Quốc hội đã thể hiện rất rõ tính dân chủ qua những đổi mới trong hoạt động bầu cử, giám sát, xây dựng pháp luật

Sáng nay 26-3, Quốc hội bắt đầu thảo luận tại hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Công tác xây dựng pháp luật được nhiều đại biểu quan tâm đánh giá, kiến nghị.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC
“Một số rất ít dự án luật vẫn thiếu tính liêm chính”

ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang), Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhận định khái quát: Quốc hội khoá XIV đã làm “tròn vai” trước nhân dân, với những quyết sách và kết quả đã được thể hiện trong các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ.

Đặt vấn đề “liêm chính trong xây dựng pháp luật”, ĐB Nguyễn Mai Bộ nhắc lại lưu ý mang tính mệnh lệnh của Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện và xây dựng pháp luật ngày 24-11-2020, theo đó “cần giữ được sự liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật”.

Quốc hội đã thể hiện rất rõ tính dân chủ qua những đổi mới trong hoạt động bầu cử, giám sát, xây dựng pháp luật ảnh 1 ĐB Nguyễn Mai Bộ - Đoàn An Giang. Ảnh: QUANG PHÚC

Cũng theo ĐB Nguyễn Mai Bộ, liêm chính trong ứng xử xã hội là tự tạo áp lực cho chính mình trong việc thực hiện các hành vi xã hội và là nguyên tắc cho mỗi chúng ta trở thành công dân tốt. Liêm chính trong xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật là một nguyên tắc tối cần thiết, vì pháp luật điều chỉnh chung các quan hệ xã hội và thúc đẩy các quan hệ xã hội phát triển lành mạnh, chứ không phải là công cụ để thể hiện lợi ích của một bộ phận nhỏ xã hội, nhất là bộ phận được giao soạn thảo luật.

“Đảm bảo tính liêm chính trong xây dựng pháp luật mới có được những văn bản khách quan toàn diện có ý nghĩa trong việc thúc đẩy quan hệ xã hội ngày càng tốt hơn; không, hoặc rất ít chồng chéo với các văn bản pháp luật đã được các khoá trước kỳ công ban hành: không quy định lợi ích thô thiển của bộ ngành, đặc biệt bộ ngành được giao soạn thảo dự án luật. Ngược lại, thiếu liêm chính trong soạn thảo, thẩm tra sẽ tạo ra những văn bản rất nhiều khuyết tật: mâu thuẫn, chồng chéo với các văn bản cũ, trở thành công cụ để cơ quan soạn thảo hoặc là hiện thực hoá lợi ích của bộ ngành mình trong đó có lợi ích xung đột với lợi ích của nhân dân, hoặc trở thành công cụ để “tiếm quyền” của bộ ngành khác. Thêm vào đó, vòng đời của các văn bản như thế rất ngắn, kéo theo Chính phủ, Quốc hội phải tốn kém thời gian, công sức, kinh phí ban hành văn bản thay thế” - ĐB Nguyễn Mai Bộ nói.

Nhìn nhận đa số văn bản luật trong khoá này đã được xây dựng một cách liêm chính, trở thành một phần của thể chế tốt đẹp thúc đẩy xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế, song ĐB Nguyễn Mai Bộ nhấn mạnh, có một số rất ít văn bản luật vẫn còn sự thiếu liêm chính, đặc biệt là sự thiếu liêm chính có chủ ý; nên hồ sơ dự án luật chất lượng rất thấp vẫn trình ra Quốc hội, làm Quốc hội rất mất thời gian để thảo luận. ĐB đề nghị Quốc hội và cơ quan soạn thảo có giải pháp để khởi động lại sự liêm chính trong xây dựng, thẩm tra pháp luật và nhắn gửi thế hệ kế nhiệm “luôn nghĩ đến sự liêm chính khi cho ý kiến về các dự án luật”.

Theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), thành công trong xây dựng công tác lập pháp là rất quan trọng, tuy nhiên còn tình trạng đề xuất chưa phù hợp, có dự án luật gây bức xúc trong dư luận. Một số trường hợp, công tác thẩm tra, thẩm định còn sơ hở, để “lọt lưới” các chính sách tồi.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng thẳng thắn cho rằng, năng lực xây dựng chính sách của một số ĐB chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn tình trạng “dĩ hòa vi quý bấm nút thông qua chứ chưa thể hiện trách nhiệm đầy đủ trước dân”. Trong công tác giám sát, chưa đặc biệt chú trọng đến hậu giám sát…

Quốc hội đã thể hiện rất rõ tính dân chủ qua những đổi mới trong hoạt động bầu cử, giám sát, xây dựng pháp luật ảnh 2 Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn Hà Nội

Có cùng yêu cầu ngăn chặn động cơ thiếu trong sáng trong xây dựng pháp luật, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) nhận định: “Nếu không lật đi lật lại, cân nhắc thật kỹ thì một số đạo luật có thể dẫn đến tham nhũng chính sách, đem lại lợi ích không chính đáng cho một bộ phận”.

