“Phù phép” khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt

Chỉ cần một vài công đoạn đơn giản, khoai tây Trung Quốc sẽ được “phù phép” thành khoai tây Đà Lạt với mức giá đội lên nhiều lần. Hình thức gian lận này làm ảnh hưởng đến thương hiệu rau Đà Lạt, gây thiệt hại cho người tiêu dùng nhưng ngành chức năng vẫn lúng túng trong việc xử lý.
“Phù phép” khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt

Chỉ cần một vài công đoạn đơn giản, khoai tây Trung Quốc sẽ được “phù phép” thành khoai tây Đà Lạt với mức giá đội lên nhiều lần. Hình thức gian lận này làm ảnh hưởng đến thương hiệu rau Đà Lạt, gây thiệt hại cho người tiêu dùng nhưng ngành chức năng vẫn lúng túng trong việc xử lý.

  • Công khai “phù phép”

Đến chợ nông sản Đà Lạt (tại khu vực Trại Mát, phường 11) không khó để gặp cảnh một số tiểu thương miệt mài với việc “biến” khoai tây Trung Quốc (TQ) thành khoai tây Đà Lạt. Việc “phù phép” này diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật và được coi như “chuyện thường ngày” ở đây.

Theo một tiểu thương, việc “phù phép” khoai tây TQ thành khoai tây Đà Lạt chỉ qua một vài công đoạn đơn giản. Sau khi nhập khoai tây TQ về, người ta mang rửa sạch rồi phân loại củ to, nhỏ. Sau đó, lấy đất đỏ Đà Lạt mang phơi khô, giã cho tơi mịn rồi cho vào chậu, chế nước. Tiếp đó, người ta cho khoai tây TQ vào chậu, xốc cho đất đỏ bám đều, coi như trở thành khoai tây Đà Lạt. “Phù phép” xong, người ta đóng khoai đưa đi tiêu thụ ở TPHCM và một số tỉnh thành phía Nam.

Phân loại khoai tây Trung Quốc tại chợ nông sản Đà Lạt.

Phân loại khoai tây Trung Quốc tại chợ nông sản Đà Lạt.

Chỉ với vài công đoạn đơn giản trên, tiểu thương đã nâng giá khoai tây TQ lên nhiều lần để kiếm lợi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện 1kg khoai tây TQ giá chỉ trên 10.000 đồng nhưng sau khi “biến” thành khoai Đà Lạt sẽ có giá trên 30.000 đồng. Trong hai ngày 3 và 4-11, đoàn liên ngành của thành phố Đà Lạt đã kiểm tra phát hiện một công ty ở TPHCM nhập hơn 50 tấn khoai tây TQ về chợ nông sản Đà Lạt. Số khoai tây này được chia nhỏ cho các quầy để “phù phép” rồi đóng hàng chuyển về TPHCM và miền Trung tiêu thụ.

  • Khó xử lý?

Đây rõ ràng là một hình thức gian lận thương mại. Tuy nhiên, theo ông Đặng Mậu Nhi, Phó ban quản lý chợ Đà Lạt, hiện ngành chức năng vẫn chưa biết “bám” vào quy định nào để xử lý. Bởi vì lô khoai tây nhập từ TQ về có đầy đủ giấy tờ hải quan, tiểu thương thừa nhận việc “bôi” đất lên khoai nhưng không nói đó là khoai Đà Lạt.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, cũng cho rằng, nếu khẳng định tiểu thương làm giả khoai tây Đà Lạt là không có cơ sở pháp lý vì họ không gắn nhãn khoai tây Đà Lạt. Tuy nhiên, cũng có giải pháp để bảo vệ người tiêu dùng, đó là “lật tẩy” cho họ biết đó là khoai TQ, vì hiện tại Đà Lạt chưa vào vụ thu hoạch khoai tây (thời gian thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 5).

Bên cạnh đó, cần trang bị cho người tiêu dùng cách nhận biết, so sánh chất lượng khoai tây TQ với khoai tây Đà Lạt. Về hình thức, khoai tây Đà Lạt vỏ mỏng, chỉ cần xát nhẹ là bong tróc, còn khoai tây TQ vỏ dày hơn, củ đều và thường bảo quản được lâu. Tuy nhiên, chất lượng khoai tây Đà Lạt cao hơn nhiều lần khoai tây TQ. Khoai Đà Lạt ăn dẻo, bùi, nhiều tinh bột chứ không sượng cứng như khoai TQ.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, không chỉ khoai tây TQ mà một số loại rau quả TQ cũng từng xuất hiện trên thị trường với “mác” rau quả Việt Nam. Trước đây, tại Lâm Đồng đã phát hiện một số vụ nhập tỏi TQ về rồi gắn “mác” tỏi Ninh Thuận hoặc nhập cải thảo về gắn “mác” cải thảo Đà Lạt để bán ra thị trường.

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục