Phục hồi chậm có nguyên nhân quan trọng là e dè, lo ngại làm sai

Đến ngày 30-9-2022, số vốn giải ngân đạt trên 61.000 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 20,2% tổng quy mô nguồn lực của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng vừa cho biết. Trong số các nguyên nhân chủ quan, có tâm lý e ngại, sợ mắc sai phạm trong thực hiện. 
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình), Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng vừa cho biết, đến ngày 30-9-2022, số vốn giải ngân đạt trên 61.000 tỷ đồng, bằng khoảng 20,2% tổng quy mô nguồn lực của chương trình.

Con số này không bao gồm 46.000 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD dự kiến sử dụng để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế, do việc thực hiện cần căn cứ yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 thực tế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nêu rõ: “Một số chính sách thực hiện chưa được như kỳ vọng, còn tình trạng một số chính quyền địa phương tạo thêm các thủ tục mới bên cạnh các trình tự, thủ tục đã có sẵn, làm người thụ hưởng có tâm lý e ngại, không đăng ký chính sách”. Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là một ví dụ.

Nhìn chung, chỉ với 2 năm thực hiện (2022-2023) trong khi danh mục nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn Chương trình mới được giao kế hoạch cuối tháng 9-2022, Bộ trưởng KH-ĐT cho rằng sức ép đối với tiến độ thực hiện và giải ngân, đặc biệt đối với các dự án giao thông quy mô lớn, là cực kỳ lớn.

Trong đó, một nguyên nhân chủ quan được Bộ trưởng nhìn nhận là việc xây dựng, ban hành, quán triệt triển khai các chính sách đôi khi còn chưa được quan tâm đúng mức, gây chậm trễ trong triển khai.

Các cấp, các ngành ở một số nơi còn chưa quán triệt đầy đủ về tầm quan trọng của Chương trình, chưa tích cực đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ thuộc phạm vi mình quản lý, chưa làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu đúng về chính sách. Đặc biệt là “có tâm lý e ngại, sợ mắc sai phạm trong thực hiện”, báo cáo của Bộ trưởng KH-ĐT nêu rõ.

Trong các tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đẩy mạnh việc thực hiện và giải ngân các chính sách tài khóa, tiền tệ thuộc Chương trình, nhanh chóng đưa nguồn lực hỗ trợ đến các đối tượng thụ hưởng, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh trục lợi.

Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành tập trung hoàn thiện việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn lại cả Chương trình trong tháng 11-2022. Đối với những chính sách đã ban hành, đẩy mạnh quán triệt nội dung, cách thực hiện đến từng cấp, từng ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong triển khai. Không quy định các thủ tục phát sinh so với yêu cầu hoặc trên mức cần thiết, không tạo rào cản trong việc thực hiện chính sách cho các đối tượng thụ hưởng.

Tin cùng chuyên mục