Phụ huynh đối diện áp lực tiền trường

Sau buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm, nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt” về các khoản thu đầu năm học lại được phụ huynh truyền tai nhau. Dù cơ quan quản lý đã có nhiều động thái chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học, nhưng tiền trường vẫn là gánh nặng đối với nhiều phụ huynh.
Phụ huynh học sinh khối lớp 6, Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TPHCM) tìm hiểu chương trình học của con vào cuối tháng 8-2022
Phụ huynh học sinh khối lớp 6, Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TPHCM) tìm hiểu chương trình học của con vào cuối tháng 8-2022

Không muốn con thành cá biệt!

Tuần qua, chị Hải An, phụ huynh có con học lớp 4, Trường Tiểu học H.H. (quận Bình Thạnh, TPHCM), thông tin, trong buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm của lớp, một số ý kiến lo ngại về tình trạng xuống cấp của trường lớp. Ngay lập tức, đề xuất sơn tường kèm chống thấm được đưa ra trên nhóm trao đổi của phụ huynh. Theo một thành viên trong ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, giáo viên chủ nhiệm cho biết trường không có kinh phí sơn tường nên phụ huynh muốn làm thì phải thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Qua tìm hiểu của phóng viên Báo SGGP, đề nghị sơn tường và lát nền phòng học cũng được đưa ra ở một số lớp khác. Lớp nào phụ huynh đồng thuận 100% sẽ triển khai thu tiền và thực hiện trong tháng 9, lớp chưa đồng thuận sẽ không triển khai. “Tuy nói là không bắt buộc nhưng đa số phụ huynh đồng ý, những người còn lại cũng không phản đối. Riêng tôi vẫn bấm bụng đóng tiền vì không muốn con trở thành cá biệt”, một phụ huynh cho biết.

Tương tự, tại Trường T.H.S.G. (quận 5), một phụ huynh lớp 6 thông tin, thông báo các khoản thu đầu năm học có quỹ khuyến học, phụ huynh được vận động đóng để duy trì kinh phí hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn. “Tôi đóng quỹ khuyến học cho con hết 500.000 đồng cùng nhiều khoản phí khác như tiền học buổi 2, tiền ăn, tổ chức và phục vụ bán trú, nước uống… Tổng cộng các khoản thu đầu năm là 1.800.000 đồng”, phụ huynh này kể. Trường hợp khác, phụ huynh có con học lớp 3, Trường Tiểu học N.H. (TP Thủ Đức) tâm tư: 

“Các khoản nha học đường, bảo hiểm tai nạn cho học sinh đều bắt buộc đóng. Riêng học phí chương trình bổ trợ tiếng Anh, tin học do trường ấn định, phụ huynh không đồng ý cũng không thể chọn loại hình dịch vụ khác. Con mình đã nhập học vào trường nên thu bao nhiêu phụ huynh cũng phải đóng”. 

Thực tế khác, phụ huynh có con học ở nhiều trường hiện nay đang đóng cùng lúc 2 khoản tiền vào quỹ cha mẹ học sinh trường và quỹ cha mẹ học sinh lớp. Trong khi đó, theo điểm b, khoản 1, Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 22-11-2011 quy định: “Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp và các nguồn tài trợ hợp pháp khác”. Tuy nhiên, do quy định không nêu rõ phần trăm khoản trích lại từ quỹ lớp nên nhiều nơi tách riêng 2 khoản thu cho dễ quản lý, dù điều đó trái quy định.

Tăng cường công tác kiểm tra

Mới đây, tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM với Sở GD-ĐT TPHCM về tình hình triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM, bày tỏ lo ngại, dù ngành giáo dục đã có văn bản yêu cầu các trường giữ nguyên các mức thu dịch vụ, không tăng so với năm học trước nhưng trong bối cảnh giá cả dịch vụ leo thang hiện nay, một số dịch vụ như tiền ăn bán trú, nước uống cần được kiểm soát chặt để không tăng thêm gánh nặng cho phụ huynh. Nhằm đảm bảo hoạt động thu chi đầu năm ở các đơn vị thực hiện công khai, minh bạch, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc cho biết, sở sẽ tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát tình hình tổ chức các khoản thu đầu năm ở các đơn vị trường học, không để xảy ra lạm thu, gây áp lực cho phụ huynh.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, trưởng phòng GD-ĐT một quận ngoại thành TPHCM cho biết, hiện nay học phí học kỳ 2 năm học 2021-2022 chưa được phân bổ về các trường (ngân sách thành phố hỗ trợ toàn bộ học phí năm học 2021-2022 cho tất cả học sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19). Trong khi đó, tất cả công tác mua sắm, sửa chữa trang thiết bị trường lớp đều phải thực hiện theo quy trình, mất nhiều thời gian nên không thể đầu tư ngay được. Do đó, để kịp phục vụ nhu cầu sử dụng của học sinh, một số hạng mục sửa chữa, cung cấp thiết bị được các trường thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, theo quy định của Bộ GD-ĐT, Quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh không được sử dụng vào các mục đích bảo vệ cơ sở vật chất, an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường...

Ngày 22-9, mạng xã hội lan truyền thông báo của Trường THCS L.Q.Đ. (TP Thủ Đức) về việc không thu quỹ lớp, quỹ trường và quỹ khuyến học. Mọi hoạt động tài trợ của phụ huynh phải có văn bản đồng ý của phòng GD-ĐT. Theo một thành viên ban giám hiệu, các lớp đều thành lập Ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng không thu trước quỹ lớp từ đầu năm học, khi có việc cần thì sẽ thông báo chi phí và thu theo từng hoạt động. Riêng quỹ trường còn tồn của năm học trước nên không thu thêm cho năm học mới. Đây là một trong những cách làm hiếm hoi của một đơn vị trường học nhằm giảm áp lực các khoản thu đầu năm cho phụ huynh.

Tin cùng chuyên mục