Quản chặt thu chi, cân đối trả nợ

Dù số liệu nợ công khi đề cập luôn ở dưới ngưỡng Quốc hội cho phép nhưng mỗi lần vấn đề này được đưa ra nghị trường, sức nóng dường như chưa bao giờ giảm. Sự thiếu yên tâm về tình trạng thu, chi, trả nợ của Việt Nam đã được chỉ ra nhiều lần, kỹ càng nhưng hầu như tình hình không có nhiều thay đổi. Số liệu vừa được đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nợ công tính đến 31-12 bằng 60,3% GDP và đến cuối năm 2015, nợ công ước đạt 64% GDP (mức giới hạn cho phép của Quốc hội là 65%). Dù trong giới hạn nhưng cách vay, trả nợ đang gây nên nhiều quan ngại.

Đầu tiên đó là cách tính. Con số nợ công trên chưa tính hết các khoản nợ của ngân sách nhà nước như nợ quỹ hoàn thuế, nợ cấp bù chênh lệch cho hai ngân hàng chính sách, nợ bảo hiểm xã hội… Nếu tính đủ, nợ công có thể đã chạm mức giới hạn cho phép. Chưa kể, nếu tính cả nợ doanh nghiệp nhà nước mà có thể sẽ phải dùng ngân sách để trả thì mức nợ công hiện nay có thể vượt quá trần nguy hiểm.

Thứ hai là số nợ phải trả hàng năm so với tổng thu ngân sách. Năm 2013, chỉ số này của Việt Nam là 22,3% và chắc chắn sẽ tăng nhanh trong các năm tới, “khi vượt trên mức 25% thì bắt đầu giai đoạn báo động và vượt 30% là mất an toàn” như chính nhận định của chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch. Ngay như năm 2014 nhu cầu chi trả nợ lớn do tăng vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ nên dự toán bố trí trả nợ cao hơn năm 2013 là 15.000 tỷ đồng và phải phát hành đảo nợ khoảng 70.000 tỷ đồng. Nâng bội chi để đảo nợ cho thấy, khả năng cân đối để chi tiêu, trả nợ đang thực sự có vấn đề. Bởi, theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, lẽ ra trong hoàn cảnh khó khăn về nguồn vốn, phải đi vay thì nguồn vốn đó phải dùng để tạo ra năng lực để trả nợ. Nhưng nay đi vay lại không phải để đầu tư, cũng không tạo ra nguồn lực mà là vay nợ về trả nợ có nghĩa là yêu cầu về trả nợ ngày càng tăng lên. Điều này kéo theo khả năng trả nợ tiếp tục giảm đi.

Trong tổng số nợ công, hiện có khoảng 50% là nợ nước ngoài, vay ODA lãi suất thấp, thời hạn trả nợ của các khoản vay tương đối dài (14 - 15 năm), nên chưa có nhiều áp lực. Tuy nhiên, 50% số nợ công còn lại là vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với thời hạn ngắn, đặc biệt là có khoảng 30% số nợ trong nước có thời hạn trả nợ trong vòng 1 - 3 năm. Áp lực trả nợ, vì thế liên tục đè nặng lên kế hoạch thu, chi ngân sách hàng năm.

Không riêng Việt Nam, các nước trên thế giới đều có nợ, bởi để có đầu tư công thì phải có nợ công. Nợ công như một dòng chảy của vốn, liên tục được vay, trả trong tầm hạn mức mà mỗi quốc gia cho phép. Tuy nhiên, trong bối cảnh thu giảm (năm 2013 dự toán là 816.000 tỷ đồng, còn năm 2014 là 782.700 tỷ đồng) nhưng chi lại vẫn tăng cao (dự toán năm 2013 là 978.000 tỷ đồng so với năm 2014 là 1.006.700 tỷ đồng). Thu không đủ chi nên việc vay nợ là điều khó có thể tránh khỏi. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, để cải thiện bức tranh thu, chi hiện nay, điều quan trọng là phải quản lý, giám sát thật chặt nguồn chi, trong đó có chi thường xuyên (chi lương, chi bộ máy hành chính...). Bởi thực tế, dù đã đề cập nhiều về việc tinh giản bộ máy, cải cách thủ tục hành chính nhưng chi thường xuyên vẫn tăng lên đều đặn và chiếm đến hơn 70% tổng chi (chưa đầy 30% còn lại để chi đầu tư phát triển, chi trả nợ). Còn cụ thể về chi lương, như chính đại diện của Quỹ Tiền tệ quốc tế đã từng khuyến nghị, mức chi lương của Việt Nam là 9,25% GDP cho khu vực công là cao hơn nhiều so với mức 7% GDP của các nước đang phát triển. Chính cơ cấu chi ngân sách rất xấu và dẫn đến phải vay, tăng bội chi, phát hành trái phiếu, đảo nợ và làm tăng nợ công. Ngoài ra, cần phải thắt chặt kỷ luật ngân sách đối với đầu tư công. Và, muốn làm được điều đó thì cần phải làm rõ trách nhiệm giải trình của từng cá nhân phụ trách đối với từng dự án và cơ quan quản lý cũng phải rõ ràng, rành mạch.

Cùng với đó, ở góc độ thu cần có các giải pháp quyết liệt trong việc tiến hành quyết liệt công tác chống thất thu thuế, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển để tăng thu... Trong đó, cũng cần kiểm soát chặt chẽ các nguồn thu đang ngoài ngân sách bởi trong bối cảnh ngân sách đang gặp khó khăn nhưng việc có đến trên 70 quỹ tài chính ngoài ngân sách sẽ dễ đến phân tán, quản lý lỏng lẻo, tiêu cực, tham nhũng.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục