Hàng trăm người từ các nơi đang đổ về cánh rừng Hòn Ké, Lồ Ô thuộc địa bàn xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh, Phú Yên) đào đãi vàng trái phép. Hoạt động này diễn ra cả ngày lẫn đêm, làm náo động cả một góc rừng. Khoáng sản tiếp tục “chảy máu”, hàng chục hécta rừng bị tàn phá. Chính quyền địa phương đã nhiều lần truy quét nhưng đâu vẫn hoàn đấy!
Theo dấu “vàng tặc”
Giữa tháng 10, từ ngã ba Sơn Giang (xã Sơn Thành Tây, huyện Sơn Hòa), chúng tôi trực chỉ bãi vàng Suối Bùn, Hòn Ké (xã Sông Hinh). Vào mùa nắng, đường lên bãi vàng có tới 5 - 6 ngả, chủ yếu từ buôn Thung, xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) và thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa).
Tuy nhiên, vào mùa mưa, gần như chỉ có con đường độc đạo từ ngã ba Sơn Giang đi lại được. Đã nghe tiếng sự liều lĩnh của “vàng tặc” nên chúng tôi nhờ tổ chốt chặn kiểm soát khai thác vàng sa khoáng trái phép tại Suối Bùn, Hòn Ké (xã Sông Hinh) đưa đi. Dù tại chốt có gần chục người trực nhưng ông Ksor Phan, tổ trưởng kiểm soát, gạt phắt: “Muốn vào bãi vàng các anh phải xin phép UBND huyện. Sau khi có ý kiến chỉ đạo, tôi mới có thể bố trí lực lượng đưa các anh đi được”. Không thể chờ “thủ tục” này, chúng tôi quyết định đi tiếp dù trong bụng hết sức lo lắng…
Lần theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi băng qua con đường đá dăm vắt ngang lòng hồ thủy điện Sông Hinh để xâm nhập vào rừng Hòn Ké, Lồ Ô (theo cách gọi của dân bản địa). Từ bìa rừng, con đường đất đỏ nối dài vào khu khai thác khá rộng nhưng bị bằm nát bấy, chúng tôi chỉ có thể vừa dắt vừa đẩy xe.
Cứ đi vài chục mét, xe lại gặp những vũng nước bùn to như cái ao, ngập hơn nửa bánh nên nhiều lần phải dừng lại hì hục cạy bùn. Từng tốp “vàng tặc” đi bộ, trên lưng là những bao đá mới khai thác từ hầm lên; tiếp đến là những đoàn xe máy chở lương thực, nước uống, bình ắc quy, máy khoan… tiếp tế. Thấy chúng tôi, một người mặc đồ rằn ri với gương mặt dữ dằn, tiến đến thăm dò: “Đi đâu đây mấy chú?”. “Tụi em nghe bãi mới mở, muốn vô tìm việc làm”. “Có việc gì trong này đâu, mấy hôm trước lực lượng vô quét hết rồi, chỉ còn mấy đứa phát rẫy chơi thôi”. Vừa nói, người này vừa huýt sáo. Lập tức xuất hiện 7, 8 đối tượng cảnh giới lăm lăm rựa và xẻng, tiến đến. Chúng tôi lập tức rồ máy vọt đi.
Do không biết đường, lại gặp hàng chục nhánh rẽ cắt ngang, xẻ dọc, chúng tôi phải xuống xe, định hình xem con đường nào có nhiều vết xe máy để đi tiếp. Vượt qua 2km, may gặp một nhóm người xã Sơn Thành trên đường về từ bãi khai thác nên chúng tôi nhờ họ dẫn đường và bảo vệ.
Hòn Ké, Lồ Ô bị ”xẻ thịt”
Sau gần 1 giờ, cuối cùng chúng tôi cũng tiếp cận được bãi vàng Hòn Ké, Lồ Ô thuộc khu vực Suối Bùn giáp ranh với địa bàn buôn Thung (xã Đức Bình Đông). Tưởng đội kiểm tra liên ngành đến, hàng chục “vàng tặc” vứt bỏ cuốc, xẻng, đồ dùng đào đãi vàng tháo chạy tán loạn làm náo động cả cánh rừng. Theo quan sát, cả khu sườn đồi chừng 3ha bị lật tung, nham nhở, hàng trăm hầm hố lớn nhỏ có độ sâu 10 - 30m theo kiểu hầm ếch, bên trên hàng trăm đống đất đá ngổn ngang. Xung quanh, nhiều cây gỗ có đường kính từ 10cm trở lên bị chặt phá ngổn ngang để nhường chỗ trống cho việc đào đãi vàng.
