(SGGPO). – Sáng nay, 28-11, 1 ngày trước khi bế mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13, Quốc hội đã họp phiên toàn thể thông qua Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi).
Sự kiện lịch sử của đất nước
Mở đầu phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khẳng định, bản dự thảo Hiến pháp hôm nay đã thể hiện được ý chí, lòng dân, được chuẩn bị công phu, thực sự là một bản Hiến pháp đáp ứng được yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Đây là kết quả làm việc tâm huyết của Quốc hội, đồng bào cả nước, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Mỗi vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đã làm việc hết sức mình, thảo luận nhiều phiên qua 3 kỳ họp với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, chắt lọc được tinh hoa trí tuệ của toàn dân vào bản dự thảo Hiến pháp thông qua lần này.
Kết quả, trong tổng số 488 ĐBQH, chiếm 97,99% tham gia biểu quyết, đã có 486 ĐBQH chiếm 97,59% tán thành thông qua Hiến pháp sửa đổi. Chỉ có 2 ĐBQH không biểu quyết. Không có ĐBQH không tán thành.
>> Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi)
Trước khi bấm nút thông qua, Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐBQH về Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp.
Báo cáo cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, từ năm 2011 đến nay, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp (Ủy ban DTSĐHP) đã tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội cho ý kiến. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 38 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 2-1-2013, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được công bố để lấy ý kiến nhân dân. Hoạt động này đã được các cấp, các ngành triển khai sâu rộng, nghiêm túc, thu hút được sự tham gia tích cực, tâm huyết của đông đảo các tầng lớp nhân dân và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, ý kiến của ĐBQH và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban DTSĐHP đã nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Tại kỳ họp này, các ĐBQH đã nghe Ủy ban DTSĐHP báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trên cơ sở ý kiến của nhân dân và của các ĐBQH, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ và tại hội trường.
“Sau mỗi phiên họp, chất lượng của Dự thảo được nâng lên, nhiều ý kiến hợp lý của ĐBQH đã được Ủy ban DTSĐHP tiếp thu, chỉnh lý và giải trình cụ thể”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết. Các ĐBQH đều tán thành với bố cục của Dự thảo Hiến pháp gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) và cho rằng, bố cục của Hiến pháp như vậy là hợp lý, chặt chẽ và khoa học, nội dung và kỹ thuật trình bày bảo đảm các quy định của Hiến pháp đúng tầm là đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài.
Không cần thiết phải quy định chi tiết về kinh tế nhà nước trong Hiến pháp
Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH về Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã làm rõ thêm một số vấn đề.
Cụ thể, về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (Điều 4), tuyệt đại đa số ý kiến đều tán thành quy định về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 của Dự thảo. Có ý kiến đề nghị quy định Đảng ta là Đảng cầm quyền, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội như đã thể hiện trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011). Ủy ban DTSĐHP cho rằng, Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 đã quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Trong điều kiện một đảng lãnh đạo thì quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội đã hàm nghĩa Đảng ta là đảng cầm quyền, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Quy định như Dự thảo là kế thừa quy định tại Điều 4 của Hiến pháp năm 1992, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta.
Tiếp thu ý kiến của nhân dân và ĐBQH, Dự thảo Hiến pháp đã bổ sung vào Điều 4 quy định về trách nhiệm của Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II), các ĐBQH đánh giá cao việc ghi nhận các quyền con người trong Dự thảo đã bao quát hầu hết các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Dự thảo đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992. Đồng thời, Dự thảo cũng đã bổ sung một số quyền mới là thành tựu của gần 30 năm đổi mới đất nước; thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị xác định rõ trường hợp nào việc thực hiện quyền theo quy định của luật, trường hợp nào theo quy định của pháp luật để tránh sự lạm dụng, vi phạm quyền công dân của các cơ quan công quyền; bảo đảm nguyên tắc quyền do Hiến pháp và luật quy định. Giải trình về điều này, Ủy ban DTSĐHP cho rằng, về nguyên tắc, quyền con người, quyền cơ bản của công dân khi đã được quy định trong Hiến pháp thì phải được tôn trọng và nghiêm chỉnh thi hành. Tuy nhiên, để thực hiện một số quyền có hiệu quả, thì pháp luật còn phải quy định về trình tự, thủ tục để ngăn ngừa sự lạm quyền từ phía các cơ quan nhà nước và tạo thuận lợi cho công dân. Vì thế, Ủy ban DTSĐHP đã rà soát kỹ các quy định này trong Dự thảo để thể hiện nhất quán và chặt chẽ hơn.
