tiền mà khách cần trả. Tài xế chạy “xe ôm công nghệ” có thể đón khách mọi nơi, không phải chạy lòng vòng kiếm khách và cũng an tâm hơn khi đón khách lạ, khách đi xa…, giảm thiểu những nguy cơ mà giới xe ôm thường đối mặt như cướp, trấn lột…

Vợ chồng anh Tám Lắm ở tận huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) vào TPHCM chơi, được con rể chỉ dẫn đã gọi “xe ôm công nghệ” ở bến xe miền Đông về quận 12. “Nếu đi “xe ôm truyền thống” như mọi lần thì giá 200.000 đồng, rồi… “tống 3”, chạy bạt mạng để… né công an! Lần này đi GrabBike mỗi người một xe mà tốn có 100.000 đồng. Đã vậy còn được tài xế vui vẻ thăm hỏi ân cần…”, anh Lắm chia sẻ. Nhiều người xác nhận xe ôm GrabBike giá mềm, tiện lợi. Gọi GrabBike chưa đầy 10 phút là có xe đến đón, kể cả đêm khuya.

Để có thể đặt xe, chỉ cần cài sẵn ứng dụng Grab vào điện thoại và thực hiện vài thao tác đơn giản như chọn điểm đi - đến, tài xế “xe ôm công nghệ” gần nhất sẽ ngay lập tức liên lạc và xác nhận thông tin khách hàng.

Hiện có nhiều hãng xe ôm công nghệ ra đời nên giá cả cũng cạnh tranh hơn xe ôm kiểu cũ. Cụ thể: xe ôm Grab 12.000 đồng/block 3km đầu tiên (giờ cao điểm 18.000 đồng), mỗi kilômét tiếp theo là 3.800 đồng. Mức giá của xe ôm Uber là 3.700 đồng/km + 200 đồng/phút. Mức giá thấp nhất cho một cuốc xe là 10.000 đồng. Có một điều khác biệt giữa dịch vụ xe ôm của Grab và Uber, đó là GrabBike sẽ không thu thêm chi phí dựa trên quãng thời gian di chuyển. Trong khi đó với UberMoto, mức phụ phí này được quy định là 200 đồng/phút và phí hủy chuyến là 5.000 đồng nếu chúng ta gọi xe mà không đi.

Xe ôm thời công nghệ đem lại tiện dụng cho khách

Đến “đất lành” của nghề xe ôm

Ở TPHCM, xe ôm là loại dịch vụ vận chuyển chở khách đã quá quen thuộc. Khách hàng có nhu cầu di chuyển quãng ngắn, thường chọn xe ôm vì nó nhanh, rẻ và có thể luồn lách vào các hang cùng ngõ hẹp. Trong một thành phố mà lượng xe cộ chật như nêm như TPHCM thì xe ôm là phương tiện cơ động, đắc dụng nhất.

Xe ôm được coi là một nghề dễ kiếm cơm, thế nên tại TPHCM xe ôm nhiều như “nấm sau mưa”. Dân nhập cư không nghề nghiệp, việc làm ổn định thường chọn nghề chạy xe ôm để kiếm cơm. Giới văn phòng, sinh viên và các bác hưu trí còn sức khỏe, có chiếc xe máy còn được được… cũng lấy nghề này làm cần câu trang trải cuộc sống. Nghề xe ôm hiện nay được phân cấp từ dạng xe ôm tự quản, đội xe ôm văn minh đậu cố định ở giao lộ, bến xe, chợ, công viên… hay chạy theo tài, rảo rảo tìm khách đến dịch vụ xe ôm tự động tính cước… kiểu mới như UberMoto, GrabBike.

Dịch vụ xe ôm kiểu mới không giới hạn tài xế phải là người chuyên làm nghề chạy xe ôm. Bất cứ ai cũng có thể trở thành “xe ôm”, chỉ cần có phương tiện là xe máy và một chiếc điện thoại thông minh.