Một “vàng tặc” mới vào nghề ở xã Sơn Thành Tây, cho hay: “Nghe tin ở đây có vàng trữ lượng lớn nên chúng tôi mới khăn gói lên đường. Vì chưa có kinh nghiệm nên một ngày chỉ kiếm được chừng 300.000 đồng. Những người làm lâu, có kinh nghiệm kiếm cả triệu đồng/ngày”. Tìm hiểu mới biết, tại khu vực này có 3 bãi vàng, mỗi bãi có 200 - 300 người đào đãi suốt ngày đêm.
Anh NG.V.H ở buôn Thung, xã Đức Bình Đông, thuộc diện đào đãi vàng có “đẳng cấp”, nói: “Bây giờ ăn thua gì, cách đây vài tháng, nơi này không khác gì một xóm mới, lều trại dày đặc, mọi người thi nhau đào bới tìm vàng. Về đêm hoạt động này diễn ra rầm rộ hơn, có thời điểm lên đến 500 người, thắp đèn, điện sáng rực cả một khu rừng như thành phố về đêm”. Theo một số người tham gia đào đãi vàng tại khu vực này, vàng ở đây có 6 - 7 tuổi. Cách đây không lâu, có một nhóm người ở phía Bắc mang theo trang thiết bị hiện đại và kỹ thuật viên chuyên ngành địa chất thăm dò đến đây khai thác vàng quy mô lớn, có thời điểm trúng cả trăm cây vàng!
Lần theo các con đường mòn vào trong rừng sâu, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng chục hécta rừng được dọn sẵn theo từng vạt lớn còn mới dấu vết nhựa cây. Đây là những bãi được “vàng tặc” để dành khi địa điểm cũ bị truy quét, triệt phá.
Đã ra tay nhưng đành... bó tay?
Liên quan đến việc ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép, ông Trần Thanh Định, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, cho biết: Trong thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã liên tục mở các đợt truy quét các nhóm khai thác vàng trái phép trên địa bàn huyện. Gần nhất, ngày 12 và 13-10, lực lượng công an, quân đội và các ngành liên quan đã truy quét tịch thu phương tiện, dụng cụ khai thác… Hiện nay, huyện đang thành lập tổ công tác trực chiến trong rừng. Sắp tới sẽ phối hợp với tỉnh đội và các ngành liên quan tổ chức truy quét vào ban đêm nhằm xử lý triệt để tình trạng trên. Dĩ nhiên, ngoài sự vào cuộc tích cực của địa phương, điều quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của Ban quản lý rừng phòng hộ. |
Khi hay tin nhiều người vào khu vực này khai thác vàng, UBND huyện Sông Hinh đã tổ chức nhiều đợt truy quét, tháo dỡ lều, lán trại, tịch thu dụng cụ máy móc khai thác, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Một người đào đãi vàng cho hay: Khi “mấy ổng” đến, chúng tôi tạm thời bỏ chạy, tránh trú trong rừng, rồi sau đó lại ra hoạt động như thường, chủ yếu làm vào ban đêm vì chẳng ai kiểm tra, kiểm soát…
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, có rất nhiều con đường ra vào khu vực này để đào đãi vàng trái phép. Hoạt động khai thác diễn ra khá công khai và “hoành tráng”.
Theo quan sát, cứ 5 phút lại có vài ba người mang cơm gạo, đồ dùng khai thác và cả bình ắc quy điện tự do ra vào khu rừng này. Khi được hỏi làm cách nào đưa những bao tải đá nặng hơn 50kg trong điều kiện rừng núi hiểm trở, đường sá lầy lội, cách ngăn, một người đào đãi vàng cho biết: “Chúng tôi chịu khó vác bộ ra cửa rừng rồi dùng xe máy chuyển đi, nếu nhiều hùn tiền thuê ô tô cho gọn! Nếu không có vấn đề gì, xay đá tại buôn Thung, cách địa điểm khai thác chừng hơn 1km; còn “động”, chuyển về thị trấn Hai Riêng hoặc TP Tuy Hòa”.
Ra khỏi cửa rừng, ngoái đầu nhìn lại, chúng tôi thấy từng đoàn người vẫn tiếp tục nối đuôi nhau ra vào xẻ thịt rừng Hòn Ké, Lồ Ô… mà không khỏi nhói lòng…
XUÂN HUY