
Quán Thẻ - vùng quê nghèo huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận vốn dĩ yên bình nhưng dần biến thành vùng đất sa mạc hóa, cuộc sống người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Hàng ngàn người dân đang sống trong cảnh đi không được, ở không xong! Có điều, tác nhân của “thảm họa” này bắt đầu từ khi dự án muối lớn nhất Việt Nam hình thành.
Dự án đổ bộ
Những ngày đầu tháng 8, những cơn mưa rào đầu mùa đã giúp tiết trời miền Trung dịu đi sau nhiều tháng nắng nóng kéo dài. Ninh Thuận - thủ phủ của nắng và gió vì thế cũng bớt oi bức hơn. Đã khá lâu chúng tôi mới có dịp đến Quán Thẻ, vùng đất khá nổi tiếng vì vốn được xem là “thảm xanh” của Ninh Thuận. Ở đây nay trở thành vùng “đất chết” bởi một dự án. Vườn tược trống huơ, cây cối chết sạch, nước mặn ăn sâu vào móng nhà; chân tường xây năm nào chỉ còn trơ lại những viên gạch vì vữa đã bị nước mặn “ăn” sạch và đang chờ đổ…
Có lợi thế làm muối, nhưng nghịch lý mỗi năm chúng ta phải nhập khẩu muối. Để hạn chế thiếu muối, nhiều dự án phát triển muối đã được triển khai. Với đặc điểm khí hậu 9 tháng nắng nóng kéo dài, nhiệt độ trung bình cao, lại là nơi bao la nguồn nước mặn nên Quán Thẻ sớm được lựa chọn để làm muối. Năm 1999 dự án muối Quán Thẻ đệ trình, Chính phủ đồng ý ngay. Năm 2000, dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ được triển khai, do Tổng Công ty Muối Việt Nam (thuộc Bộ NN-PTNT) làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô lớn nhất nước với tổng diện tích 2.500ha, công suất 300.000 tấn muối công nghiệp/năm, 20.000 tấn thạch cao, gần 20.000 tấn nước ót. Sau nhiều chuyện “lùm xùm”, tháng 2-2008, dự án được giao cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long - BIM Group. Tháng 7-2008, Thủ tướng Chính phủ đồng ý tăng quy mô diện tích dự án thêm 800ha. Đến ngày 16-8-2009, Công ty Hạ Long xuất mẻ muối đầu tiên.

Làng quê tiêu điều, xơ xác vì nước mặn thẩm thấu.
Trong số diện tích đất dự án, xã Phước Minh bị ảnh hưởng nhiều nhất. Toàn xã có trên 99% trong số 4.000 dân bị thu hồi đất sản xuất nông nghiệp, đất ở để xây dựng đồng muối Quán Thẻ. Cùng với việc dự án được phê duyệt, đất trong vùng dự án nhanh chóng bị “niêm phong”. Phước Minh trở thành xã “trắng” về nông nghiệp kể từ đây. Mục đích ban đầu, dự án dựng lên không chỉ cung ứng một sản lượng muối rất lớn cho cả nước và xuất khẩu, mà còn tạo ra hàng ngàn việc làm cho lao động địa phương. Nếu tính theo quy mô dự án, dù có “vét” hết nhân công toàn xã Phước Minh cũng không đủ lao động phục vụ dự án. Ngày có dự án, người dân rất đồng tình, vì họ hiểu rằng người được lợi đầu tiên chính là dân địa phương. Tuy nhiên, đến nay chỉ có khoảng 200 lao động địa phương làm việc tại đây.
Làng quê tiêu điều
Ông Đinh Văn Dư, trưởng thôn Quán Thẻ 1, xã Phước Minh dẫn chúng tôi đi quanh thôn và thách đố rằng, nếu nhà báo tìm cả thôn được một nắm rau xanh nấu canh đủ cho hai người ăn là mất chi tui cũng chịu. Len lỏi khắp các vườn tược của người dân trong làng, đến nhà nào cũng vậy, tôi mỏi mắt mà không tìm thấy một ngọn rau xanh. Lời ông Dư quả không ngoa! Vườn thì có nhưng là những bãi đất trống, lênh láng nước mặn, có chỗ đã kết tinh thành muối trắng xóa mặt đất… Trước đây, thôn Quán Thẻ 1 vốn là Nông trường trồng bông Quán Thẻ, đa số người dân làm công nhân. Sau đó nông trường chuyển đi nơi khác, nhiều công nhân bám trụ tại Quán Thẻ mưu sinh. Bởi đây là vùng đất màu mỡ, lại là vùng trũng nên chủ động được nguồn nước sản xuất. Vì vậy cuộc sống người dân nơi đây khấm khá hơn so với nhiều vùng quê khác tại Ninh Thuận. Nhưng rồi từ khi có dự án muối Quán Thẻ, tất cả đã thay đổi, vùng quê trù phú dần biến thành sa mạc.
