Quảng Nam : 51 trường hợp học sinh - sinh viên vay vốn không đúng đối tượng

Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam cho biết: Đoàn công tác liên ngành vừa tổ chức kiểm tra việc cho vay đối với học sinh-sinh viên (HS-SV) ở 15 xã của 4 huyện, TP là Hội An, Duy Xuyên, Điện Bàn, Phú Ninh và đã phát hiện 51 trường hợp ở những hộ gia đình được xét cho vay không đúng đối tượng, với số tiền lên trên 200 triệu đồng.

Những hộ gia đình nói trên đều thuộc gia đình khá giả, mức thu nhập cao so với người dân trong vùng.
 
Được biết, qua 6 tháng thực hiện cho HS-SV vay vốn, tỉnh Quảng Nam đã có 13.158 HS-SV vay vốn với tổng nguồn cho vay trên 95 tỷ đồng, trong đó 360 HS-SV vay trực tiếp, 12.661 HS-SV vay thông qua hộ gia đình. Tại xã Tân Hiệp, Hội An, gần 40 đối tượng có hoàn cảnh rất khó khăn lại vẫn chưa được vay vốn cho con em trang trải việc học hành.
 

NG.HẢI

Kon Tum: Dân chiếm dụng gần 4.000 ha đất rừng của lâm trường

Ông Nguyễn Văn Chuyên - Phó Giám đốc Lâm trường Kon Tum cho biết: Hiện nay, tình trạng phát đốt, lấn chiếm đất rừng để trồng cao su, cà phê và sắn ở Kon Tum đang đến hồi báo động.

Có gần 4.000 ha trong tổng số 16.680 ha đất rừng thuộc lâm trường quản lý bị người dân chiếm dụng. Dù vậy, Lâm trường Kon Tum vẫn chưa có biện pháp xử lý, đất rừng đang ngày càng bị thu hẹp.

TR.H.NAM

Kiên Giang: Đầu tư mạnh cơ giới hóa nông nghiệp

Là một tỉnh trọng điểm lúa ở ĐBSCL, trong hai năm 2007 - 2008, tỉnh Kiên Giang đã sử dụng ngân sách hỗ trợ nông dân 100% lãi suất trả định kỳ nợ vay ngân hàng để mua các loại máy gặt đập liên hợp. Nhiều bà con đã đầu tư hàng chục tỷ đồng trang bị máy trên ruộng lúa.

Ước tính của Viện lúa ĐBSCL, nhờ đầu tư máy gặt đập liên hợp, hao hụt lúa trong thu hoạch ở Kiên Giang giảm từ 10% xuống còn 7%-8%, làm lợi cho nông dân khoảng 100 tỷ đồng.
 

B.ĐẠT

 
Thừa Thiên - Huế: Nở rộ dịch vụ mua lúa non

Lợi dụng khó khăn của nhiều nông dân lúc giáp hạt, tuần qua, tại nhiều xã thuộc huyện Hương Thủy, Phú Vang, tỉnh TT- Huế tư thương, kể cả những người khá giả tại địa phương đã bỏ tiền ra, đặt mua lúa trước khi thu hoạch lúa trên đồng ruộng hàng tháng trời.

Theo đó, 1 tạ lúa non có giá 500.000đồng/tạ, thấp hơn giá thị trường 100.000 - 120.000 đồng. Tại xã Thủy Lương, huyện Hương Thủy, hiện có khoảng 10% nông dân trong xã chấp nhận cảnh bán lúa non để có tiền chi tiêu trong những ngày giáp hạt.

V.V.THẮNG

Cung cấp con giống hải sản cho Trường Sa
 
Công ty 128 Hải quân vừa đưa vào hoạt động ổn định Trại sản xuất con giống hải sản tại bán đảo Cam Ranh nhằm phục vụ yêu cầu triển khai nhiệm vụ hỗ trợ phát triển kinh tế dân sinh vùng biển tại quần đảo Trường Sa.

Trại có 2 khu ươm nuôi, cung cấp mỗi năm 5 triệu con giống cá bớp, mú, chẽm, ốc hương… Công ty cung cấp miễn phí cá giống, lồng nuôi của Na Uy cho người dân ở Trường Sa và thu mua lại sản phẩm.
 

B.MAI

Ngư dân Cà Mau chuyển nghề sử dụng ít xăng dầu
 
Đến nay, có ít nhất 280 ngư dân các huyện ven biển tỉnh Cà Mau đã chuyển từ nghề cào tiêu, hao nhiều dầu sang nghề sử dụng ít xăng dầu, như nghề lưới vây, câu mực.

Nhiều nhóm ngư dân ở các huyện trọng điểm nghề cá của Cà Mau như Sông Đốc, Rạch Gốc, Cái Đôi Vàm, Khánh Hội, cũng tự lập những nhóm hỗ trợ hậu cần dịch vụ, trung chuyển sản phẩm vào bờ, để tàu đánh bắt thủy sản có thể bám biển dài ngày hơn trước.
 

P.QUÂN

Tin cùng chuyên mục