Quảng Bình khốn khó với “bão” giá

Bão số 10 đi qua 4 ngày, người dân Quảng Bình gồng mình gượng dậy nhưng họ đang bị một cơn bão khác bủa vây, đó là “bão” giá. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm; từ rau xanh đến tấm lợp, dầu thắp sáng, đèn cầy, nến, đèn pin đều tăng ít nhất 30%, thậm chí có mặt hàng tăng 200%. Người buôn bán tấm lợp từ các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế... chở từng đoàn xe ra bán với giá “cắt cổ” khiến người dân vùng bão đắng họng khi phải bòn mót từng đồng lợp lại nhà.
Quảng Bình khốn khó với “bão” giá

Bão số 10 đi qua 4 ngày, người dân Quảng Bình gồng mình gượng dậy nhưng họ đang bị một cơn bão khác bủa vây, đó là “bão” giá. Các mặt hàng lương thực, thực phẩm; từ rau xanh đến tấm lợp, dầu thắp sáng, đèn cầy, nến, đèn pin đều tăng ít nhất 30%, thậm chí có mặt hàng tăng 200%. Người buôn bán tấm lợp từ các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế... chở từng đoàn xe ra bán với giá “cắt cổ” khiến người dân vùng bão đắng họng khi phải bòn mót từng đồng lợp lại nhà.

Người dân ở huyện Quảng Ninh, Quảng Bình mua tấm fibro về lợp lại mái nhà với giá cao hơn ngày thường. Ảnh: Minh Phong

Người dân ở huyện Quảng Ninh, Quảng Bình mua tấm fibro về lợp lại mái nhà với giá cao hơn ngày thường. Ảnh: Minh Phong

Giá tăng từng ngày

Cả ngày 4-10 mưa lại diễn ra trên diện rộng ở Quảng Bình, hơn 156.000 căn nhà của người dân và các đơn vị trường học, công sở... cần được lợp lại. Giữa muôn vàn khó khăn, hàng đoàn xe chở tấm lợp fibro, tôn, ngói từ các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế ra bán lại dọc quốc lộ 1A. Có mặt ở tuyến giao thông huyết mạch các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch, Đồng Hới... Chúng tôi ghi nhận rất nhiều thương lái buôn bán tấm lợp đang hét giá với người dân vây quanh những chiếc xe tải quá khổ. Mỗi một tấm lợp fibro ngày thường 50.000 đồng/tấm nay đã vọt lên 100.000 đồng/tấm. Khi vận chuyển sâu vào các làng mạc, tăng lên 120.000-150.000 đồng.

Ông Nguyễn Thanh Lãm ở xã Hải Ninh cho biết: “Bây giờ ngói đã tăng hơn ba, bốn lần so với trước, rất đắt nhưng cũng cắn răng mà mua, còn nhà tui lợp fibro thì giá tăng từng ngày, hôm nay giá khác, mai giá khác, cực chịu không thấu. Mình trả xuống thì đại lý từ Huế, Quảng Nam ra rắn mặt, nói không mua thì thôi đừng có trả, mất thời gian”. Ông Trương Văn Tuấn cùng xã Hải Ninh nói: “Nhà tui tốc mái hết, định bụng ra mua của xe ở Huế vài chục tấm fibro lợp cho vợ con ngủ nhưng đắt quá, không đủ tiền nên tui dựng giường, dựng bạt ngủ ngoài trời, chờ khi nào giá rẻ mua ngói lợp”.

Một chủ đại lý mua lại ngói, tôn, tấm lợp của các nhà máy ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam ra bán tại thị trấn Quán Hàu (Quảng Ninh) cho biết: “Mấy ngày nay buôn bán được lắm, giá trong Huế rồi Đà Nẵng đưa ra tăng một thì mình tăng gấp đôi, gấp ba, dân cũng móc tiền mua hết, ai cũng lo cái nhà trước. Mần ăn lúc này lời cao, thuế hay cán bộ thị trường tới thì vẫn đưa hóa đơn nhập vô như trước bão, chẳng phạt được đâu”.

Xe chở tấm lợp bán cho người dân vùng bão dọc quốc lộ 1A (Quảng Bình) với giá cắt cổ. Ảnh: Minh Phong

Xe chở tấm lợp bán cho người dân vùng bão dọc quốc lộ 1A (Quảng Bình) với giá cắt cổ. Ảnh: Minh Phong

Khan hiếm chất đốt

Nhiều hộ dân ở nông thôn nay đã dùng bếp gas thì các đại lý gas ở làng đã tự ý tăng giá mỗi bình gas lên gấp hai lần so với trước bão. Trong khi đó hàng vạn hộ gia đình hiện phải dùng dầu hỏa để thắp sáng đã cạn kiệt nguồn trữ tạm vài ngày. Xách can đi mua ở các đại lý trong làng phải trả mỗi lít dầu thêm 40%-50%, như xã Trường Sơn (Quảng Ninh) mỗi lít khoảng dầu thắp sáng tăng 100%. Nến ở các chợ loại bình thường, trước bão khoảng một tuần có giá khoảng 15.000 đồng/cặp nay lên 25.000 đồng/cặp. Hiện chất đốt ở một số địa phương bà con đã phải xin nhau như ở xã Trường Xuân (Quảng Ninh), Thanh Hóa, Lâm Hóa (Tuyên Hóa) do khan hiếm, các nguồn cung của tư nhân cách trở đường sá do sạt lở đất vì bão lũ gây ra, điện chưa biết ngày nào khôi phục được.

Tại chợ Đồng Hới, tình trạng tăng giá thực phẩm đang diễn ra, mỗi bó rau muống ngày thường giá 2.000 đồng, sau bão tăng vọt lên 10.000 đồng và nay hạ xuống khoảng 7.000 đồng/bó. Giá thịt heo bình thường 80.000 đồng/kg, sau bão có lúc tăng lên 100.000 - 110.000 đồng/kg. Các mặt hàng mắm con, cá khô, ruốc, dầu thực vật, mì tôm... cũng tăng giá 30%-40% do khan hiếm hàng hóa sau bão.

Chi cục Quản lý thị trường Quảng Bình cho biết, hiện các nhóm hàng như vật liệu xây dựng về tôn lợp, fibro; nhóm thực phẩm rau củ quả đều tăng giá sau bão do giá vận chuyển tăng, đầu vào tăng. Tuy nhiên khi nhắc đến các trường hợp xe tải bán lưu động từ Huế, Quảng Nam hoặc Đà Nẵng ra bán thì quản lý thị trường chưa kiểm soát được và hứa sẽ cho kiểm tra thêm chứ không thể trục lợi người dân sau bão.

Ngày 4-10, ông Trương An Ninh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết con số thiệt hại do bão số 10 khủng khiếp: hơn 8.000 tỷ đồng. Theo ông Ninh, UBND tỉnh đã ký văn bản yêu cầu Sở Tài chính tỉnh xuất 19 tỷ đồng tiền dự phòng ngân sách tỉnh giúp các địa phương khắc phục hậu quả bão. Tỉnh cũng có văn bản báo cáo Trung ương xin hỗ trợ cứu đói 10.000 tấn gạo giúp dân vùng bão. Cùng ngày, một số khu vực tại TP Đồng Hới có điện lại; các thị trấn như Ba Đồn (Quảng Trạch), Hoàn Lão (Bố Trạch) có điện, còn đa số các địa phương khác vẫn “tối thui” dù bão đã 4 ngày. Huyện Quảng Trạch là địa phương đầu tiên đưa 100% cơ sở giáo dục vào học trở lại, trong đó Trường Mầm non Quảng Tùng bị sập hoàn toàn nên phải mượn nhà văn hóa thôn để 200 trẻ vào học; Trường Mầm non Quảng Lưu dùng mái ngói trạm y tế xã lợp lại các phòng học để nhận trẻ, giúp phụ huynh yên tâm khắc phục hậu quả cơn bão.

MINH PHONG


Hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ

(SGGP).- Sáng 4-10, đoàn cứu trợ của TPHCM do đồng chí Võ Thị Dung, Chủ tịch UBMTTQ TPHCM và đồng chí Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP, dẫn đầu đã đến thăm hỏi, động viên chính quyền và nhân dân Quảng Trị sau bão số 10. Đại diện lãnh đạo TP đã chia sẻ trước những khó khăn mà tỉnh Quảng Trị đang gặp phải và hỗ trợ 600 triệu đồng giúp địa phương này khắc phục hậu quả.

Sáng cùng ngày, đoàn đã đến thăm hỏi và động viên người dân xã Vĩnh Trung, huyện Vĩnh Linh và xã Trung Sơn (huyện Gio Linh). Đây là 2 địa phương chịu thiệt hại nặng nhất tại Quảng Trị trong bão số 10. Các đồng chí trong đoàn đã trao 200 suất quà trị giá 100 triệu đồng tới tận tay các hộ dân bị thiệt hại nặng nề trong bão số 10. Đoàn cũng đã đi thăm và trao quà động viên cán bộ chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị đang ngày đêm giúp người dân thu dọn hàng ngàn hécta cao su bị đổ ngã trong bão. Ngoài ra, đoàn cứu trợ thành phố quyết định trích 50 triệu đồng hỗ trợ khẩn cấp chính quyền và nhân dân trên huyện đảo Cồn Cỏ khắc phục hậu quả báo số 10.

Chiều cùng ngày, đoàn cứu trợ của TPHCM đã đến thăm hỏi, động viên chính quyền và nhân tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đoàn đã trao 600 triệu đồng tiền hỗ trợ của nhân dân và chính quyền TP để Thừa Thiên - Huế khắc phục hậu quả bão số 10.

Cùng ngày, đoàn cứu trợ TPHCM do đồng chí Nguyễn Văn Rảnh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy dẫn đầu đã trực tiếp tới thăm hỏi, động viên và trao quà cho đồng bào bị lũ lụt tại 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa. Đoàn trao cho mỗi tỉnh 600 triệu đồng, đồng thời đến thăm, trao quà cho 200 bà con thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An trị giá 100 triệu đồng và 200 phần quà cho bà con huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa trị giá 100 triệu đồng. Dịp này, đoàn đã đến thăm hỏi, chia buồn với gia đình đồng chí Nguyễn Tài Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Nghệ An, đã thiệt mạng trong khi đi cứu trợ lũ lụt thị xã Hoàng Mai đêm 1-10.

Ngày 4-10, Bộ Công an đã tổ chức lễ phát động quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung trong toàn lực lượng. Tại buổi lễ, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến những tổn thất về người và tài sản mà nhiều gia đình ở miền Trung đang phải gánh chịu sau cơn bão số 10, đồng thời chia sẻ với những khó khăn chồng chất của đồng bào các tỉnh miền Trung trong vùng bão lũ. Cùng với đó, đông đảo tướng lĩnh, cán bộ chiến sĩ trong toàn lực lượng đã tình nguyện tham gia ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do cơn bão số 10. Để kịp thời giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả sau bão lũ, Bộ Công an đã trích 5 tỷ đồng từ Quỹ “Phòng chống thiên tai, đền ơn đáp nghĩa” để ủng hộ đồng bào miền Trung.

Ngày 4-10, Bộ GD-ĐT phát động toàn thể cán bộ, công chức toàn ngành dành ít nhất một ngày lương ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do bão số 10 gây ra. Tại buổi phát động, Sở GD-ĐT Hà Nội và các trường học trên địa bàn ủng hộ 1 tỷ đồng; các trường đại học trên địa bàn TPHCM 822 triệu đồng. Cũng trong buổi lễ, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân trong ngành giáo dục đã nhiệt tình hưởng ứng và đóng góp cùng chia sẻ khó khăn với đồng bào vùng bị ảnh hưởng của bão lũ. Tính đến cuối giờ chiều 4-10, số tiền ủng hộ Bộ GD-ĐT nhận được là gần 2,4 tỷ đồng.

Chiều 4-10, tại Đà Lạt, Ủy ban MTTQVN tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức phát động ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão số 10 gây nên. Số tiền 1,2 tỷ đồng các tổ chức, cá nhân trong tỉnh ủng hộ được chuyển kịp thời đến hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục phần nào những mất mát, khó khăn do bão lũ gây nên.

Ngày 4-10, tại  Hà Nội, Văn phòng và Công đoàn Bộ TT-TT đã tổ chức lễ quyên góp ủng hộ đồng bào bị bão lụt do cơn bão số 10 tại miền Trung. Bước đầu Tập đoàn VNPT đã ủng hộ 300 triệu đồng, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) ủng hộ 150 triệu đồng và Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) ủng hộ 100 triệu đồng.

Nhằm kịp thời chia sẻ khó khăn với người dân miền Trung, Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) đã trích quỹ xã hội từ thiện ủng hộ các địa phương bị ảnh hưởng của bão số 10 là 1,3 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí do cán bộ đoàn viên công đoàn Agribank ủng hộ.

* Để góp phần sớm khắc phục hậu quả cơn bão, ổn định đời sống, sản xuất và kinh doanh của các khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng (TCTD) bị thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành công văn số 7298/NHNN-TD về việc hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 10. Theo văn bản này, NHNN đề nghị các TCTD xem xét thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi vay đối với các khách hàng vay vốn tại các TCTD bị thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra theo quy định hiện hành; xem xét tạo điều kiện cho các khách hàng vay vốn tại các TCTD bị thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra được vay vốn theo quy định hiện hành để tiếp tục sản xuất kinh doanh.

  • Vẫn còn 1 - 2 cơn bão ảnh hưởng nước ta

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương vừa cập nhật thông tin dự báo mới nhất về tình hình bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông từ nay cho tới cuối năm 2013. Theo nhận định, từ nay cho đến cuối năm và những tháng đầu năm 2014, bão và áp thấp nhiệt đới còn diễn biến phức tạp nhất là trên biển Đông. Sẽ có khoảng từ 1 đến 2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, tập trung ở khu vực Trung bộ và Nam bộ. Ngoài ra, các đợt nắng nóng sẽ tập trung nhiều ở các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ. Tuy nhiên, các đợt nắng nóng không kéo dài, thời gian từ 2-4 ngày với nhiệt độ trung bình 37 -39°C, một số nơi thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ sẽ lên đến trên 40°C.

NHÓM PV


Thêm 4 người chết và mất tích trong lũ

(SGGP).- Khoảng 10 giờ ngày 4-10, anh Lê Đức Khanh và anh Nguyễn Văn Sĩ (cả hai đều 37 tuổi, cùng trú tại thôn Thanh Vân, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) chèo ghe qua sông Quảng Huế để cắt cỏ cho bò, gặp dòng nước chảy xiết làm lật ghe. Lúc này có 2 thuyền máy đang đánh cá trên sông đến ứng cứu kịp thời và đưa được anh Khanh lên bờ trong tình trạng đuối sức. Còn anh Sĩ bị nước cuốn trôi mất tích.

Trưa 4-10, người dân và gia đình anh Ngô Văn Phương (31 tuổi, thôn Phú Mỹ, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc) đã tìm thấy thi thể anh Phương tại bàu Phú Mỹ, cách nhà anh không quá 300m. Tối 2-10, anh Phương đi mua đồ dùng trong khi  trời có mưa nước lũ đang dâng, gia đình không thấy anh Phương trở về nên tổ chức tìm kiếm và đến trưa 4-10 thì phát hiện.

Tại huyện Điện Bàn, lúc 13 giờ chiều 4-10, khi đi qua khu vực Đập Đá sông Cổ Cò (xã Điện An), 2 em Hà Trần Thu Giang và Nguyễn Phương Nhi, là học sinh lớp 4A Trường Tiểu học Phan Bôi (xã Điện An, huyện Điện Bàn) bị nước cuốn trôi. Người dân đã bơi xuồng cứu được em Giang, còn em Nhi bị chết đuối.

Cùng ngày, chị Nguyễn Thị Yến (24 tuổi, ngụ ở thôn 7, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) cùng với mẹ chồng là bà Trần Thị Vân trên đường đi từ chợ Bộng về nhà bằng thuyền nan bất ngờ bị lật chìm. Bà Vân kịp bấu víu chiếc gối có bọc ni lông nên bơi được vào bờ may mắn thoát nạn. Còn chị Yến bị dòng nước lũ xoáy chảy xiết nhấn chìm. Hơn 30 phút sau đó, người dân địa phương đã vớt được chị Yến đã tử vong, đưa về tổ chức lễ mai táng.

NHÓM PV

- Chung tay hỗ trợ đồng bào vùng lũ

Tin cùng chuyên mục