Phương án thi năm 2017 sẽ không thay đổi

Như Báo SGGP đã thông tin, dự thảo phương án thi năm 2017 Bộ GD-ĐT công bố vừa qua gây nhiều tranh cãi trong dư luận, gây lo lắng cho không ít học sinh, giáo viên, nhà trường.
Phương án thi năm 2017 sẽ không thay đổi

Như Báo SGGP đã thông tin, dự thảo phương án thi năm 2017 Bộ GD-ĐT công bố vừa qua gây nhiều tranh cãi trong dư luận, gây lo lắng cho không ít học sinh, giáo viên, nhà trường.

Băn khoăn nhiều nhất là ở các nội dung: thi trắc nghiệm môn Toán, Sử; bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN - Lý, Hóa, Sinh) và khoa học xã hội (KHXH - Sử, Địa, Giáo dục công dân). Tuy nhiên, theo quan điểm của Bộ GD-ĐT, có vẻ như năm 2017 vẫn sẽ áp dụng phương án thi như Bộ GD-ĐT đã công bố. Chiều 18-9, phóng viên Báo SGGP trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga về vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga 


Phóng viên: Vừa qua, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo phương án thi năm 2017, dư luận có rất nhiều ý kiến khác nhau. Đến nay, Bộ GD-ĐT đã tiếp thu ý kiến đóng góp ra sao, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga:
Một phương án đưa ra có nhiều ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Bộ GD-ĐT rất cầu thị, lắng nghe các ý kiến trên tinh thần cái gì hay, đề xuất nào phù hợp thì tiếp thu, cái gì đã có sự đồng thuận cao thì giữ nguyên triển khai. Về dự thảo phương án thi năm 2017, ý kiến góp ý, bình luận rất nhiều. Bộ GD-ĐT quan điểm tiếp thu, áp dụng những đề xuất tốt hơn. Đến thời điểm này, tổ công tác của Bộ GD-ĐT vẫn đang trong quá trình tập hợp các ý kiến. Tuy nhiên, có một vấn đề là bình luận thì nhiều nhưng đề xuất cho phương án tốt hơn thì chưa có. Vì vậy, có lẽ phương án thi năm 2017 sẽ vẫn không thay đổi so với dự thảo đã công bố, bởi chưa có phương án nào tốt hơn.

 Vậy bao giờ sẽ công bố phương án thi chính thức?

- Phương án thi không phải là văn bản quy phạm pháp luật, mà các nội dung của phương án thi sẽ được đưa vào Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ 2017. Mọi năm, Bộ GD-ĐT công bố trước Tết Âm lịch, nhưng năm nay sẽ công bố sớm hơn cho thí sinh yên tâm học tập, ôn luyện. Hiện dự thảo 2 quy chế đang được hoàn thiện cho tương thích với phương án thi năm 2017 để công bố lấy ý kiến theo quy trình, sau đó sẽ ban hành chính thức. Về cơ bản, 2 quy chế này không thay đổi so với dự thảo phương án thi mà chúng tôi đã công bố.

Bộ GD-ĐT giữ nguyên nội dung như dự thảo phương án thi năm 2017 đã công bố trong khi ý kiến tranh luận từ dư luận xã hội rất nhiều. Vậy Bộ GD-ĐT có giải trình việc bảo vệ phương án thi của mình?

- Bộ GD-ĐT luôn cầu thị, lắng nghe dư luận. Vừa qua, có nhiều ý kiến thì chúng tôi đều đã có giải trình lại thông qua các diễn đàn, nhất là cơ quan truyền thông. Ý kiến băn khoăn nhất là việc thi trắc nghiệm nhiều môn thì chúng tôi cũng đã giải thích rất rõ. Trắc nghiệm hay tự luận chỉ là hình thức của câu hỏi kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học. Cùng một nội dung kiến thức có thể kiểm tra bằng câu hỏi trắc nghiệm hoặc tự luận. Câu hỏi tự luận không cho trước đáp án mà đòi hỏi thí sinh phải “tìm” đáp án; còn câu hỏi trắc nghiệm thì học sinh phải “chọn” đáp án trong số những lựa chọn của câu hỏi. Để “chọn” được đáp án đúng thì thí sinh phải biết “tìm” đáp án một cách nhanh chóng và chắc chắn. Điểm khác biệt duy nhất giữa hai hình thức này là thí sinh phải trình bày lời giải (đối với câu hỏi tự luận) hay không phải trình bày lời giải (đối với câu hỏi trắc nghiệm). Như vậy, hình thức câu hỏi trắc nghiệm hay tự luận không ảnh hưởng gì đến cách dạy và cách học. Dù câu hỏi theo hình thức nào thì học sinh cũng phải nắm vững kiến thức, kỹ năng thì mới “tìm” rồi “chọn” được đáp án đúng một cách nhanh nhất, chắc chắn nhất. Gần 10 năm nay, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đã thi theo hình thức trắc nghiệm rồi. Thi trắc nghiệm môn Toán tới đây cũng tương tự, hoàn toàn có thể kiểm tra được tư duy logic và sự sáng tạo của thí sinh.

