
Mới sáng gặp ông trên màn ảnh VTV3 trong một chương trình hài kịch, tối đến đã thấy ông ở sân khấu kịch Bình Thạnh, tung hứng với các diễn viên trẻ. Với 71 tuổi đời, 55 tuổi nghề, ông được công chúng yêu sân khấu tặng cho biệt danh “quái kiệt”.
- Nghe nói ông đã trải qua nhiều nghề, khi mới bước lên sân khấu thì làm ca sĩ, sau đó làm MC, rồi hoạt náo viên, diễn viên điện ảnh rồi danh hài?

- Con đường đến với nghề của tôi quanh co lắm. Tôi đoạt giải thủ khoa trong cuộc thi tuyển ca sĩ do Đài Phát thanh Pháp Á tổ chức năm 1948. Đến năm 1952-1953, tôi lại đoạt liên tiếp hai giải nhất về thanh nhạc nhưng quá trình đến với nghề của tôi được đánh dấu bằng chương trình Tạp lục trên đài phát thanh, nơi tôi được ứng biến với nhiều “ngón nghề”, từ MC, ca vọng cổ, hát tân nhạc đến kể chuyện vui. Sau này, tôi được mời đóng phim, rồi làm nhà tổ chức chương trình đại nhạc hội, khi ấy coi như tôi mới thực sự tìm được “đất” để dụng võ.
- Hồi đó, tại sao báo giới Sài Gòn gọi ông là tiểu quái kiệt?
- Năm 1958, tại rạp A-rít-tô (bây giờ là Công ty Xổ số kiến thiết TPHCM) có tổ chức chương trình Đại nhạc hội minh tinh - quái kiệt, qui tụ ba quái kiệt nổi tiếng Ba Vân, Trần Văn Trạch và Bảy Xê, hợp cùng các minh tinh: Kim Cương, Khánh Ngọc, Thẩm Thúy Hằng, Kim Vui… Tôi được mời tham dự cùng nghệ sĩ Xuân Phát. Hồi đó run lắm vì mình là diễn viên hài trẻ, diễn lạng quạng sẽ bị tẩy chay. Câu chuyện chúng tôi kể mang tên Hai anh xích lô đi xem đại nhạc hội. Không ngờ báo chí khen ngợi quá xá, gọi tôi là tiểu quái kiệt.
- Còn ngày nay, khi diễn với các bạn diễn trẻ, ông có thấy sự cách biệt quá lớn giữa ông với họ?
- Bây giờ tôi đã lên tuổi bố, tuổi ông nội rồi nhưng nhiều cái vẫn phải học đám nhỏ. Nhờ cọ xát với chúng, tôi viết được nhiều tiểu phẩm mới như chuyện về một người cha mê cờ bạc trong khi con trai bị thuốc phiện “vật”. Rồi chuyện về nạn mê tín dị đoan. Tôi vẫn giữ cái gu chọc cười xưa, nghĩa là bám vào tình huống bất ngờ để đem lại tiếng cười. Hồi đó, khi từ sân khấu bước sang điện ảnh, tôi tìm được sự đồng cảm nhờ vào chất hài ngẫu hứng.
- Năm 1974, Hãng phim Lido đã “hốt bạc” với bộ phim hài “Tứ quái Sài Gòn”. Trong đó ông và ba người bạn diễn: Khả Năng, La Thoại Tân, Thanh Việt đã tạo một làn sóng hâm mộ mạnh mẽ. Theo ông, có phải diễn hài luôn giúp cho diễn viên mau nổi tiếng?
- Chưa chắc. Vai bi nhưng lấy nước mắt người xem như chị Kim Cương mới là những vai nặng ký. Còn tiếng cười thời nào cũng cần, nhưng phải biết chắt chiu từ vốn sống, vốn hiểu biết của người diễn viên, để khi diễn không sa vào cái hài vụn vặt, rẻ tiền. Thời làm phim hài có nhiều kỷ niệm lắm. “Tứ quái Sài Gòn” được thuyết minh phụ đề bằng nhiều thứ tiếng, phát hành khắp các nước châu Á.
- Đi lưu diễn khắp nơi, từ miền Tây đến miền Trung rồi ra Hà Nội, tích lũy nhiều vốn sống, sao ông không viết hồi ký?

Nghệ sĩ Tùng Lâm
- Tôi thích đưa những thứ mình ky cóp được vào tiểu phẩm hài hơn là viết hồi ký. Hàng đêm, chia sẻ điều đó với khán giả, nhìn thấy khán giả cười là mình trẻ lâu hơn.
- Làng hài nhiều năm qua dự báo sẽ thành lập một nhà hát hài kịch nhưng đến nay vẫn chưa nhúc nhích, theo ông do nguyên nhân gì?
- Kế hoạch này được Sở VH-TT TPHCM khởi xướng từ năm 1999, sau thành công của Liên hoan sân khấu hài lần 2, nhưng theo tôi không thực hiện được là do cách tổ chức, không ai bảo ai được, việc tập hợp diễn viên lại rất khó. Việc thành lập Nhà hát hài kịch TPHCM theo tôi rất cần thiết, song cái cần nhất hiện nay là lập lại trật tự các nhóm hài.
-Ở mỗi giai đoạn của tuổi nghề, tuổi đời ông tự đánh giá về mình như thế nào?
- Năm 10 tuổi thế vai được khen, tưởng mình là số một. Năm 20 tuổi, bắt đầu có sự nghiệp, được khán giả khen cảm thấy thích thú, xông tới với nhiều vai diễn khám phá chính mình. Năm 30 tuổi bắt đầu chín chắn hơn trong mỗi vai diễn, biết khắc phục những hạn chế để 40 tuổi nhìn lại thấy mình còn nhiều cơ hội phát huy đúng như tinh thần “tự học”. Còn 71 tuổi thì quả là đã bền bỉ để cống hiến cho nghề đến hơi thở cuối cùng.
- Xin cảm ơn ông!
THANH XUÂN (thực hiện)