Hiện nay trên nhiều nẻo đường ở TPHCM có vô số panô, băng rôn tuyên truyền văn hóa, quảng cáo không phép… quá hạn sử dụng. Nhiều cái rách bươm, tơi tả, nhưng vẫn tồn tại trước mắt người đi đường.
Bôi bẩn diện mạo đô thị
Tại nhiều nơi công cộng đang tồn tại những hình thức quảng cáo tự phát trái phép, do một số doanh nghiệp tổ chức kinh doanh, bất chấp việc vi phạm các quy định hiện hành, bôi bẩn đô thị, gây ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan, văn minh đô thị.
Trong các loại hình quảng cáo, vấn nạn phát tờ rơi ở các khu vực ngã tư đông người qua lại vẫn liên tục tồn tại và hoạt động công khai, xả rác trên đường. Bên cạnh đó, hàng loạt mẩu quảng cáo in trên giấy và các bảng quảng cáo, tiếp thị cho các quán nhậu, thuê phòng trọ, cần người giúp việc, dạy kèm, rút hầm cầu, khoan cắt bê tông, cài đặt internet miễn phí… Các quảng cáo không phép vô tư dán, móc, treo đầy trên các thân cây, cột điện, cột đèn tín hiệu giao thông, cột hướng dẫn giao thông, kể cả cột biển báo tên đường. Dọc đường Nguyễn Kiệm và Nguyễn Thái Sơn thuộc phường 3 quận Gò Vấp, hàng loạt cửa hàng, doanh nghiệp tư nhân thản nhiên trưng dụng thân cây, cột điện để quảng cáo sản phẩm.
Hình ảnh nhếch nhác ấy cũng tồn tại trên nhiều tuyến đường ở TP. Tại góc ngã ba Hòa Bình - Tô Hiệu phường Hiệp Tân quận Tân Phú đã và đang tồn tại một tấm bảng quảng cáo lớn rách bươm, lất phất trong nắng gió bên cạnh tấm bảng “Khu phố văn hóa khu phố 4”. Chị Hương sống ở gần đấy cho biết: “Tấm bảng quảng cáo trưng ở đó lâu rồi. Mấy đợt mưa to gió lớn làm nó rách tả tơi nhưng người ta cứ để vậy”.
Trách nhiệm của ai?
Hiện không thể tính được TPHCM có bao nhiêu thân cây, cột điện, cột đèn bị biến thành cột quảng cáo bất đắc dĩ. Trái khoáy hơn, trong hàng loạt panô, băng rôn đang treo móc giữa không trung ấy có không ít nội dung mang ý nghĩa tuyên truyền về văn hóa, văn minh đô thị, kêu gọi và giáo dục ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh, tôn tạo cảnh quan đường phố, thể hiện sự văn minh, văn hóa trong lối sống.
Trên đoạn đường Nguyễn Thị Nhỏ, trên các cột điện bên hông siêu thị Co.opMart Phú Thọ quận 11, là các băng rôn tuyên truyền “Cần loại bỏ 6 hành vi không văn hóa” không được chăm sóc nên một số bị chỏng gọng, rách, tưa, quặt quẹo trông phản tuyên truyền.
Có không ít bảng hiệu tuyên truyền xây dựng “Khu phố văn hóa”, “Nhân dân khu phố quyết tâm giữ vững danh hiệu khu phố văn hóa”… đang có mặt ở nhiều địa phương bị bong tróc nham nhở, không còn thấy rõ chữ, trông phản cảm và lạc lõng.
Trách nhiệm này thuộc về ai? Cần có biện pháp xử lý triệt để, nhằm góp phần làm thay đổi cảnh quan đô thị, xây dựng TPHCM văn minh, sạch đẹp.
Thúy Bình