
Từ ngày 3-9 đến nay, tuyến đường ĐT 604 nối 2 huyện miền núi Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) với TP Đà Nẵng bị chia cắt do sạt lở núi tại đoạn Dốc Kiền (thuộc địa phận thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) khiến giao thông trên tuyến bị ách tắc nghiêm trọng.

Ngày 7-9, vượt hơn 40km từ TP Đà Nẵng trong cơn mưa xối xả, chúng tôi có mặt tại Dốc Kiền – nơi giáp ranh giữa huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) và huyện Đông Giang (Quảng Nam). Một đoạn đường dài chừng 700m bị chèn lấp bởi hàng trăm ngàn mét khối đất đá. Cả hai bờ ta-luy âm và ta-luy dương đều bị sạt lở nặng.

Phía bờ ta-luy âm, mưa lớn đã khoét hàng ngàn mét khối đất đá của mặt đường xuống hố sâu hàng trăm mét; phía bờ ta-luy dương, nước từ trên đỉnh núi kéo theo hàng trăm mét khối đất đá đổ từng mảng xuống chèn lấp mặt đường.
Đây là tuyến đường huyết mạch nối 2 huyện Đông Giang và Tây Giang (Quảng Nam) với TP Đà Nẵng nên hàng ngày có đến hàng trăm lượt người và phương tiện lưu thông bị kẹt tại đây bởi tình trạng sạt lở.
Trước đây, người dân Đông Giang đi Đà Nẵng chỉ mất 70km, nhưng nay phải đi vòng qua huyện Nam Giang theo đường Hồ Chí Minh, xuống QL 14B rồi về Đà Nẵng với độ dài gần 200km, xa gấp 3 lần so với bình thường.
Đối với những người dân sống khu vực xã Ba, xã Tư (Đông Giang), mặc dù chỉ cách thành phố Đà Nẵng gần 30km nhưng nay muốn đi Đà Nẵng thì phải đi vòng với đoạn đường xa gấp... 7 lần. Chính vì thế, nhiều người bất chấp hiểm nguy sạt lở núi liều mình khiêng xe qua đoạn đường gần 1km sạt lở để đi Đà Nẵng.
Mặc dù đất đá có thể đổ ập từ trên đỉnh núi xuống nhưng dưới đường vẫn rất nhiều người cố đẩy xe qua chỗ sạt lở. Nhất là trong ngày 7-9, do là ngày đầu tuần nên hàng trăm cán bộ, giáo viên của 2 huyện Đông Giang và Tây Giang về quê trở lại nơi làm việc bị mắc kẹt tại đây đã cố nhờ người khiêng xe qua điểm sạt lở để đến cơ quan.
Ngoài ra, hàng trăm người buôn bán măng từ Đông Giang xuống Đà Nẵng cũng như những người vận chuyển lương thực, thực phẩm từ Đà Nẵng lên Đông Giang, Tây Giang cũng bị mắc kẹt tại đây buộc phải dỡ hàng chuyển bộ. Và hàng chục ô tô khách, ô tô tải bị mắc kẹt tại hai phía không thể qua lại được.

Nhiều người cố vượt qua đoạn đường bị sạt lở tại Dốc Kiền (Đà Nẵng) để sang Đông Giang (Quảng Nam).
Anh lái xe ô tô mang BKS 43S-4881 bị mắc kẹt giữa nơi sạt lở đang lúi húi tìm cách đưa xe thoát khỏi nơi sạt lở, lo lắng nói: “Xe bị mắc lầy giữa nơi sạt lở, tui thuê xe để kéo nhưng không có xe mô chịu kéo. Tui không biết làm sao ra khỏi đây, nếu ra không kịp thì sẽ bị núi lở lấp mất…”.
Anh Nguyễn Văn Sao, cán bộ kỹ thuật Công ty Quản lý sửa chữa công trình giao thông và thoát nước Đà Nẵng, người được cử đến giải phóng sạt lở, cho biết: Lượng đất đá sạt lở xuống đường khoảng 100.000m3, mấy ngày qua đã giải phóng được 80.000m3. Đến nay, một lượng lớn đất đá từ bờ ta-luy dương tiếp tục sạt xuống gây ách tắc nghiêm trọng.
Lượng đất đá sạt lở tại Dốc Kiền quá lớn, trong khi tại Đà Nẵng và Quảng Nam mưa lớn vẫn kéo dài khiến công tác khắc phục rất chậm, giao thông trên tuyến vẫn tiếp tục bị chia cắt. Còn nhớ, cuối tháng 11-2008, Công ty Quản lý sửa chữa công trình giao thông và thoát nước Đà Nẵng đã phải mất hơn 1 tháng mới khắc phục xong điểm sạt lở này.
NGUYÊN KHÔI
Mưa lớn trong những ngày qua đã làm xuất hiện hàng chục điểm sạt lở mới trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Tại Km384 (nhánh phía Tây qua huyện Đông Giang), 1/2 mặt đường bị che phủ bởi đất đá sụt, trượt với chiều dài gần 80m; đoạn từ Quảng Nam đi Kon Tum có 16 vị trí bị sạt lở. Nhánh phía Tây từ A Tép đi Thạnh Mỹ, tại Km426T – Km510T, mưa lũ đã làm xói lở ta-luy âm, gây sạt lở nền đường. Còn nhánh phía Đông đoạn Thạnh Mỹ-Đắc Zơn từ Km243 đến Km334, mưa đã làm sạt ta-luy âm khiến xuất hiện vết nứt cắt ngang mặt đường. H. MINH |