Quản lý in ấn: Lơi lỏng và chặt chẽ

Nản lòng chống sách lậu
Quản lý in ấn: Lơi lỏng và chặt chẽ

Là một trong ba ngành cấu thành đời sống xuất bản Việt Nam (xuất bản, in, phát hành) nhưng ngành in lại được đánh giá có hoạt động phức tạp nhất do có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác trong hoạt động kinh tế, xã hội. Ngành in cũng đang được chú ý nhiều nhất, trong cuộc chiến chống sách lậu đang gây ảnh hưởng tiêu cực nhất đến xuất bản trong nước hiện nay.

Vụ in sách lậu Huy Thi bị phát hiện cho thấy sự lơi lỏng trong quản lý ngành in. Ảnh: F.N.

Nản lòng chống sách lậu

Vụ Công ty Văn hóa và Sáng tạo Trí Việt (First News) khởi kiện Cơ sở in Huy Thi tại Hà Nội in lậu sách được xem là một trong những sự kiện nóng gần đây nhất trong lĩnh vực xuất bản. Hàng chục ngàn cuốn sách không bản quyền được phát hiện đang hoàn thiện tại cơ sở in này đá hé lộ một phần của những đường dây sách lậu đang tàn phá thị trường sách trong nước. Thế nhưng, liên tiếp hai lần, tòa án các cấp đều không thể buộc tội cơ sở in này và việc xử phạt chỉ dừng ở hình thức vi phạm hành chính đã cho thấy việc quản lý hệ thống in ấn trong nước đang có vấn đề. Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News, nhìn nhận, việc không thể xử lý một cơ sở in có liên quan đến sách lậu có thể xem là một thất bại nặng nề trong cuộc chiến chống sách lậu, làm nản lòng không ít người còn tâm huyết với cuộc chiến này.

Khi còn là Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, ông Đỗ Quý Doãn, tại một hội nghị tổng kết về xuất bản đã nhấn mạnh vai trò của ngành in trong việc để sách lậu lan tràn. Theo đó, sách lậu có thể không quan tâm tới các đơn vị xuất bản do chỉ cần sao chép, nhái, các sách có sẵn, thậm chí còn là in ngày càng cao cấp mà minh chứng là rất nhiều loại sách lậu trên thị trường có chất lượng in ấn rất tốt, bạn đọc nếu không có sẵn sách thật để đối chứng thì không thể phân biệt được. Do đó, theo các chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản, chỉ cần có thể quản lý chặt ngành in thì sách lậu không còn đất sống. Cũng vì thế, vừa qua chính phủ đã công bố Nghị định 60/2014/NĐ-CP về “Quy định các hoạt động in” với mong muốn chấn chỉnh ngành in, đáp ứng các nhu cầu phát triển. Thế nhưng, ngay sau khi công bố, nghị định đã đón nhận nhiều ý kiến trái chiều của chính những người làm trong lĩnh vực in.

Chặt chẽ không phải làm khó

Ông Lê Văn Tròn, Chủ tịch Hội In TPHCM nêu một vấn đề là giấy phép để có thể kinh doanh ngành in đòi hỏi chủ đơn vị phải là người có trình độ cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật in. Theo ông đây là một yêu cầu vô lý vì chủ doanh nghiệp là người lo về kinh tế, đòi hỏi năng lực kinh doanh hơn là năng lực chuyên ngành kỹ thuật. Đó là chưa kể một thực tế là hiện nay ở Việt Nam chỉ còn một nơi duy nhất đào tạo cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật in tại (Hà Nội) nhưng cũng đang trong tình trạng hoạt động khó khăn. Vậy nếu cơ sở đào tạo này ngừng hoạt động thì chẳng lẽ không ai có thể mở cơ sở in được nữa do không có nơi cấp bằng?! Nghị định cũng lường trước điều này bằng việc cho phép thay bằng cao đẳng bằng giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý hoạt động in ấn. Thế nhưng điều này lại đưa đến một mâu thuẫn là một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ vì sao lại có thể sánh ngang với bằng cao đẳng chuyên ngành!

Một vấn đề nữa là lĩnh vực gia công sau in hay quen gọi là “nghề đóng xén”. Đây là một nghề mang tính chất bình dân, phổ thông đại chúng, hầu hết ai cũng có thể làm được như đóng cắt, bế… Nhiều gia đình có thể nhận về gia công tại nhà. Theo nghị định mới, những cơ sở này cũng sẽ chịu sự quản lý giống như với các nhà in. Theo ông Lê Văn Tròn, đây là một điều vô lý và thực tế là không khả thi.

Đại diện Hội In Hà Nội nêu một vấn đề là việc nghị định quản lý hoạt động photocopy. Lấy ví dụ vào thập niên 80 - 90 của thế kỷ 20, khi đầu máy video mới xuất hiện tại Việt Nam cũng chịu sự quản lý của nhà nước, phải khai báo đầy đủ. Thế nhưng, theo thời gian, đầu máy video trở nên phổ biến đến mọi gia đình việc quản lý trở nên không cần thiết đồng thời cũng không thể thực hiện được nên được bãi bỏ. Tình hình hiện cũng đang diễn ra như thế đối với hoạt động photocopy khi mà máy photo ngày càng trở nên thông dụng, phổ biến đến mỗi văn phòng thậm chí là đến mỗi gia đình thì việc đề ra quản lý loại hình hoạt động này đã trở nên không cần thiết và cũng không thể thực hiện được trừ một số trường hợp đặc thù.

Mặc dù có nhiều ý kiến không đồng tình với một số điểm trong Nghị định về quản lý ngành in nhưng điểm thống nhất của các chuyên gia trong lĩnh vực đều là ủng hộ việc có những quy định chặt chẽ để loại bỏ các mặt tiêu cực trong in ấn. Tuy nhiên, chặt chẽ không phải để làm khó cho các doanh nghiệp mà là tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, tránh các mặt tiêu cực gây ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Ông Nguyễn Văn Dòng, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam cho biết hiện nay các doanh nghiệp in đang gặp rất nhiều khó khăn, số đóng cửa, phá sản ngày một lớn mà một phần nguyên nhân chính là do chính sách của nhà nước với doanh nghiệp còn nhiều bất cập. Hiện nay, nhiều ngành nghề kinh doanh khác đang được nhà nước hướng đến loại bỏ giấy phép con để tạo thông thoáng cho kinh doanh thì việc ngành in gánh thêm nhiều giấy phép con hơn trước là chưa thỏa đáng.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục