Quyết sách của Quốc hội đã đáp ứng niềm tin, sự mong đợi của nhân dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, cử tri mong muốn công tác hoàn thiện thể chế được tăng cường nhằm kiểm soát quyền lực tốt hơn, để “không thể, không muốn, không dám tham nhũng”.
Đó là những kiến nghị được cử tri quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng gửi đến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng tại cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 14-5.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Vũ Đình Thắng (phường Trần Nguyên Hãn) nhận định: "Các kỳ họp vừa qua của Quốc hội đã thành công rất tốt đẹp, trong đó có vai trò chủ trì, điều hành rất nghiêm túc, thẳng thắn, linh hoạt, hiệu quả, sâu sát của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; thể hiện tinh thần đổi mới trong hoạt động của Quốc hội", ông Vũ Đình Thắng nói. Theo cử tri, các nghị quyết và quyết sách của Quốc hội trong thời gian vừa qua đã đáp ứng được niềm tin, sự mong đợi của nhân dân, của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cử tri cũng nêu một số kiến nghị cụ thể liên quan đến công tác xây dựng pháp luật nói chung và hoàn thiện pháp luật về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nói riêng; đề nghị chấn chỉnh "căn bệnh" trầm kha về giải ngân đầu tư công chậm...
Cử tri Nguyễn Xuân Tùng (Trưởng phòng Kinh tế quận Lê Chân) kiến nghị Quốc hội xem xét sửa Luật Đấu thầu, nhằm điều chỉnh một số bất cập như: Yêu cầu tỷ lệ đặt cọc tương xứng so với giá trị hợp đồng để ngăn chặn tình trạng bỏ thầu; minh bạch trong quy trình công bố hồ sơ mời thầu, chào thầu trên mạng đấu thầu quốc gia để nhân dân có thể giám sát; bổ sung quy định, chế tài xử lý đối với các cơ quan có thẩm quyền buông lỏng kiểm tra trong triển khai, thực hiện, giám sát...
Trao đổi với cử tri, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới hơn nữa, tăng cường tính dân chủ, tính pháp quyền, tính chủ động từ sớm, từ xa và thích ứng linh hoạt với điều kiện thực tế. Chủ tịch Quốc hội nhất trí cần tăng cường kiểm soát quyền lực, chống lợi ích nhóm ngay từ khâu soạn thảo các dự án luật.
Cảm ơn cử tri quận Lê Chân đã đánh giá cao những kết quả toàn diện của đất nước thời gian qua, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm nay, Chủ tịch Quốc hội cho biết, có được những kết quả tích cực đó là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự phối hợp rất "đều tay", "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" và sự nỗ lực, chung sức đồng lòng của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp cả nước.
Theo Chủ tịch Quốc hội, "những kết quả đạt được cho chúng ta niềm tin để phấn đấu hoàn thành những mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra cho năm 2022, bảo đảm an ninh quốc phòng, nâng cao phúc lợi xã hội và an sinh xã hội cho nhân dân".
Người đứng đầu Quốc hội khẳng định, thời gian tới, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, bảo đảm “tuổi thọ” lâu dài của luật. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đảng đoàn Quốc hội đã rà soát, xây dựng và trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XV và đề án về định hướng chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XV.
Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kế hoạch chi tiết để chủ động triển khai thực hiện, có dự án đến năm 2025 mới trình Quốc hội xem xét nhưng hiện đã giao rõ cho các cơ quan chủ trì tiến hành nghiên cứu, soạn thảo. Cùng với đó, Trung ương đã chỉ đạo, triển khai xây dựng và đang khẩn trương hoàn thiện đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, trong đó có đề án “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.
"Đây là những giải pháp vừa ngắn hạn vừa dài hạn, căn cơ để nâng cao chất lượng của hệ thống pháp luật, nâng cao hơn nữa chất lượng luật pháp cả về hình thức thể hiện và nội dung, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và hiệu quả của hệ thống pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Liên quan đến sửa đổi Luật Đất đai, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vừa qua, Trung ương đã ban hành Nghị quyết về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Đảng đoàn Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bàn và nhất trí trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Đất đai theo đúng tinh thần Nghị quyết mới của Trung ương và có thể trình Quốc hội xem xét theo quy trình tại 3 kỳ họp. Trong quá trình đó, các cơ quan có liên quan phải xây dựng đồng bộ các nghị định hướng dẫn thi hành để luật sớm đi vào cuộc sống.
Chia sẻ băn khoăn, lo ngại của cử tri về việc đưa lịch sử thành môn học lựa chọn đối với bậc học THPT, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề nghị của cử tri quận Lê Chân về việc phải đổi mới cách thức dạy và học lịch sử nhằm bảo đảm “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.