Sau gần 2 tháng học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM nghỉ học vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, sinh hoạt của hàng triệu gia đình bị đảo lộn. Ông bà, cha mẹ, cậu dì, cô chú thay nhau trông con, trông cháu và hàng ngày đối mặt với những câu hỏi “Hôm nay cho con học gì, chơi gì?”, “Thực đơn một ngày ba bữa ra sao?”...
Con ở độ tuổi mầm non, tiểu học thì lo thời gian rảnh sẽ chăm xem ti vi, chơi máy tính nhiều quá ảnh hưởng quá trình phát triển trí não. Với học sinh ở bậc học lớn hơn, lại lo con nghỉ quá lâu sẽ quên kiến thức, mất thói quen và ý thức tự học. Các học sinh lớp 9 và lớp 12, sau Tết Canh Tý cần tăng tốc chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập và tốt nghiệp THPT quốc gia thì bất đắc dĩ phải chuyển qua học online. Và cũng vì chưa có kinh nghiệm ứng phó nên cơ quan quản lý lúng túng trong việc ban hành văn bản hướng dẫn, trường học loay hoay triển khai các biện pháp dạy học tạm thời.
Nhìn lại những chỉ đạo của ngành giáo dục trong 2 tháng qua, đã phần nào thể hiện được sự vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trên cơ sở đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng cho học sinh.
Tuy nhiên việc công bố các quyết định thời gian nghỉ học hay đi học của học sinh, ngoài việc được thực hiện ngắn hạn theo từng tuần còn được công bố vào những thời điểm khá nhạy cảm như chiều chủ nhật (khiến các trường hoàn toàn bị động vì chỉ hơn 12 giờ sau đó học sinh sẽ bắt đầu đến trường hay tiếp tục nghỉ học) hoặc công bố muộn sau 19 giờ tối.
Có trường sau khi hoàn tất kế hoạch dạy học online của tuần kế tiếp, giáo viên đã gửi email thông báo đến từng phụ huynh, học sinh thì chỉ 10 phút sau đó phải thu hồi toàn bộ thông báo, phải giải thích cho phụ huynh đến hơn 22 giờ tối.
Tình cảnh khác, là có trường nội trú, đã sẵn sàng mọi việc cho học sinh đi học lại nhưng cũng phải dừng ở “phút 90” khi tiếp tục cho nghỉ học. Bên cạnh đó, việc thực hiện những cuộc khảo sát lấy ý kiến phụ huynh về thời gian học sinh quay trở lại trường hay việc học sinh có nên đeo khẩu trang khi đến trường hay không? mang tính tham khảo nhất thời, nhưng ảnh hưởng của nó đến tâm lý phụ huynh lại rất lớn.
Ở phương diện khác, việc học sinh được nghỉ học để phòng dịch bệnh đã vô tình lộ ra nhiều lỗ hổng về sự kết hợp giữa giáo dục nhà trường và gia đình. Mặt khác, các giải pháp về dạy học thông minh dù được các cấp quản lý đề cập rất nhiều trước đây nhưng chủ yếu mới nằm trên giấy, khi triển khai vào thực tế gặp rất nhiều cái khó, như trang thiết bị còn hạn chế, kinh nghiệm và năng lực dạy online của giáo viên, sự không đồng đều giữa các cơ sở giáo dục ở nội thành và ngoại thành…
Hiện nay, diễn biến dịch bệnh còn kéo dài, ngành giáo dục đã và đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng nếu chúng ta không nhìn thẳng vào hạn chế, sẵn sàng mổ xẻ, tìm hiểu nguyên nhân và quyết liệt tìm giải pháp thì cái khó do dịch bệnh hôm nay gây ra sẽ tiếp tục kéo dài trong tương lai, và đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất chính là học sinh.
Trong khi cả nước đang căng mình chống dịch, giáo dục ở nhà trường chờ đợi những quyết sách căn cơ hơn từ cơ quan quản lý thì trong mỗi gia đình, phụ huynh cần phát huy nhiều hơn nữa vai trò giáo dục của gia đình. Theo đó, tận dụng thời gian trẻ nghỉ học ở nhà, cha mẹ có thể thông qua các trò chơi tương tác hoặc hướng dẫn con làm một số công việc nhà đơn giản để thắt chặt nhiều hơn tình cảm gia đình, qua đó kết hợp dạy con kỹ năng sống, khả năng tự lập, tinh thần trách nhiệm, chia sẻ.
Nếu biết cách sắp xếp và phân bổ thời gian hợp lý, kỳ nghỉ bất đắc dĩ của trường học sẽ trở thành “kỳ nghỉ vàng” cho cha mẹ và con cái. Qua đó, trẻ học được cách trưởng thành không chỉ qua kiến thức mà bằng những trải nghiệm thực tế của bản thân. Để làm được điều đó, cha mẹ và con cái cần chủ động xác định những giá trị cần bồi đắp, lên kế hoạch chi tiết những việc cần làm trong thời gian trẻ nghỉ học, hướng đến sự phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần cho những chồi non tương lai của đất nước, tránh thời gian trôi qua lãng phí.