Quà quê ở phố

Trong cái nhộn nhịp, tất bật ở khu phố trung tâm ngay đầu Đường sách TPHCM, bên hông Nhà thờ Đức Bà, một thau bánh cam với lời rao 10.000 đồng 3 cái có lúc tưởng chừng tan vào thanh âm náo nhiệt phố phường. Nhưng, ông chủ hàng vẫn kiên nhẫn chờ đợi các vị khách đến mua và ăn thử.

Bánh cam được bày bán trên phố
Bánh cam được bày bán trên phố

Bánh cam (người miền Bắc gọi là bánh rán) được đựng trong chiếc thau bằng nhôm đã khá móp méo, một nửa được bọc giấy báo cẩn thận. Bánh cam có 2 loại: một loại ngào đường phủ một lớp trắng, một loại phủ mè bên ngoài vàng ươm. Thức quà giản dị ấy đã gắn bó với bao nhiêu thế hệ tuổi thơ, đặc biệt với thế hệ 8X, bởi nó là món quà xa xỉ mỗi lần tan trường hay đợi mẹ đi chợ về. Với người lao động, chiếc bánh lót dạ những khi đói lòng làm sao mà quên. Trên những hè phố, không khó để bắt gặp những thau, thúng bánh cam như thế. Người bưng, người đội những thúng bánh cam rong ruổi khắp các nẻo đường. Người lại chọn những góc đường, với chiếc xe đẩy vừa bán vừa làm với chảo dầu lúc nào cũng sôi ùng ục. Bánh có khi được làm thành cỡ tí hon, ăn vừa một miếng, bán 1.000 đồng/cái.

Ở thành phố cả chục triệu dân này, món tây, món ta đủ cả. Nhưng, nó vẫn còn chỗ cho những thức quà quê, đôi khi thật giản dị, quê mùa. Từ miệt xứ miền Tây lên không thể không kể đến các loại bánh đủ sắc màu. Đó là bánh da lợn, bánh bò thốt nốt, bánh dừa Bến Tre, bánh đúc lá dứa, bánh lọt, bánh chuối hấp, bánh khoai mì nước dừa, bánh tằm bì, thạch rau câu… Màu sắc thôi cũng đủ bắt mắt: sắc xanh lá dứa, sắc tím lá cẩm, màu vàng nghệ, đỏ đậm củ dền, tím nhạt hoa đậu biếc… Rồi còn đó những bèo, nậm, lọc, ít… đặc sản của miền Trung.

Không chỉ quanh các khu chợ, mỗi sáng những xe hàng xuất hiện trên khắp các phố phường, làm thức quà buổi sáng. Nhiều loại bánh còn được xếp cẩn thận trong những chiếc tủ kính nhỏ, chở trên những chiếc xe đạp hay xe máy đã cũ sờn lớp bụi của nắng mưa. Những loại như rau câu, còn phải được ướp đá cẩn thận để không bị hư. Những ngày hè nóng bức, len lỏi khắp các hẻm ở Sài Gòn - TPHCM, đâu thể thiếu những xe kem ống với đủ loại, nào đậu xanh, đậu đen, vani, sôcôla…

Có cung ắt có cầu, ấy là quy luật tất yếu của cuộc sống. Nhiều người khi thấy những cảnh buôn thúng, bán bưng các thức quà dễ gợi nhớ về tuổi thơ của mình. Dẫu hương vị chẳng thể còn như xưa nhưng vẫn cứ muốn thử, giống như “mua một tấm vé về với tuổi thơ”. Hay, những thức quà xứ lạ lại gây tò mò phải ăn cho biết, phải thử cho bằng được khi nghe tiếng rao sao mà thân thương, dù phần nhiều nay đều được thu âm, phát loa.

Khi mạng xã hội phát triển, việc ăn hàng đôi khi còn là trend (xu hướng). Vậy nên, một thời gian có xe bánh cam tí hon ngày bán được cả ngàn chiếc, mỗi chiếc giá chỉ 1.000 đồng, người mua phải xếp hàng. Sự hiếu kỳ, tò mò ấy cũng là lẽ thường.

Thức quà bình dị ẩn mình trong lòng phố thị không chỉ là món ăn ngon mà còn là ký ức, là niềm tự hào của mỗi người con xa quê. Giữa nhịp sống hối hả, những thức quà ấy mang đến cho ta cảm giác bình yên, ấm áp và gợi nhớ về những điều giản dị, mộc mạc của cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục