Theo thông báo của Hội Nhà văn Việt Nam, vào đầu tháng 1 năm 2010, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Đây có thể coi là một sự kiện có ý nghĩa bản lề đối với sự phát triển của văn học Việt Nam.
Nhiều năm qua, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa. Công cuộc hội nhập của chúng ta đã có những kết quả khả quan. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao. Góp phần vào kết quả ấy, phải kể đến những nỗ lực hội nhập của văn hóa, trong đó có văn học.
Cũng giống như trong hoạt động kinh tế, văn hóa nói chung, văn học nói riêng luôn có nhu cầu giao lưu rộng rãi. Có thể khẳng định giao lưu văn hóa là một động lực để phát triển, bảo vệ những giá trị của văn hóa dân tộc. Tri thức và sự hiểu biết sâu rộng thế giới chính là một nền tảng cho sáng tác, sáng tạo.
Thế giới đã biết nhiều, đã tôn vinh văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, đối với văn học, dường như thế giới còn ít biết đến. Sự giao lưu văn học chưa nhiều, còn nặng về hình thức, xã giao. Việc giới thiệu văn học nước ngoài đến với Việt Nam tuy đảm bảo tính thời sự, song vẫn mang tính tự phát và kinh doanh. Đối với việc giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài hầu như còn thả nổi, chưa có sự quan tâm đúng mức. Chính vì vậy sách văn học Việt Nam trên thị trường sách quốc tế rất ít ỏi và đơn điệu.
Ở đây, cần có một lưu ý. Trong những năm đổi mới, hội nhập vừa qua, thông tin về mọi lĩnh vực của Việt Nam luôn được mở rộng và cập nhật, nhưng thông tin về văn học Việt Nam còn rất hạn chế, đôi khi còn chưa chính xác, thậm chí còn có những lệch lạc.
Đã có không ít những nhìn nhận cực đoan, đánh giá sai lệch về văn học đương đại Việt Nam từ sự ít hiểu biết, thiếu thông tin.
Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới lẽ ra cần được làm sớm hơn. Lẽ ra cần phải được đầu tư cho hoạt động này như việc đầu tư xúc tiến thương mại trong kinh tế. Dẫu sao, ở thời điểm này, tổ chức hội nghị nói trên cũng rất kịp thời và cần thiết. Tất nhiên, dư luận xã hội rất quan tâm tới vấn đề then chốt trong hoạt động này. Chúng ta quảng bá giới thiệu cái gì của văn học Việt Nam ra nước ngoài?
Tiêu chí, mục đích, yêu cầu của việc quảng bá rất cần được xác định rõ ràng. Là một hoạt động quảng bá cái hay, cái đẹp, thành tựu của văn học Việt Nam vì lợi ích quốc gia và tự hào dân tộc.
Không phải chỉ đưa ra những thứ nước ngoài cần. Phải đặc biệt chú ý đưa ra những thứ chúng ta có. Với một quốc gia độc lập có chủ quyền, tự do dân chủ luôn hướng tới sự công bằng, vấn đề chủ động giới thiệu, xuất khẩu văn học - văn hóa của dân tộc là yêu cầu bắt buộc phải có. Việc thẩm định đúng là yêu cầu đầu tiên. Chúng ta giới thiệu với nước ngoài các tác phẩm văn học có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật biểu cảm của ngôn ngữ. Đấy là những tác phẩm chân – thiện – mỹ của Việt Nam. Tính chân thực trong lịch sử, trong đời sống xã hội phải được đảm bảo. Tính nhân văn của văn hóa Việt Nam phải rõ ràng. Nghệ thuật sử dụng ngôn từ tiếng Việt phải đạt được chuẩn mực đỉnh cao.
Cha ông ta ngày xưa đã từng cảnh báo “Trong rừng khó biết lối ra, thấy cây lúc lác ngỡ là vàng tâm”. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài phải là thứ vàng tâm đích thực…
Hy vọng, qua hội nghị quảng bá lần này, diện mạo văn học Việt Nam được thế giới biết đến đầy đủ hơn, chân thực hơn. Đã đến lúc các nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam phải nghĩ tới trách nhiệm cụ thể hơn để nâng tầm ngôn ngữ tiếng Việt. Vị thế Việt Nam trên quốc tế đã được nâng cao. Vị thế của tiếng Việt cũng cần có được một vị trí tương xứng. Quảng bá văn học Việt Nam chính là quảng bá những giá trị của tư tưởng Việt Nam và tiếng Việt.
TRẦN VĂN TUẤN