Vụ ngộ độc thực phẩm pate Minh Chay gần đây tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm quản lý trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, TS Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đề nghị Quốc hội thường xuyên tiến hành giám sát vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: Câu chuyện “1 mâm cơm 3 bộ quản vẫn chưa chặt” mà nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nhắc đến tại một phiên chất vấn của Quốc hội từ năm 2008 đến nay vẫn rất đáng lo ngại, vì sao thưa ông?
TS BÙI SỸ LỢI: Tôi còn nhớ câu chuyện “4 bộ cùng quản lý... cây xúc xích” cũng đã từng làm nóng diễn đàn Quốc hội. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ NN-PTNT ở giai đoạn nuôi và giết heo lấy thịt; Bộ KH-CN liên quan đến chất phụ gia làm xúc xích; Bộ Y tế liên quan quá trình sử dụng sản phẩm và quản lý thị trường thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương. Ở câu chuyện pate Minh Chay có thêm một bộ nữa liên quan là Bộ TT-TT vì có yếu tố quảng cáo và bán hàng online. Vấn đề đáng lo ngại là đúng, vì để quản lý tốt 4-5 bộ này phải phối hợp chặt chẽ với nhau, tuy nhiên thực tế nhìn nhận thì chưa như vậy.
Theo Quyết định 300/QĐ-TTg ngày 13-3-2018, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm là tổ chức tham mưu, giúp việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Từng địa phương cũng đã có ban này. Phải chăng do mô hình này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu?
Quyết định 300 ra đời sau khi Quốc hội có cuộc giám sát về vệ sinh an toàn thực phẩm trong năm 2017. Việc kiện toàn ban chỉ đạo với một Phó Thủ tướng đứng đầu và thành phần đầy đủ lãnh đạo các bộ, ngành thể hiện bước chuyển biến trong nhận thức về tầm quan trọng của công tác này.
Nhưng chỉ đạo thì phải có thừa hành, mà đội ngũ thừa hành thì biên chế nhìn chung còn mỏng, tính chuyên nghiệp chưa cao. Tôi cho rằng nên có sự đánh giá lại toàn diện mô hình ban an toàn thực phẩm ở các địa phương xem đã làm được gì, chưa làm được gì, từ đó có giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đặc biệt phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra vì thực phẩm là chuyện hàng ngày, của mọi người, mọi nhà. Nếu quản lý không tốt sẽ dẫn đến bệnh tật, hủy hoại sức khỏe người dân, ảnh hưởng đến nguồn nhân lực và xa hơn nữa là chất lượng giống nòi. Nếu tăng cường công tác thanh, kiểm tra đi kèm với chế tài xử lý nghiêm khắc sẽ hạn chế được số lượng và tác hại của những vụ việc kiểu như pate Minh Chay. Về phía các cơ quan dân cử, những cuộc giám sát của HĐND các cấp và Quốc hội sẽ có tác dụng rất tốt. Tôi nghĩ Quốc hội cần thường xuyên tiến hành giám sát về an toàn thực phẩm, nên tiến hành hàng năm hoặc thậm chí mỗi năm 2 lần.
Vậy theo ông, khi những vi phạm an toàn thực phẩm xảy ra, như vụ pate Minh Chay thì trách nhiệm ở đâu?
Khi những vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm xảy ra, tôi cho rằng đầu tiên là trách nhiệm lãnh đạo địa phương. Chẳng hạn như vụ pate Minh Chay, trách nhiệm trước hết là địa phương nơi cơ sở sản xuất đặt trụ sở, kinh doanh; tiếp đến là trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành có liên quan đến quản lý lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo tôi, có thể coi tình hình an toàn thực phẩm ở địa bàn là tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu địa phương.
Như ông vừa nhận định, trong vụ việc pate Minh Chay có thêm yếu tố đáng quan tâm là bán hàng online, mà hoạt động này được dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới. Theo ông, chúng ta đã có chế tài hữu hiệu cho những sai phạm kinh doanh trên môi trường mạng chưa?
Đúng là vẫn có tình trạng lộn xộn, bát nháo trong kinh doanh online, đặc biệt là với thực phẩm chức năng và thực phẩm chế biến. Tôi cho rằng, Bộ TT-TT cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, phải có công cụ “lọc” ra những nội dung bán hàng để cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát nguồn gốc chất lượng sản phẩm cũng như cần có công cụ để tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh của người tiêu dùng, khi phát hiện sai phạm thì ngay lập tức thông tin trở lại cho người tiêu dùng trên chính môi trường mạng - tất nhiên là qua những kênh chính thống (vì cũng cần ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, lợi dụng tung tin sai lệch bôi xấu đối thủ cạnh tranh). Bên cạnh đó, hành vi quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc chất lượng sản phẩm cũng phải bị xử lý nghiêm khắc.
Cần lưu ý thêm là những hành vi sai trái có thể diễn ra trong cả một chu trình, từ trồng trọt, chăn nuôi đến bảo quản, chế biến, lưu thông, tiêu dùng sản phẩm... Tất cả đều cần có chế tài xử lý đủ sức răn đe. Người trồng rau làm ẩu, đến người nuôi heo, nuôi gà cũng làm ẩu tương tự thì thì toàn xã hội sẽ ăn thực phẩm không an toàn. Tôi cho rằng, phải coi đây là hành vi hủy hoại sức khỏe, hủy hoại nòi giống. Đừng dễ dàng cho qua mà phải tố giác, vạch mặt chỉ tên những hành vi như vậy! Đó mới là thái độ sống có trách nhiệm với xã hội.
Theo tôi, một việc nữa quan trọng không kém là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng để lựa chọn sản phẩm sạch, bảo quản và sử dụng thực phẩm đúng cách.
Xin cảm ơn ông!
ANH THƯ thực hiện