Phủ xanh 50ha rừng hồi sinh hải sản quý, sò huyết đầm Ô Loan

Tỉnh Phú Yên sẽ tổ chức ra quân trồng 50ha rừng ngập mặn để phủ xanh đầm Ô Loan, góp phần bảo vệ, phục hồi sinh thái và nguồn lợi thủy sản cũng như các loài hải sản quý hiếm cho đầm này.
Chuyên gia khảo sát giá trị sinh thái ở đầm Ô Loan
Chuyên gia khảo sát giá trị sinh thái ở đầm Ô Loan

Ngày 9-11, Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên cho biết sẽ trồng 50 ha rừng ngập mặn tại khu vực Đầm Ô Loan (huyện Tuy An).

Theo tiến độ, năm 2024 đơn vị này sẽ trồng 17ha gồm: đước vòi 5,1ha; bần chua 6,6ha; dừa nước 5,3ha. Năm 2025, tiếp tục trồng 33ha còn lại, sau đó trồng dặm, chăm sóc bảo vệ đến năm 2028.

Theo Sở NN-PTNT, diện tích rừng ngập mặn được trồng (50ha) sẽ bao gồm các xã: An Hòa Hải (43,2ha), An Ninh Đông (4,3ha), An Hiệp (2,5ha) tổng kinh phí thực hiện gần 14 tỷ đồng.

Đây là những nội dung quan trọng tại Dự án trồng rừng ngập mặn khu vực Đầm Ô Loan được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án trồng rừng ngập mặn khu vực Đầm Ô Loan vào ngày 12-11-2021.

Đến ngày 27-9-2023, Sở NN-PTNT phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình trồng rừng ngập mặn khu vực đầm Ô Loan.

Cán bộ kiểm lâm chăm sóc những cây rừng ngập mặn đang phát triển

Cán bộ kiểm lâm chăm sóc những cây rừng ngập mặn đang phát triển

Đầm Ô Loan là thắng cảnh cấp quốc gia, có hệ sinh thái đa dạng. Tại đây có nhiều loại hải sản quý như cá mú, ghẹ, tôm, cua huỳnh đế, điệp… Đặc biệt, đầm này có loài sò huyết nổi tiếng ngon, cơm dày và thơm hơn sò huyết các nơi khác.

Tuy nhiên, những năm gần đây, biến đổi khí hậu cũng như tác động tiêu cực của một số hộ dân đã ảnh hưởng lớn đến diện tích rừng, nơi trú ngụ của các loài động thực vật ven đầm.

Ngành nông nghiệp Phú Yên kỳ vọng, khi 50ha cây ngập mặn phát triển thành rừng, rừng này sẽ cung cấp môi trường sống cho các loài thủy hải sản trú ngụ và sinh sản, qua đó giúp gia tăng, phục hồi đa dạng sinh học, bảo tồn các loài thủy sản quý hiếm ở Đầm Ô Loan. Từ đó, người dân địa phương xung quanh đầm được hưởng lợi từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có nuôi trồng và đánh bắt thủy sản.

Nhiều chiến dịch trồng rừng ngập mặn ở đầm Ô Loan trước đó

Nhiều chiến dịch trồng rừng ngập mặn ở đầm Ô Loan trước đó

Ngoài ra, theo các chuyên gia rừng ngập mặn tại Đầm Ô Loan còn góp phần điều hòa tiểu khí hậu; giảm ảnh hưởng của gió, bão, lũ lụt; hạn chế ảnh hưởng của nước biển dâng, xói mòn...

Đây cũng được xem là bể lọc sinh học các chất ô nhiễm hữu cơ từ nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, giảm ô nhiễm môi trường nước Đầm Ô Loan.

Tin cùng chuyên mục