ĐB dẫn chứng về việc thành lập các quỹ tài chính ngoài ngân sách trong nhiều đạo luật. ĐB Lưu Mai phát biểu: “Mặc dù Quốc hội đã có Nghị quyết đề nghị rà soát, loại bỏ các quỹ hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí rất lớn, song trong số 72 luật đã được Quốc hội thông qua trong nhiệm kỳ này, có khoảng ¼ vẫn quy định việc thành lập các quỹ tài chính ngoài ngân sách”.

Một số lĩnh vực tiềm tàng nguy cơ tham nhũng chính sách, theo ĐB, là quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, định giá, đấu giá đất, ưu đãi trong thực hiện các nghĩa vụ tài chính… ĐB Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Quốc hội nhiệm kỳ tới nên chú trọng công tác phân tích chính sách; lấy ý kiến người dân; nâng cao chất lượng hoạt động thẩm tra; phát huy trí tuệ, bản lĩnh đấu tranh và phản biện…

Bên cạnh đó, ĐB Vũ Thị Lưu Mai cũng quan tâm đến hoạt động lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội. Theo ĐB, hoạt động này đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, có cử tri vẫn còn băn khoăn, lo lắng, liệu có thực chất hay không và cử tri chờ đợi nhiều hơn thế. ĐB đề nghị trong nhiệm kỳ tới, QH nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 2 lần/nhiệm kỳ và cân nhắc các mức lấy phiếu tín nhiệm.

Khẳng định tính dân chủ, công khai, minh bạch

Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ĐB Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Cạn) thì nhấn mạnh, thông qua công tác giám sát, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã góp phần làm tăng tính công khai minh bạch của hoạt động tư pháp. “Nhiều báo cáo của các ngành tư pháp trước đây được đóng dấu “mật”, nhưng trong nhiệm kỳ này, đặc biệt là 3 năm trở lại đây đã được công khai; tạo điều kiện cho cử tri đánh giá khách quan hơn về lĩnh vực này; đồng thời tạo áp lực lành mạnh cho các cơ quan tư pháp hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình”.

Quốc hội đã thể hiện rất rõ tính dân chủ qua những đổi mới trong hoạt động bầu cử, giám sát, xây dựng pháp luật ảnh 3 Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn Hà Nội

Nêu nhiều bài học sâu sắc mà ông đã học được từ nhiệm kỳ Quốc hội này, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) khẳng định, Quốc hội đã góp phần tạo nên sự hoàn thiện, sự đồng bộ sâu sắc, một khối thống nhất cao độ giữa Đảng với Nhà nước, nhân dân và cử tri.

Quốc hội đã thể hiện rất rõ tính dân chủ qua những đổi mới, nâng cấp qua hoạt động bầu cử, giám sát, chất vấn, trong xây dựng luật và các hoạt động khác.

“Điều vui nhất của đại biểu Quốc hội như tôi chính là được tự do thể hiện chính kiến của mình mà không bị bất kỳ một sự hạn chế, cấm cản nào. Tại diễn đàn này, bất kỳ đại biểu Quốc hội nào đều có thể chất vấn Chính phủ dù ở bất cứ cương vị nào... Không những vậy mà khi chất vấn những ý kiến hay còn được biểu dương, ý kiến đúng còn được khen ngợi… Trong 5 năm qua không ít lần chúng ta chứng kiến những lần tranh luận nóng bỏng, cũng có những dự thảo luật, nghị quyết mặc dù đã được chuẩn bị chu đáo nhưng vẫn được các đại biểu Quốc hội tiếp tục phân tích, mổ xẻ đa chiều, có lý, có tình và thậm chí là không thông qua”, ông Nguyễn Anh Trí chia sẻ.

ĐB Nguyễn Anh Trí cũng bày tỏ mong muốn nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV sẽ tiếp thu những thành công của Khóa XIV để tiếp tục thành công hơn nữa để được nhân dân tin cậy hơn, việc tiếp xúc cử tri thực chất hơn, hiệu quả hơn.

Tin cùng chuyên mục