Đi cùng “chiến binh K”
Trong chương trình “Đồng hành cùng chiến binh K” lần 6 vừa diễn ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy, một nữ bệnh nhân dáng người nhỏ nhắn đã chia sẻ: “Tôi ở trong bệnh viện chữa ung thư gần 3 năm. 35 lần hóa trị, xạ trị… đau đớn lắm. Nhưng tôi muốn chia sẻ tinh thần chiến đấu của mình qua bài hát này”. Sau đó, cô đã biểu diễn trọn vẹn bài “Hành khúc ngày và đêm” (nhạc: Phan Huỳnh Điểu, thơ: Bùi Công Minh).
“Rất dài và rất xa, là những ngày thương nhớ. Nơi cháy lên ngọn lửa là trái tim yêu thương… Cuộc đời xanh tươi trẻ ngày đêm ta bên nhau, những đêm ngày chiến đấu. Ngày đêm ta bên nhau những đêm ngày chiến đấu. Đêm ngày trong chiến đấu, anh với em sống vẫn gần nhau”…
Những ca từ mang lại sự thôi thúc mạnh mẽ, hào hùng của cuộc chiến vệ quốc, nhưng tinh thần mạnh mẽ ấy đâu chỉ có trong hoàn cảnh chiến tranh, trước bệnh tật rất cần một ý chí kiên cường. “Có những lời ca đâu chỉ dùng trong thời chiến phải không em?”, ThS Ngô Thị Ngọc Ánh, giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, kể với chúng tôi về hành trình mang chương trình âm nhạc “Đồng hành cùng chiến binh K” của chị.
Ba lần lưu trú tại Bệnh viện Chợ Rẫy để chăm sóc mẹ, chị Ngọc Ánh phần nào cảm nhận được tâm trạng của những người bệnh và người chăm sóc. Đối tượng là những bệnh nhân K, ngoài việc theo dõi điều trị, việc duy trì một tinh thần tích cực, lạc quan luôn là điều được luôn được các bác sĩ “kê toa đặc biệt” cho bệnh nhân. Chính từ đó, chị Ngọc Ánh đã tập hợp một nhóm cùng chung mục tiêu dùng âm nhạc giúp xoa dịu tinh thần những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Nhóm “Đồng hành cùng chiến binh K” của chị mỗi người có một sở trường như đàn, hát, múa… Với những bệnh nhân, việc thưởng thức giai điệu và âm nhạc luôn là một liệu pháp trị liệu tinh thần và thư giãn hiệu quả. “Tôi chưa bao giờ đặt nặng vấn đề giọng hát phải thật hay, mà cả nhóm tập trung chọn những bài hát có giai điệu, ca từ đẹp, tích cực, nội dung mang tính chất nuôi dưỡng; thông qua đó cùng cộng hưởng năng lượng tích cực cho nhau, cho bệnh nhân và cho chính những người làm chương trình. Mỗi chương trình, mỗi bệnh nhân mà mình có dịp tiếp xúc, đều để lại những khoảnh khắc đẹp, bài học về sự kiên cường chiến đấu với bệnh tật”, chị Ngọc Ánh chia sẻ.
Hạnh phúc là được đóng góp cho cộng đồng
“Từ thiện không phải chỉ là thứ trao đi mà còn là cách tạo ra thứ để trao đi ấy bền vững, dài lâu”, Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2022 Huỳnh Nguyễn Mai Phương tâm sự khi nói về công ty phi lợi nhuận Yako by Mai Phuong do cô thành lập. “Dự án này không được tạo nên để làm đẹp hồ sơ tham gia các cuộc thi mà chủ động hướng đến việc mang lại các giá trị thiết thực cho những người kém may mắn, kết nối các bạn trẻ và tạo điều kiện để họ sáng tạo”, Hoa hậu Mai Phương chia sẻ.
Yako by Mai Phuong đi vào hoạt động được hơn 1 năm. Chọn hình thức tạo ra các bộ sưu tập thời trang áo thun, crop top, hoodie, sau đó bán, thu lợi nhuận để làm dự án cộng đồng cụ thể. Mai Phương trực tiếp tham gia các công đoạn thiết kế thời trang, chọn chất liệu, xuống nhà máy may, in ấn để điều phối và livestream bán hàng. 4 bộ sưu tập cô ra mắt thời gian qua được nhiều người ủng hộ. Cô còn dự định thành lập nhà giặt ủi mang tên Yako Laundry, tạo việc làm cho người lao động nghèo.