Từ khi xuất hiện “xe ôm công nghệ”, những bác tài xe ôm truyền thống… ế độ. Gặp nhóm xe ôm đậu trước cơ quan, mặt mày héo úa, chúng tôi lân la hỏi thăm. Nguyễn Văn Cường, thành viên trẻ nhất trong nhóm xe ôm, nói: “Lóng rày chạy xe ế ẩm quá, không đủ tiền mua sữa cho con, chủ nhà trọ réo lên réo xuống…”. Cường kể hoàn cảnh: vợ làm công nhân, lương chỉ đủ trang trải những bữa cơm đạm bạc. Cường lo cáng đáng phần học phí nhà trẻ cho hai đứa con, tiền sữa, tiền nhà trọ… “Ngày nào không kiếm được 200.000 đồng là ruột gan em như… có lửa!”, Cường nói.

Trong nhóm xe ôm thường ngày đậu ở góc ngã tư Chợ Cầu (quận 12) gồm: Cường, Nới, Tốt… mỗi người một cảnh, nói chung đều khó khăn. Họ chạy xe ôm chí ít cũng hơn 20 năm như anh Nới, anh Tốt…, còn Cường tuy mới vào nghề nhưng cũng đã gần chục năm. “Trước kia tụi này chạy được lắm, ngoài mấy mối quen đưa rước mấy chị đi chợ, bán hàng… lúc rảnh sẽ rảo rảo kiếm khách vãng lai. Cuối ngày, ngoài tiền lo cho gia đình vẫn còn rủng rỉnh để sương sương vài chai với đồng nghiệp. Lúc này cả tuần chưa được một chầu…”, anh Tốt bày tỏ.

Hôm rồi đáp chuyến xe đò từ Tây Ninh về thành phố, xuống xe ở An Sương, trời lất phất mưa, đường phố đã lên đèn, tôi còn đang lớ ngớ thì có anh xe ôm trờ tới réo đúng tên mình. Nhìn kỹ hóa ra là Năm - chạy xe ôm, nhà ở cùng xóm. Năm (36 tuổi) đi nghĩa vụ về sống bằng nghề xe ôm 8 năm. Nhà Năm ở phường Thạnh Xuân (quận 12), chạy xe ôm ở bến xe An Sương (Hóc Môn), thường ngày Năm rảo trên QL 22 chờ xe đò từ Tây Ninh xuống bỏ khách để bắt mối. Dọc đường, tôi hỏi thăm chuyện làm ăn, Năm nói giọng buồn hiu: “Trước kia khi xe đò dừng bỏ khách, lúc nào cũng kiếm được mối… Bây giờ gần đến điểm xuống là khách đã alô… Khi họ vừa bước xuống xe là đã có thằng xe công nghệ chực sẵn “sớt” đi liền”. Năm cho biết thêm, mẹ anh bị tai biến nằm liệt 5 năm nay, tiền bệnh viện, thuốc men… đều trông cậy từ chiếc xe ôm, giờ bị “xe ôm công nghệ” cạnh tranh gắt quá!

Sự cạnh tranh gay gắt trước trào lưu ngày càng phát triển của công nghệ, nếu không thích ứng sẽ bị đào thải. Đã xảy ra nhiều trường hợp va chạm, thậm chí xô xát giữa hai giới xe ôm - cũ - mới ở quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và các bến xe vì ảnh hưởng đến “nồi cơm” của cánh xe ôm cũ. Thực tế cho thấy, với nhiều điểm cộng, các dịch vụ xe ôm mới đang dần chiếm được cảm tình của người dân. Nếu người lái xe ôm “truyền thống” không thay đổi phong cách, thái độ thì họ khó tồn tại với nghề.

Năm hết, tết đến, người người du xuân, các bà nội trợ cũng đi lại nhiều hơn để sắm sửa, giới xe ôm cũng làm ăn được. Nguyễn Văn Cường, mới chuyển qua “xe ôm công nghệ”, phấn khởi: “Tết này ngoài quà cáp gửi về quê, tụi em còn sắm được quần áo mới cho hai nhóc; dưa hành, thịt kho, bánh mứt… hứa hẹn có đầy đủ. Từ sáng sớm đến nửa đêm khách gọi chạy không hết”.

TRỊNH HẢI

Tin cùng chuyên mục