Ý kiến

Quên hướng dẫn...

Tại hội thảo về chính sách cho lao động nữ do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức mới đây tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp (DN) “kêu” rằng rất khó thực hiện các chính sách đặc thù đối với lao động nữ được Nhà nước quy định tại chương X Bộ luật Lao động và được cụ thể hóa tại Nghị định số 23/CP ngày 18-4-1996 của Chính phủ.

Cụ thể như Nghị định số 23/CP quy định DN sử dụng nhiều lao động nữ được xét giảm thuế. Nghĩa là chi phí tăng thêm khi sử dụng lao động nữ được khấu trừ để giảm thuế. Có 11 khoản chi được xem xét để giảm thuế như: khoản chi phí bù vào thời gian nghỉ của lao động nữ trong kỳ hành kinh, nghỉ trong thời gian thai nghén, nghỉ sinh con, nghỉ hậu sản, nghỉ dưỡng bệnh, nghỉ để chăm sóc con nhỏ... Thế nhưng trên thực tế, để được giảm thuế, DN gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do cho đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Một chủ DN bức xúc nói: “Luật, nghị định quy định rõ như vậy nhưng Bộ Tài chính chỉ hướng dẫn... nửa vời. Trong khi đó, bộ phận kiểm toán nhà nước lúc nào cũng đòi hỏi phải có thông tư hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính mới cho DN được quyết toán. Hiện DN chúng tôi chỉ được quyết toán khoản chi phí bù vào thời gian nghỉ 60 phút/ngày để cho con bú của lao động nữ sau khi sinh, riêng các khoản chi phí khác như: cho lao động nữ nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh, giảm bớt 1 giờ làm việc/ngày cho lao động nữ có thai trên 7 tháng… thì không được quyết toán”.

Điều đáng nói là thiếu sót này đã tồn tại hơn 12 năm, kể từ ngày Nghị định 23 của Chính phủ có hiệu lực thi hành. Chính lý do này đã khiến các DN không mặn mà gì trong việc thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi với lao động nữ. Liên đoàn lao động các địa phương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã kiến nghị rất nhiều lần nhưng không được quan tâm, giải quyết.

Nhiều DN thẳng thắn đặt câu hỏi: ngay trong các cơ quan quản lý nhà nước như bộ và các cơ quan ngang bộ còn chưa có ý thức nghiêm túc chấp hành tinh thần của pháp luật thì làm sao đòi hỏi các DN thực hiện. Suy cho cùng, thiệt hại lớn nhất vẫn nằm ở phía người lao động.

Mai Hương

Tin cùng chuyên mục