Còn về bài thi tổ hợp KHTN và KHXH, như tôi đã giải thích rất rõ, mỗi bài thi gồm các môn thi riêng rẽ, các môn được bố trí tuần tự hết môn này đến môn khác. Kết quả chấm thi sẽ đưa ra điểm từng môn thành phần và điểm của cả bài thi tổ hợp phục vụ xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ. Nhằm hạn chế việc thí sinh có thể chỉ làm bài thi đối với một số môn thành phần, bỏ qua một số môn khác trong bài thi, Quy chế thi THPT quốc gia sẽ quy định cụ thể cách thức tổ chức thi và mức điểm tối thiểu đối với mỗi bài thi, môn thi (điểm liệt) để làm điều kiện xét công nhận tốt nghiệp THPT, cũng là để tránh học sinh học lệch.

 Có ý kiến cho rằng năm nay thi quá nhiều môn?

- Để được xét tốt nghiệp THPT, ngoài 3 môn bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ), thí sinh chọn thi thêm bài thi KHTN hoặc bài thi KHXH. Nếu có nguyện vọng, thí sinh có thể thi cả 2 bài thi này để tăng cơ hội xét tuyển vào ĐH-CĐ nhiều ngành khác nhau. Dù thi nhiều môn hơn nhưng khác với các năm trước, năm nay thí sinh biết trước các môn thi ngay từ đầu năm, do đó giúp thí sinh chủ động hơn trong ôn tập.
Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh được thực hiện như năm 2016, do Sở GD-ĐT thực hiện theo phương thức tính điểm xét tốt nghiệp như sau: 50% số điểm từ 4 bài thi (đối với thí sinh phổ thông) hay từ 3 bài thi (đối với thí sinh giáo dục thường xuyên) và 50% số điểm từ điểm trung bình kết quả học tập lớp 12.

Thí sinh đã ôn thi theo khối thi truyền thống A, B, C, D, A1 từ trước nay sẽ thi như thế nào?

- Đối với các khối thi truyền thống A, A1, B, C, D, khi điều chỉnh quy chế tuyển sinh sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ có quy định yêu cầu các trường dành chỉ tiêu thích hợp để xét tuyển đảm bảo quyền lợi của thí sinh đã ôn tập theo khối thi từ trước. Năm 2015, các trường đã dành ít nhất 75% chỉ tiêu để xét tuyển theo khối thi truyền thống; năm 2016 đã dành ít nhất 50% và dự kiến năm 2017 các trường sẽ dành ít nhất 25%. Tổ hợp các môn thi của các khối thi truyền thống được xác định như những năm trước đây. Các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ không có gì thay đổi. Các môn còn lại Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý sẽ lấy điểm thành phần tương ứng của các bài thi tổ hợp. Cũng như năm 2015 và năm 2016, ngoài các tổ hợp xét tuyển truyền thống, các trường có thể quy định các tổ hợp xét tuyển mới, bao gồm cả bài thi KHTN hay bài thi KHXH để xét tuyển vào các ngành nghề phù hợp.
° Xin cảm ơn Thứ trưởng!

       Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: Giáo dục phổ thông phải toàn diện


     Cần công bố sớm đề thi minh họa, trong đó có dạng đề thi trắc nghiệm tiếng Anh để thầy cô và học sinh làm quen, ôn luyện. Mục tiêu giáo dục cuối cùng của chúng ta không phải là thi, nhưng nếu không thi thì học sinh không học. Một trong những nhược điểm của giáo dục chúng ta là học sinh phổ thông chủ yếu chỉ học thuộc. Đúng ra, phổ thông học 13 môn thì thi 13 môn, nhưng khi Bộ GD-ĐT lấy ý kiến các chuyên gia thì được tư vấn là chọn thi 6 môn. Thi 6/13 môn mà xã hội đã kêu thi rất nhiều môn rồi.

    Thực tế, học sinh ngay từ đầu chỉ học những môn sẽ thi, điều đó dẫn đến học lệch ngay từ đầu, sinh ra môn chính môn phụ, các em tốt nghiệp phổ thông không toàn diện. Các thầy cô môn chính thì không bao giờ hết việc, rồi dạy thêm học thêm. Trong khi các thầy cô dạy môn mà học sinh không thi thì không có việc. Đối với giáo dục phổ thông phải toàn diện, phải tiến tới học gì thi nấy chứ không phải thi gì học nấy.

LÂM NGUYÊN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục