
(12G).- Nắng hạn trong hơn 2 tháng qua đang đặt người dân Quảng Trị trước nỗi lo mất mùa. Hàng chục ngàn ao hồ, sông suối cùng những công trình thủy lợi trọng điểm như Hồ Trúc Kinh, Bảo Đài, Ái Tử... và hệ thống các sông lớn như sông Hiếu, Thạch Hãn đang lần lượt... “tắm nắng”!
Những vựa lúa... khát!

Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT Quảng Trị, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có trên 5.000ha lúa hè thu bị hạn nặng. Trong đó có 2 cánh đồng Triệu Phong và Hải Lăng - những vựa lúa chính cung cấp lương thực cho toàn tỉnh, đáp ứng chỉ tiêu xuất khẩu gạo của Chính phủ - có tới 3.000ha bị thiếu nước trầm trọng.
Hai vựa lúa này sử dụng nguồn nước tưới từ công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn. Nhưng hiện tại, mực nước ở đầu mối Nam Thạch Hãn xuống rất thấp, không đủ khả năng phục vụ công tác tưới chống cháy cho những thửa lúa trên đang trong thời kỳ sinh trưởng.
Còn các vựa lúa nhỏ như Cam Lộ, Gio Linh sử dụng nguồn nước từ trạm bơm Cam Lộ, Hồ Trúc Kinh cũng đang trong tình trạng “khát” nặng, trong đó có hơn 250ha lúa héo khô, héo quắt...
Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng phòng Thủy lợi, Sở NN-PTNT Quảng Trị cho hay: “Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp chống hạn cho lúa vụ hè thu, bao gồm việc nạo vét sông Thạch Hãn ở khu vực đầu mối, ngăn sông Hiếu ở trạm bơm Hiếu Bắc (Cam Hiếu, Cam Lộ). Bên cạnh đó, nông dân tận dụng nguồn nước từ các ao hồ, sông, suối để cứu cháy cho lúa.
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường đã gửi văn bản tới Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị chỉ đạo Công ty Thủy điện Quảng Trị sớm khắc phục sự cố máy móc, xả nước hồ Rào Quán, cứu hạn cho dân”. Ông Thanh khẳng định: “Trong 1 tuần tới, nếu không có mưa, nước hồ Rào Quán không được xả về, trên 3.000ha ruộng ở Triệu Phong và Hải Lăng bị mất trắng là cái chắc”.
Vì sao hạn nặng?
Theo ông Thanh cho biết: “Quảng Trị có hệ thống sông ngòi và công trình thủy lợi dày đặc: hơn 10 hồ chứa lớn, trữ lượng nước từ vài chục triệu đến hơn trăm triệu mét khối/hồ; hơn 200 công trình thủy lợi vừa và nhỏ; các sông lớn bao quanh làng mạc, đồng ruộng như Thạch Hãn, Bến Hải, Vĩnh Định, Ô Lâu... Nhưng thời gian qua trên địa bàn tỉnh nắng hạn liên tục, gió Tây Nam thổi mạnh, lượng nước ở các hồ chứa, sông ngòi bốc hơi, xuống còn rất thấp”.
Một cán bộ ngành nông nghiệp huyện Cam Lộ giải thích: Bên cạnh thiên tai, nguyên nhân hạn hán phần lớn do con người gây nên. Thực tế trong những năm trở lại đây, hầu hết các vùng rừng đầu nguồn các hồ chứa và sông ngòi của Quảng Trị đã bị chặt phá tan tành. Không có rừng, đất đai trở nên khô cằn, lại thêm mỗi khi bão lũ xảy ra, kéo theo lượng phù sa lớn từ đầu nguồn về lấp dần sông suối và hồ chứa.
Một nguyên nhân khác, phần lớn trong số 200 công trình thủy lợi vừa và nhỏ của tỉnh Quảng Trị không phát huy được tác dụng. Có công trình vốn xây dựng lớn tới hàng chục tỷ đồng, như công trình thủy lợi Khe Lau (Đakrông), Xi Phông – Cam Phổ, xã Gio Mỹ (Gio Linh), bản Trăng, xã Hướng Việt (Hướng Hóa), hồ thủy lợi số 7, xã Cam Hiếu (Cam Lộ) được thiết kế theo kiểu nước chảy... ngược lên trời! Số khác mới đưa vào sử dụng vài năm đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Các ngành chức năng không đoái hoài đến việc sửa chữa hoặc có sửa chữa nhưng rồi vẫn cứ... hư!
Người dân gánh chịu
Ngồi bệt trên thửa ruộng trắng xóa, anh Hoàng Văn Nguyên, trưởng thôn Vĩnh Đại, xã Cam Hiếu (Cam Lộ) tâm sự: “Hồ thủy lợi số 7 xây dựng trên địa bàn xã từ năm 1988. Theo thiết kế, công trình tưới cho vùng lúa rộng lớn ở Hiếu Nam, gồm 4 thôn Vĩnh Đại, Bích Giang, Thạch Đâu, Vĩnh An. Nhưng 5 năm trở lại đây, do van bị hư, nước từ hồ chứa mặc sức chảy ra đồng ruộng.
Vào vụ đông xuân, bà con phải gồng mình tát nước chống úng, đến vụ hè thu thì khô kiệt, bà con vì thế phải oằn lưng, đội nắng, đội gió xách gàu đi mót nước ở những hố đất của Công ty cổ phần Gạch ngói Quảng Trị để chống cháy”. “Ngành chức năng đã vài lần về sửa van xả, đóng nước hồ số 7, nhưng đâu lại vào đó, tiền nhà nước cứ như muối bỏ biển! Vụ hè thu năm ngoái, cả thôn mất trắng 70%. Bây chừ hồ số 7 cạn khô, e rằng bao nhiêu công sức của bầy tui thành ra công cốc”, bà Hồ Thị Lưu, một người dân Cam Hiếu mót từng gàu nước ở hố bom bên cạnh đám ruộng cháy, thở dài nói.
Không có nước thủy lợi, người nông dân vốn đã khổ nay lại khổ thêm. Anh Nguyên cho biết: “Cứ một sào lúa, tiền thuê máy bơm mất 1/4 sản lượng, ngoài ra còn phải trả tiền thuê máy cày, tiền phân bón, tiền phần trăm cho hợp tác xã... Rứa là người dân lỗ nặng”!
Năm nào lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên quản lý và khai thác thủy lợi Quảng Trị cũng có đề án đệ trình Chính phủ phê duyệt hỗ trợ kinh phí tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi để chống hạn. Số tiền lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Nhưng rốt cuộc công trình vẫn cứ xuống cấp, kênh mương, lòng hồ bị lấp dần, người nông dân đang phải gánh chịu những hậu quả khốn khổ.
Phan Vĩnh Yên