Hôm rồi, đi họp tổ phụ nữ, bà H. được nghe đọc bản dự thảo quyết định của hội phụ nữ phường yêu cầu mỗi một hội viên tự nuôi một con heo đất và bắt đầu thu từ… tháng 7-2008 với mức đóng là 36.000 đồng/năm. Đã thế, theo thông báo, sau đó vài ngày là ngày hội thu heo đất tại phường…?!
Mấy hôm sau, đi họp tổ dân phố, bà H. lại được thông báo thêm một loạt các loại quỹ sắp sửa phải đóng. Quỹ an ninh trật tự và vì người nghèo: 60.000 đồng; quỹ cho lực lượng bảo vệ khu phố: 96.000 đồng; quỹ tổ dân phố: 50.000 đồng; quỹ bão lụt: 18.000 đồng.
Đây là tổ dân phố tập trung rất đông cán bộ hưu trí như bà H., nên ai cũng lắc đầu, nói: “Lương hưu, phải chi nhiều khoản, đóng nhiều loại quỹ cho hội như hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh, hội khuyến học, hội phụ nữ, đã mệt, nay lại đóng thêm các loại quỹ khu phố, tổ dân phố như vậy nữa… thì quả là quá sức!”.
Không phải chỉ những trường hợp về hưu như bà H., thực tế hiện nay nhiều người dân rất bức xúc về các khoản thu ngoài phí, lệ phí, tức là các loại quỹ vận động tại phường nhưng không biết thắc mắc với ai, vì nhiều khi các loại quỹ này là do các đoàn thể ở phường tự quyết định, ấn định xuống cơ sở, mức thu đều ấn định sẵn, cách thu thì tổ trưởng tổ dân phố đến tại nhà, không đóng thì biết… trốn đi đâu?
Trước tình trạng nhiều loại quỹ do đơn vị, tổ chức tự thành lập ở nhiều cấp khác nhau, dẫn đến vận động tràn lan, UBND TPHCM chỉ đạo, kể từ ngày 1-1-2009, phải chấm dứt tất cả các quỹ không có quyết định thành lập… Thế nhưng, một số địa phương vẫn “lách” bằng cách đưa xuống dân chỉ là bản quyết định dự thảo, chưa có chữ ký của người đứng đầu cơ quan vận động, rồi nhấn mạnh nguyên tắc vận động là “tự nguyện đóng góp”, tuy nhiên, việc phải đóng bao nhiêu, đóng lúc nào hết hạn cũng được ấn định sẵn, người dân cứ thế mà nộp!
Theo Chỉ thị 24/2007/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cá nhân và hộ gia đình được miễn phí an ninh trật tự, phí phòng chống thiên tai, lệ phí hộ tịch, hộ khẩu, chứng minh nhân dân và phí địa chính.
Tuy nhiên, ở một số địa phương, phí an ninh trật tự được “hô biến” thành quỹ vận động để hợp thức hóa cách thu tiền. Có địa phương vừa thu quỹ an ninh trật tự vừa thu quỹ nuôi lực lượng bảo vệ khu phố, gây bức xúc cho người dân.
Theo một thống kê gần đây, trên địa bàn TPHCM hiện có khoảng 50 loại quỹ có nguồn thu từ vận động đóng góp của các tổ chức, nhân dân.
Khoan nói đến việc sử dụng các loại quỹ này có đúng mục đích hay không, chỉ cần thống kê qua danh mục các loại quỹ vận động mà mỗi người dân, hộ gia đình phải đóng trong một năm là đã quá sức, không chỉ đối với các hộ nghèo.
THẠCH THẢO