Con người Quán Thẻ vốn hiền hòa, cư xử nhẹ nhàng như “bông” cũng đến lúc phải cau mày. Bà Hoàng Thị Ngọ (55 tuổi, tổ 5 thôn Quan Thẻ 1) trò chuyện với chúng tôi mà liên tục nói “ngao ngán”. Không ngao ngán sao được, mảnh vườn trồng cây ăn quả rộng hơn 2.000m² của gia đình bà bỗng chốc biến thành ao nước mặn, thành đất chết. Bà Ngọ kể, trước khi dự án muối Quán Thẻ hình thành, vườn cây là nguồn sống của cả gia đình bà, thu về cả trăm ngàn đồng mỗi ngày. Thấy lãi khá, bà đầu tư hơn 40 triệu đồng đào một số giếng nước để tưới cây. Khi giếng hoàn thành chưa lâu, hồ chứa nước mặn của dự án muối tích nước đã thẩm thấu vào vườn cây, giếng nước. Chỉ hơn 1 năm sau, giếng nước ngọt phải bỏ hoang, cây chết khô giữa vườn.
Chưa có con số thống kê thiệt hại tại Quán Thẻ, nhưng cuộc sống của hàng ngàn người dân nơi đây thật cơ hàn. Phước Minh là xã thuần nông, từ khi nước mặn thẩm thấu qua đây, không chỉ vườn tược, giếng nước, nhà dân tan hoang mà kéo theo gần như toàn bộ diện tích nông nghiệp tại Phước Minh trở thành… “đất chết” do nhiễm mặn. Theo lãnh đạo xã Phước Minh, nước mặn đã phá hủy hơn 1.000ha đất nông nghiệp tại địa phương và đang gia tăng từng ngày.
Mòn mỏi chờ giải pháp
Kết quả phân tích nước tại thôn Quán Thẻ 1 mới đây cho thấy: 2 mẫu nước tại ao có hàm lượng clorua cao gấp 12 - 30 lần cho phép, nước giếng của người dân hàm lượng clorua cao gấp 24 - 30 lần; vào thời điểm nắng hạn đỉnh điểm, hàm lượng muối còn cao hơn đến nỗi muối kết tinh ngay trong vườn nhà dân. Với mức độ nhiễm mặn như thế, dân không thể sống nổi. Chính vì thế, giai đoạn năm 2004 - 2007 Phước Minh chỉ có 5% hộ nghèo, nhưng năm 2008 đã tăng lên 90%. Các năm tiếp theo, năm nào cũng tăng từ 3% - 5%, dù tính theo tiêu chí nào. Nhìn các con số này, đủ hiểu đời sống kinh tế người dân nơi đây đang đi thụt lùi. Dù rằng, chính quyền xã Phước Minh đã nhiều lần tính đến chuyện đào tạo nghề, đưa việc làm về tận địa phương, nhưng không cải thiện là bao. Nạn thất nghiệp vẫn tăng, lao động bỏ xứ đi cũng nhiều.
Đồng muối Quán Thẻ chỉ mới đưa vào sử dụng một phần rất nhỏ diện tích nằm trong quy mô dự án. Thế nhưng tác hại của nó để lại là quá rõ ràng. Khi dự án 3.300ha này nếu cùng được khởi động, mức độ ô nhiễm cho nhân dân vùng dự án sẽ rất khủng khiếp, trong lúc đó, người dân vùng nhiễm mặn vẫn đang mòn mỏi chờ giải pháp từ cấp trên. Một lãnh đạo UBND huyện Thuận Nam cho biết, dự án nảy sinh nhiều vấn đề, khiến dân chúng khốn khổ. Chính vì thế, khi những khúc mắc chưa được giải quyết, huyện không đồng ý giao tiếp 447ha đất cho dự án này.
Nhiều năm qua, Công ty Hạ Long đã tích cực hỗ trợ, đền bù nhiễm mặn cho dân xã Phước Minh với tổng số tiền trên 44,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, không khác gì muối bỏ biển.
Không ít lần người dân và chính quyền xã Phước Minh kiến nghị cấp trên tìm giải pháp khắc phục; đồng thời đề xuất ngừng ngay việc tích nước mặn tại các hồ chứa đang triển khai trên diện tích hơn 90ha tại đồng muối phía Đông thôn Quán Thẻ 1 và Quán Thẻ 2. Vì hiện nay, việc xây dựng các hồ chứa nước mặn chưa đúng kỹ thuật, gây nhiễm mặn nghiêm trọng. Về lâu dài, tốt nhất là chủ đầu tư nên ngừng hoàn toàn việc sử dụng 90ha đất khu vực này, vì so với dự án có quy mô hơn 3.000ha, bớt đi gần 100ha cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Đó là điều hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, ý kiến này không được chấp thuận.
Ông Trần Mạnh Cương, Chủ tịch UBND xã Phước Minh, bức xúc: “Dân Phước Minh quá khổ rồi, nhưng dân không tự giải quyết được mà chờ thì đã quá lâu. Vừa qua, Chính phủ có ý kiến chỉ đạo báo cáo chi tiết tình hình ô nhiễm tại Phước Minh để có giải pháp khắc phục. Tỉnh Ninh Thuận đã thuê đơn vị quan trắc, tư vấn, nhưng đề tài hiện vẫn chờ nghiệm thu. Xã và dân chỉ còn biết chờ đợi như đã chờ từ lâu nay”.
VĂN NGỌC