Mai Phương cho biết: “Việc tạo ra một thương hiệu thời trang là ước mơ từ lâu của tôi. Thật ý nghĩa khi được kết hợp ước mơ với dự án thiện nguyện. Tôi tin đây sẽ là hành trình phát triển bền vững, khi bản thân có thể tự tạo ra nguồn tài nguyên cho những dự án thiện nguyện. 100% lợi nhuận sẽ dành cho các dự án nhân ái, chăm sóc y tế”.
Tính đến nay, dự án đã bán hơn 5.000 áo, chi 23.000 USD cho nhiều chương trình thiện nguyện tại 5 tỉnh, thành trong nước. Gần nhất, cuối năm 2023, dự án đã khánh thành Bếp ăn nhân ái Yako Farm tại điểm Trường Mầm non Khuổi Lạn (huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn). Công trình được khảo sát, thi công trong 2 tháng, trang bị 2 bếp củi với ống dẫn khói lớn, cùng bếp điện hiện đại, phòng cho những ngày trời mưa. Ngoài ra, dự án còn xây dựng vườn rau Yako Farm trong khuôn viên trường để cải thiện bữa ăn hàng ngày cho các em thiếu nhi.
Tôi mong mình được là một cầu nối để bạn bè thế giới hiểu hơn về người Việt chứ không mong trở thành hình mẫu gì quá to tát. Tôi nghĩ không chỉ có tôi mà ngoài kia rất nhiều người, nhất là nhiều chị em đang nỗ lực không ngừng nghỉ để hiện thực hóa ước mơ và mang đến những giá trị tích cực cho cộng đồng”, Mai Phương bày tỏ.
Cho đi là còn mãi
Trong số các nghệ sĩ thuộc thế hệ 7X, Việt Hương có lẽ là một trong những cái tên hoạt động năng nổ nhất hiện nay. Được biết đến là một danh hài qua hàng trăm tiểu phẩm, album hài trên khắp các sân khấu từ trong nước cho đến hải ngoại, Việt Hương còn ghi dấu ấn của mình với nhiều vai trò khác nhau: dẫn chương trình, diễn viên phim truyền hình và điện ảnh, sân khấu kịch nói, cải lương, giám khảo các cuộc thi... Hầu như năm nào Việt Hương cũng có phim được chiếu trên màn ảnh nhỏ hay ra rạp. Thậm chí, có những năm chị tham gia đến 4-5 dự án khác nhau.
Nhưng ít người biết, ngoài đam mê cống hiến với nghề, Việt Hương còn là một trong những nghệ sĩ tích cực hoạt động từ thiện. Dịp tết vừa qua, chị tổ chức chương trình thiện nguyện “Ngày xuân ấm áp” tại khu vực ngoài trời của sân khấu nghệ thuật Trương Hùng Minh dành cho người dân khó khăn ở phường 2 (quận 10, TPHCM). Ngoài những phần quà, chị và các đồng nghiệp còn tổ chức chương trình nghệ thuật phục vụ miễn phí đến mọi người. Dịp Tết Trung thu 2023, chị cũng tổ chức “Đêm hội trăng rằm” dành cho 600 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Đầu năm 2023, nữ nghệ sĩ cũng trao tặng 10 tấn gạo cho bà con nghèo tại chùa Ấn Quang (quận 10, TPHCM).
Theo quan niệm của Việt Hương, những điều cho đi là còn mãi. Trong khả năng của mình, chị muốn san sẻ phần nào những khó khăn, vất vả với những người cần sự giúp đỡ. Những nụ cười hạnh phúc, đôi mắt lấp lánh, những cái ôm thật chặt… chính là hạnh phúc vô giá mà Việt Hương và gia đình nhận được trong nhiều hành trình thiện nguyện. Nữ nghệ sĩ hy vọng, những đóng góp của mình tuy nhỏ bé nhưng ít nhiều cũng mang lại sự ấm áp, để bà con cảm nhận được tình người, sự yêu thương, trân trọng.