Về các thành phần kinh tế, đa số ý kiến tán thành với quy định như trong Dự thảo. Có ý kiến đề nghị bỏ quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” hoặc quy định cụ thể nội hàm của kinh tế nhà nước. Ủy ban DTSĐHP cho rằng, để bảo đảm định hướng XHCN của nền kinh tế nước ta thì việc quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là cần thiết, khẳng định vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước trong việc định hướng, điều tiết sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quy định như vậy không ảnh hưởng đến sự vận hành của nền kinh tế thị trường và vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế khác. Mặt khác, kinh tế nhà nước là một phạm trù rộng, bao gồm nhiều yếu tố, nguồn lực, trong đó doanh nghiệp nhà nước chỉ là một trong nhiều yếu tố đó. Do vậy, không cần thiết phải quy định chi tiết về kinh tế nhà nước trong Dự thảo. Việc xác định nội hàm kinh tế nhà nước sẽ được cụ thể trong các đạo luật liên quan.
Giữ quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội
Về thu hồi đất (Điều 54), đa số ý kiến đồng ý với quy định tại Điều 54 của Dự thảo. Đồng thời, có ý kiến đề nghị thể hiện rõ hơn yêu cầu Nhà nước chỉ thu hồi đất cho việc phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Về điều này, Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, để tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan, tùy tiện, Hiến pháp cần quy định việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội gắn trực tiếp với các mục tiêu vì lợi ích quốc gia, công cộng. Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị cho giữ quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nhưng thể hiện lại cho gắn kết với mục tiêu lợi ích quốc gia, công cộng như đã thể hiện tại khoản 3 Điều 54 của Dự thảo.
Về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (Điều 64), Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và là quyền cao quý của công dân; bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân. Nội hàm bảo vệ Tổ quốc rộng lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Dự thảo quy định khái quát “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân” tại Điều 64; còn những vấn đề về quốc phòng, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thì đã được quy định tại các điều 65, 66, 67, 68 và trong các nội dung khác của Dự thảo.
Giữ quy định về các đơn vị hành chính
Về chính quyền địa phương (Chương IX), đa số ý kiến ĐBQH tán thành với sự cần thiết phải đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới và cho rằng, Dự thảo Hiến pháp cần có những quy định khái quát về mô hình chính quyền địa phương làm cơ sở hiến định để xây dựng Luật tổ chức chính quyền địa phương sau khi Hiến pháp được ban hành.
Các ý kiến ĐBQH đều nhất trí việc tiếp tục kế thừa quy định của Hiến pháp hiện hành về các đơn vị hành chính nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, ổn định trong cấu trúc hành chính ở nước ta. Đồng thời đề nghị bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính tương đương với quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; có quy định nhằm khắc phục những hạn chế trong việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh đơn vị hành chính.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Dự thảo tiếp tục giữ quy định về các đơn vị hành chính tại Điều 118 của Hiến pháp năm 1992 nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và ổn định trong cả nước; bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính tương đương với quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bổ sung vào khoản 2 Điều 110 nội dung: “Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định”.
Về tổ chức chính quyền địa phương, Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, cần quy định khái quát theo hướng: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”. Việc tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cụ thể ở từng đơn vị hành chính sẽ được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương trên cơ sở tổng kết việc thực hiện chủ trương của Đảng thí điểm một số nội dung về tổ chức chính quyền đô thị và kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và các nguyên tắc phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương.
Giữ quy định “việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định”.
Về việc sửa đổi Hiến pháp (Điều 120), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân. Ý kiến khác đề nghị không quy định thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định trưng cầu ý dân về Hiến pháp. Giải trình về điều này, Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, thực tiễn ở Việt Nam nhân dân tham gia vào tất cả các công đoạn của quy trình lập hiến, từ việc tổng kết thi hành Hiến pháp đến việc xây dựng và tham gia ý kiến vào Dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội thông qua. Dự thảo Hiến pháp trước khi trình Quốc hội thông qua đã thể hiện ý chí và trí tuệ của nhân dân. Vì vậy, Hiến pháp đã giao Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân quyết định việc trưng cầu dân ý. Trưng cầu ý dân về Hiến pháp là việc hệ trọng nên cần phải được cân nhắc một cách toàn diện, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng giai đoạn phát triển của nước ta. Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho giữ quy định “việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định” để kết hợp giữa thẩm quyền của Quốc hội và chủ quyền của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp.
Phan Thảo
Quốc hội thông qua Nghị quyết về phát hành bổ sung 170.000 tỷ trái phiếu Chính phủ
(SGGPO).- Chiều 28-11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016.
Số trái phiếu bổ sung sẽ đầu tư cho bốn nhóm dự án, công trình, gồm: Các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên là 61.680 tỷ đồng; Các dự án dở dang đã có trong danh mục vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 – 2015, sau khi đã rà soát nhưng còn thiếu vốn là 73.230 tỷ đồng. Còn chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới là 15.000 tỷ đồng và vốn đối ứng cho các dự án sử dụng vốn vay ODA là 20.000 tỷ đồng.
Căn cứ vào tổng mức phát hành trung hạn đã được Quốc hội quyết định cho giai đoạn 2014 – 2016, Chính phủ thực hiện mức phát hành trái phiếu Chính phủ hàng năm theo tiến độ thực hiện các dự án, bảo đảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn trái phiếu này.
Quốc hội yêu cầu phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ đối với các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên phải được thực hiện theo danh mục và mức vốn phân bổ cho từng dự án cụ thể.
Với các dự án dang dở đã có trong danh mục vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012 – 2015 sau khi đã rà soát nhưng còn thiếu vốn, bố trí vốn theo thứ tự ưu tiên sau: Hoàn thành dứt điểm các dự án, công trình còn thiếu vốn dưới 100 tỷ đồng/dự án thuộc phần vốn trái phiếu Chính phủ. Các dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2013 nhưng còn thiếu vốn.
Phải bố trí đủ vốn theo tiến độ cho một số dự án, công trình quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của vùng, miền để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; các dự án, công trình dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2014 – 2015. Ngoài ra, Chính phủ cần bố trí cho một số dự án quan trọng thuộc tuyến Đường tuần tra biên giới giai đoạn 2.
Đối với Dự án luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu, Quốc hội giao Chính phủ chịu trách nhiệm đánh giá kỹ về tác động môi trường và hiệu quả của dự án; cắt, giảm các hạng mục chưa cần thiết, chỉ bố trí vốn cho giai đoạn 1 để dự án phát huy tác dụng thiết thực.
Trên cơ sở tổng mức vốn quy định và các nguyên tắc phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung, Chính phủ “khẩn trương xây dựng danh mục và phương án phân bổ vốn trung hạn ba năm 2014 – 2016 cho từng dự án, công trình, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước ngày 31/1/2014. Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục huy động các nguồn vốn khác để hoàn thành dự án, công trình được bố trí vốn và chịu trách nhiệm bố trí vốn cho phần điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng quy mô”.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, Quốc hội yêu cầu bố trí vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã theo đúng mục tiêu của chương trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; trong đó, ưu tiên tập trung cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo… Trên cơ sở tổng mức vốn quy định, Chính phủ thực hiện phân bổ vốn cho các xã bảo đảm đúng mục tiêu, mục đích và các nguyên tắc quy định.
Với các dự án sử dụng vốn ODA, chỉ bố trí vốn đối ứng cho các dự án hạ tầng kinh tế- xã hội theo Trung ương quản lý và hỗ trợ vốn đối ứng các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội cho các địa phương nghèo, còn phải nhận bổ sung cân đối ngân sách từ Trung ương theo đúng các tiêu chí, định mức hỗ trợ quy định. Quốc hội cũng yêu cầu, trên cơ sở tổng mức vốn quy định, Chính phủ thực hiện phân bổ vốn cho các dự án, công trình đảm bảo đúng các nguyên tắc quy định.
Anh Phương
| |
|