Từ sáng sớm cho đến tận chiều 12-11, hàng trăm người dân thôn Đình An bỏ công ăn việc làm ra vây bắt ghe hút cát trên nhánh sông Thu Bồn đoạn cầu Đen nối QL1A với 3 xã Gò Nổi (Điện Bàn). Những người trên ghe đã bỏ đi khỏi hiện trường. Tại hiện trường, người dân tạm giữ chiếc ghe hút cát mang số hiệu QNa-0630.
| |
Ông Nguyễn Văn Mỹ bức xúc: “Thôn chúng tôi trải dài theo bờ sông, đoạn trên thì bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều lần chúng tôi phản ánh lên các cấp chính quyền đề nghị chống sạt lở. Trong khi đó, hiện nay mỗi ngày có khoảng 19 chiếc ghe máy bằng sắt kiên cố, hiện đại có tải trọng từ 50 đến 70m3 đến khai thác cát quy mô lớn. Dân uất ức, cấp xã, cấp huyện biết nhưng không ngăn chặn tình trạng hút cát nên người dân ngăn chặn và giữ ghe”. Ông Bùi Văn Hậu cho biết: “Nhân dân mong muốn giữ lại bãi bồi này để sản xuất nông nghiệp nên đề nghị không được khai thác cát ở đây nữa. Đất sản xuất hoa màu của người dân bị sạt lở cuốn trôi xuống sông, nhiều lần dân kiến nghị Nhà nước làm bờ kè chống sạt lở. Trong khi chưa làm kè thì lại cho phép ghe hút cát gây sạt lở thêm”.
Theo quan sát của PV Báo SGGP, dọc bờ sông từ chân cầu Đen về phía thượng nguồn có một bãi bồi rộng chừng vài hécta nhưng có rất nhiều điểm bị khoét sâu, sạt lở với vực sâu chừng 4m. Theo người dân địa phương, nơi đây nhiều ngày qua ghe máy bằng sắt trang bị vòi rồng hút cát và gây sạt lở. Lòng sông cũng có rất nhiều hố sâu nguy hiểm. Cách đó chừng 2km, nhiều diện tích rau màu của người dân bị bờ sông sạt lở cuốn trôi, những bụi tre người dân trồng để chống sạt lở cũng bị nước cuốn ra giữa dòng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước, cho biết: Khu vực người dân phản đối việc khai thác cát là một trong 4 mỏ cát được UBND tỉnh Quảng Nam quy hoạch khai thác. Đơn vị khai thác cát là Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) khai thác để phục vụ xây dựng đường dẫn cầu Bà Rén cách đó chừng vài kilômét.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho phép khai thác để xây dựng đường dẫn cầu Đen. Trước đây, khi khảo sát, thăm dò, tỉnh thấy không có hại mà có lợi là khơi thông dòng chảy, chỉnh dòng. Tuy nhiên, tác hại lâu dài thì… chưa nắm. Trước tình trạng hiện nay, UBND huyện Duy Xuyên và thị trấn Nam Phước đã hai lần họp dân để giải thích nhưng người dân vẫn không đồng ý.
Ông Nguyễn Văn Hưng cho biết thêm, trước nguyện vọng của người dân, UBND thị trấn kiến nghị huyện để huyện đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam tạm dừng khai thác cát. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng là do tỉnh. UBND thị trấn Nam Phước chỉ đạo công an thị trấn lập biên bản vụ việc và trả lại phương tiện cho đơn vị quản lý.
NGUYÊN KHÔI