Thời gian qua, hoạt động đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) bộc lộ nhiều bất cập. Để góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh và quản lý nguồn vốn này, dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN đang được đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua; trong đó sẽ giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trong đầu tư và quản lý vốn đầu tư của nhà nước vào DN.
Phải công khai, minh bạch
Tính đến thời điểm hiện nay, tổng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước (DNNN), chưa kể đất đai, khoảng 1.300.000 tỷ đồng. Đây là nguồn lực lớn nhưng chưa có luật điều chỉnh chung mà chỉ dừng lại ở các văn bản điều hành của Chính phủ. Việc xây dựng dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN là để chế định và giúp quản trị tốt tại các DNNN. Tuy nhiên, cơ chế giám sát phải công khai minh bạch. “Đã là DN 100% vốn nhà nước, dù quy mô nào cũng phải công khai, minh bạch. Phải có cơ quan làm nhiệm vụ sắp xếp DNNN để dứt khoát không còn tổng công ty, DN nào nằm trong bộ máy hành chính nữa” - TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, hiện nay con số về vốn nhà nước đầu tư tại DN rất “mông lung”, không rõ nên việc quản lý của chúng ta rất “lờ mờ”. Vì vậy, việc xây dựng dự thảo Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN có ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong tình hình ngân sách hiện nay khá căng thẳng, nợ công đang tăng và bội chi thường xuyên cũng tăng. “Để việc quản lý nguồn vốn nhà nước đầu tư tại DN hiệu quả, về nguyên tắc đầu tư vốn phải hiệu quả ngay từ đầu. Về phân phối lợi nhuận phải làm rõ, bao nhiêu phần trăm trong lợi nhuận đưa về cho ngân sách nhà nước chứ không đưa về các chỗ khác” – PGS-TS Trần Hoàng Ngân đề nghị.
Thoáng hơn để DN được linh hoạt
Theo đại diện một số DNNN tại TPHCM, việc nhà nước siết chặt quản lý vốn nhà nước đầu tư tại các DN là hết sức cần thiết để tránh những trường hợp như Vinashin, Vinalines..., nhưng luật ra đời phải tạo sự thông thoáng cho DN hoạt động. Ông Huỳnh An Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cholimex, cho rằng, hiện tại DNNN cái gì cũng phải xin ý kiến cơ quan chức năng, rất mất thời gian; trong khi ,đó theo quy định tại Điều 17 của dự thảo luật, đầu tư ra bên ngoài và thoái vốn thì phải xin ý kiến của cơ quan chủ quản nhà nước. Về nguyên tắc, khi đầu tư ra bên ngoài dù ít hay nhiều, dù thấp hay cao phải xin ý kiến là không có gì phải bàn cãi; còn việc xin thoái vốn ở DN không hiệu quả, cần rút đầu tư nếu phải xin ý kiến sẽ bị chậm và mất cơ hội. Vì vậy, dự án luật nên để cho DN chủ động trong việc xin thoái vốn.
Còn ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh TPHCM, cho biết, hiện nay có nhiều mặt hàng nhà nước chưa cho phép tư nhân hóa. Các DNNN hoạt động theo Luật DNNN (đã hết hiệu lực vào năm 2010) hoàn toàn cạnh tranh bình đẳng với các DN tư nhân, DN khác vì tất cả đều quy định trong luật. Trong khi đó, với những quy định trong dự thảo luật này chưa thấy cởi trói gì cho DNNN mà gần như siết hơn nữa, các tổng công ty ngày càng bị quản lý chặt hơn vì nhà nước muốn quản lý cho chặt không để thất thoát như từng xảy ra ở Vinashin, Vinalines… “Đối với các DNNN cần có cơ chế quản lý chặt nhưng phải có sự thông thoáng để DN nhạy bén lựa chọn. Luật cần thoáng hơn để DN được linh hoạt, cần tạo điều kiện cho DN phát triển” - ông Hòa đề nghị.
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, đại diện Chi cục Tài chính Doanh nghiệp TPHCM phân tích: Theo quy định tại Điều 16 dự thảo luật, thẩm quyền quyết định đầu tư vốn ra ngoài DN do hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty quyết định dự án đầu tư ra ngoài DN không vượt quá 50% vốn chủ sở hữu của DN. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của từng DN khác nhau, những DN có vốn chủ sở hữu lớn thì giá trị 50% vốn chủ sở hữu cũng sẽ rất lớn. Do đó, để các DN tập trung vốn vào nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính, đề nghị cần có quy định hạn chế thẩm quyền quyết định của hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty trong việc đầu tư vốn ra ngoài DN. Về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại DN, để thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại DN, luật cần quy định tiêu chí cụ thể để chuyển giao vốn nhà nước đầu tư tại DN về DN có chức năng đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Bên cạnh đó, để tách bạch chức năng quản lý của chủ sở hữu với chức năng quản lý nhà nước, cần nghiên cứu thành lập một cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ hoạt động theo luật này để thống nhất thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước quản lý toàn bộ vốn nhà nước đầu tư vào DN.
| |
ĐÌNH LÝ