Phúc Trạch, mùa bưởi lạ

Phúc Trạch, mùa bưởi lạ

Người Hà Tĩnh tự hào lắm về giống bưởi Phúc Trạch, loại bưởi mà họ cho là ngon nhất nước. Bằng chứng đâu? Chỉ mới nghe tôi hỏi thế, ông Lê Công Lương, Chủ tịch Hội Khoa học và kỹ thuật Hà Tĩnh đã đưa ra ngay những bằng chứng: “Năm 1938, bưởi Phúc Trạch đã được thưởng mề đay trong cuộc đấu xảo quả ngon toàn Đông Dương. Năm 2006, bưởi Phúc Trạch được chọn để tiếp đãi quan chức tham gia Hội nghị APEC. Bưởi Phúc Trạch ngon, thơm, ăn không dính tay như các loại bưởi khác. Giá trên thị trường rất đắt”

  • Mười năm mới “trúng” một mùa

Nếu gặp ngoài đường, chắc chẳng mấy ai tin rằng ông Hoàng Trung Thành là Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh. Da đen xạm lại thêm cặp môi gần như lúc nào cũng sẵn sàng khoe 6 chiếc răng cửa trên với người đối diện khiến ông Thành giống một nông dân hơn là một “quan xã”. “Ngộ” nhất là nhìn sau lưng thì ai cũng thấy sự vất vả của ông, nhưng khi đứng trước mặt, thấy cái miệng của ông, thì dẫu có nghe ông than, cũng dễ tưởng… ông đang cười.

“Từ năm 1998 đến nay, bưởi Phúc Trạch mất mùa liên tục. Có năm ra hoa nhiều mà không đậu được trái. Đầu năm nay rét đậm rét hại, tưởng sẽ mất mùa thì bưởi lại đậu quả rất sai. Được mùa vậy chứ người trồng bưởi cũng chẳng vui vì năm ngoái, một quả bưởi ngon bán trên thị trường được 60.000 đồng, năm nay, bán tại vườn quả ngon nhất cũng chỉ hơn 10.000 đồng. Buồn lo nhất là bưởi Phúc Trạch vẫn chưa có được một đầu ra ổn định”, ông Thành than thở.

Phúc Trạch, mùa bưởi lạ ảnh 1
Khách đến thăm và mua bưởi tại vườn ở Phúc Trạch. Ảnh: LÊ VIỆT NHÂN

Cái sự mất mùa bưởi ở Phúc Trạch trong cả chục năm nay đã là nỗi lo của rất nhiều người trồng bưởi quý ở xã này. Không chỉ lo mà người ta còn xoay đủ mọi cách để cứu bưởi. Theo báo cáo của UBND huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 2000 đến nay đã có nhiều cơ quan như Viện Bảo vệ thực vật, Viện Di truyền nông nghiệp, các giáo sư tiến sĩ của ĐH Cần Thơ, các nhà chuyên môn như Giáo sư Tiến sĩ Trần Thế Tục, Vũ Khắc Nhưỡng, Cao Anh Long… đã khảo sát nghiên cứu về cây bưởi Phúc Trạch.

Các đoàn nghiên cứu đã khảo sát đủ mọi cách, lấy thật nhiều số liệu và cũng đã đưa ra nhiều nghiên cứu; cái nào nghe cũng có vẻ chính xác. Kết quả là có rất nhiều nguyên nhân được dự đoán, nhưng cách chữa trị đưa ra thì… không cách nào hiệu quả! Theo một báo cáo của Hội Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Hà Tĩnh, từ năm 1998 đến năm 2007, tỷ lệ đậu quả trên cây bưởi Phúc Trạch chỉ là 7%-22% so với các năm bình thường, như thế, mỗi năm dân trồng bưởi vùng Phúc Trạch đã thất thu trên dưới 100 tỷ đồng!

Câu chuyện chữa bệnh mất mùa của bưởi Phúc Trạch bây giờ bất ngờ chuyển sang một hướng mới. Sau khi thử cải tạo đất, chăm bón theo công nghệ Đài Loan đến… thụ phấn bằng tay mà bưởi vẫn mất mùa, mới đây nhất, người ta tình cờ phát hiện ra rằng: có thể bưởi Phúc Trạch mất mùa là do… biến đổi khí hậu. Một câu chuyện toàn cầu! “Con sông Ngàn Sâu ngày trước nước đầy ăm ắp, bao năm nay gần như cạn. Thời tiết mấy năm liền cũng thất thường, mưa và nắng khác trước”, ông Thành nói.

Nhưng giả thuyết mà ông Thành cho rằng có thể bưởi Phúc Trạch mất mùa do biến đổi khí hậu, suy cho cùng, đến bây giờ cũng vẫn là... giả thuyết. Trong lúc các nhà khoa học chưa thể lý giải điều gì, thì người dân Phúc Trạch lại tự so sánh rằng - nếu cứ trồng loại bưởi quý mà mất mùa, thì hiệu quả kinh tế thua xa việc trồng cây dó bầu để lấy trầm. Thế là, nhiều vườn bưởi Phúc Trạch đã bị cây dó bầu xâm lấn. Hầu như vườn bưởi nào cũng trồng xen dó bầu vào, thậm chí, có người còn không đủ nhẫn nại chờ đặc sản quê mình được cứu, đã đốn bưởi để trồng dó bầu.

Các cụ bảo, đất không phụ lòng người. Không biết có phải cây bưởi Phúc Trạch không phụ lòng người hay không, mà vào lúc những người trồng bưởi ở Phúc Trạch nản lòng nhất, vào một năm mà thời tiết bất thường nhất, khi đợt lũ lịch sử ngập nhà dân hơn một mét rồi rét đậm rét hại tràn về thì  những cây bưởi lại ra hoa! Năm đó, các cây bưởi đều cong cành trĩu quả. Bưởi được mùa như hương hoa của mười năm tích tụ trào ra.

  • Chuyện không của một mùa

Đứng dưới tán của cây bưởi đã hơn 40 năm tuổi của mình, ông Trần Xuân Giai, nông dân xã Phúc Trạch vui lắm. Vui vì có một đoàn khách rất đặc biệt đến nhà ông, một đoàn khách không chỉ là các nhà khoa học, quan chức địa phương, mà còn có các nhà báo đến thăm, quay phim, chụp hình và xúm nhau vào mua bưởi. Được giới thiệu là vườn bưởi ngon nhất xã mặc dù bưởi chưa thật chín vàng nhưng chỉ bóc lớp vỏ ra đã ngửi thấy một mùi thơm rất dịu.

Đoàn khách đã quên ngay sự bức bối khó chịu của cái nắng cuối mùa ở Hà Tĩnh khi họ ăn múi bưởi mới được hái từ cây xuống. Nhờ đoàn khách bất ngờ này mà buổi sáng, nhà ông Giai bán được hơn 200 quả bưởi. “Mùa bưởi Phúc Trạch vào tháng 8, tháng 9 âm lịch là rộ nhất. Năm nay, do lâu rồi mới đậu quả, nên chúng tôi không dám hái bớt trái, nhiều cây bưởi sai quả quá, nên trái không được to. Quả bưởi Phúc Trạch ngon nhất phải nặng hơn 1kg”, ông Giai nói với khách.

Theo ông Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch, các chủ vườn bưởi như nhà ông Giai, chủ yếu chỉ bán bưởi tại vườn. Trước đây, Phúc Trạch có một doanh nghiệp dán nhãn và bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, do năng lực phân phối của doanh nghiệp chưa đáp ứng được, nên năm nay, mặc dù tại Phúc Trạch bưởi thu hoạch rất nhiều, nhưng tiêu thụ vẫn rất khó. “Chúng tôi mới thành lập Hợp tác xã Lập Thành, để bao tiêu đầu ra cho nông dân”, ông Thành nói. Đó là chuyện thành lập nơi bao tiêu cho bưởi Phúc Trạch trong tương lai. Còn năm nay, Hợp tác xã Lập Thành chưa thể lo được đầu ra cho người dân trồng bưởi. Bởi vậy, những người trồng loại bưởi đặc sản như ông Giai vẫn rất vui nếu có một đoàn khách nào đó bất chợt kéo đến vườn nhà.

Nếu nỗi lo của những người nông dân và những cán bộ xã hiện đang tập trung vào chuyện đầu ra của một mùa bưởi, thì những nhà quản lý cấp cao hơn, vẫn canh cánh nỗi lo về chuyện phát triển làng bưởi, chuyện làm sao để một vùng bưởi sẽ không còn bất chợt mất mùa rồi lại bất chợt được mùa. Trong lúc câu hỏi vì sao bưởi Phúc Trạch mất mùa cả chục năm nay chưa có câu trả lời, thì xuất hiện câu hỏi khác - vì sao bưởi Phúc Trạch năm nay được mùa. Chưa ai có thể trả lời chính xác.

Vì không thể trả lời chính xác, nên sang năm, Phúc Trạch có được mùa bưởi hay không, đành phải… nhờ trời! Và cũng bởi vậy, năm nay, dẫu Phúc Trạch được mùa, nhưng tiếng kêu cứu của một loại quả ngon cha ông để lại vẫn còn nguyên... ª

Hiện nay bưởi Phúc Trạch được trồng tập trung chủ yếu ở 4 xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên (đều ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Có 10 xã phụ cận cũng trồng loại bưởi này. Tuy nhiên, theo các nhà quản lý địa phương, trồng ngon nhất vẫn là một làng tại xã Phúc Trạch. Tổng diện tích trồng bưởi Phúc Trạch tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh hiện nay là khoảng 1.500 ha.

Năm 2002, bưởi Phúc Trạch được Bộ Nông nghiệp công nhận là một trong bảy loại cây ăn quả quí hiếm cấm xuất khẩu giống. Năm 2004 bưởi Phúc Trạch được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa.

MINH TÚ

Tin cùng chuyên mục