- Khẩn cấp di dời dân, phân tuyến giao thông
- Khôi phục QL 91 trong 3 ngày
Hiện nay QL 91, giáp với sông Hậu, đoạn đi qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú đã bị cắt đứt hoàn toàn. Đây là tuyến đường huyết mạch từ Cần Thơ đi biên giới Tây Nam, do vậy việc nối lại QL 91 đang được các ngành liên quan khẩn trương thực hiện.
Khẩn cấp di dời dân
Chiều 23-3, tại điểm sạt lở trên tuyến QL 91 giáp sông Hậu, đoạn đi qua xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, tiếp tục có nhiều vết nứt lớn trên mặt đường. Toàn bộ 70m chiều dài QL 91 (chiều ngang 11m) đã chìm dưới sông. Mặt trải nhựa còn lại của làn đường mới làm trơ ra, đất phía dưới bờ sông lõm vào tạo thành hàm ếch sâu hoắm. Sạt lở có thể tiếp tục xảy ra bất cứ lúc nào.
Hai bên đầu đoạn đường bị sạt lở, lực lượng chức năng đã phong tỏa, làm rào chắn ngăn không cho phương tiện và người qua lại. Hàng trăm công nhân thuộc Khu Quản lý đường bộ 7, dân quân tự vệ… được huy động giúp dân di dời nhà cửa.
Để đảm bảo an toàn, trên 100 hộ dân sinh sống trong phạm vi 370m dọc QL 91 và sâu vào bên trong 60m buộc phải di dời.
Ông Nguyễn Văn Thụ, một trong những hộ phải di dời cho biết: “Hôm trước, di dời một lần để làm thêm một làn đường, tôi mất nửa căn nhà, bữa nay thì mất hết đất. Cũng như anh Thụ, căn nhà mới cất chưa đầy 1 năm của anh Bùi Trung Tín cũng đang bị đập. Nhìn căn nhà đầy tiếc nuối, anh Tín nói: “Bao năm tích cóp cất được căn nhà khang trang để bán hủ tiếu, giờ phải đập bỏ, thật đau lòng. Giờ chỉ biết chờ địa phương mau chóng có phương án giúp đỡ”.
Ông Nguyễn Văn Tuội, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú cho biết: “Chúng tôi đã có 3 phương án di dời: thứ nhất là cho các hộ dân tự tái định cư, ngoài tiền bồi hoàn đất đai nhà cửa theo quy định, địa phương hỗ trợ mỗi hộ 40 triệu đồng; thứ hai sẽ đưa dân vào ở cụm tuyến dân ấp Bình Hòa, xã Bình Thủy hoặc bố trí dân tái định cư gần chợ Cây Dương, cách điểm sạt lở khoảng 500m. Sau khi làm giải tỏa xong, chúng tôi sẽ họp dân để chọn phương án nhiều người đồng tình nhất”.
Bắt buộc xe phải đi đường vòng
Tuyến QL 91 là tuyến đường huyết mạch để hành khách đi từ TPHCM, Cần Thơ, Kiên Giang, Long Xuyên lên các huyện, thị biên giới Tây Nam như Châu Đốc, Tịnh Biên, An Phú… Thời điểm này, mỗi ngày có hàng ngàn lượt ô tô, xe máy từ khắp nơi đổ về viếng Bà Chúa Xứ núi Sam, vì vậy, việc phân tuyến giao thông, tránh điểm sạt lở để đảm bảo đi lại thông suốt được thực hiện cấp bách.
Ông Lâm Minh Chiếu, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Tỉnh chỉ đạo cho các ngành chức năng tiến hành phân tuyến lưu thông, hướng dẫn cho xe cộ đi lại tránh đoạn sạt lở trên. Toàn bộ xe đi lên hướng Châu Đốc, Tịnh Biên sẽ đi theo tuyến lộ tẻ Tri Tôn, theo tỉnh lộ 941 về thị Tri Tôn rồi vòng lại Tịnh Biên ngược về Châu Đốc. Trường hợp xe ô tô nhỏ có thể đi đường cũ qua phà Năng Gù, đi hướng Phú Tân - Tân Châu rồi qua phà Châu Giang sang Châu Đốc”.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GTVT An Giang đã bố trí lực lượng phối hợp với CSGT lập chốt điều tiết giao thông ở ngay ngã ba lộ tẻ Tri Tôn (cách TP Long Xuyên khoảng 15km) để hướng dẫn cho xe ô tô đi Châu Đốc, Tịnh Biên, An Phú theo tỉnh lộ 941. Ước tính đi theo tuyến đường này, xe đi Châu Đốc sẽ phải đi xa hơn gần 50km so với đi theo tuyến QL 91 như trước đây.
Không chỉ khó khăn vì chi phí cao, việc chạy theo tỉnh lộ 941 còn rất nguy hiểm. Mặt lộ rất hẹp, trong khi lưu lượng xe dồn về quá đông. Trên tuyến tỉnh lộ này còn có nhiều cây cầu đang xuống cấp trầm trọng như cầu số 3, số 6, số 16, trọng tải chỉ còn khoảng 8 – 10 tấn.
Về việc đảm bảo an toàn cho xe lưu thông trên tuyến tỉnh lộ này, ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Sở GTVT tỉnh An Giang, cho biết: “Không có lựa chọn nào khác, chúng tôi buộc phải phân luồng cho xe ô tô chạy theo tuyến tỉnh lộ này. Để đảm bảo an toàn, thông suốt, chúng tôi đã huy động toàn bộ lực lượng thanh tra giao thông, phối hợp với CSGT lập các chốt kiểm soát ở dọc tuyến tỉnh lộ. Riêng đối với những cây cầu yếu sẽ có chốt chặn, nếu xe khách vượt trọng tải sẽ yêu cầu hành khách xuống xe để xe chạy qua, xe tải thì phải chấp nhận tăng bo hàng qua cầu”.
3 ngày để nối QL 91
Tại cuộc họp giữa UBND tỉnh An Giang, Khu Quản lý đường bộ 7 và các ngành chức năng diễn ra vào chiều 23-3, các bên đều thống nhất cố gắng hoàn thành việc giải phóng mặt bằng làm tuyến đường vòng qua khu vực sạt lở nối lại tuyến QL 91 vào ngày 26-3 tới.
Đã có 2 phương án được đưa ra. Trước mắt, Khu Quản lý đường bộ 7 dự định thi công khẩn cấp một cây cầu sắt có chiều dài khoảng 180m để giải quyết xe thô sơ, xe nhỏ qua lại khu vực này. Tuy nhiên, theo khảo sát của Sở TN-MT tỉnh An Giang thì phương án này khó khả thi bởi hiện nay có khoảng 400m bờ sông gần khu vực sạt lở có thể tuột xuống sông bất cứ lúc nào. Do vậy việc dựng cầu sắt tạm để giải quyết đi lại là không an toàn. Phương án duy nhất lúc này là giải tỏa nhà dân làm đường vòng vào sâu bên trong phạm vi khoảng 60m từ bờ sông trở vào với tổng chiều dài khoảng 40m nối vào hai đầu quốc lộ bị đứt.
Theo các ngành chức năng, nguyên nhân sạt lở là có 3 hố xoáy lớn sâu trên từ 18 - 20m dưới lòng sông Hậu đoạn tiếp giáp với QL 91 đang lấn sát vào bờ. Về lâu dài phải kè kiên cố toàn bộ đoạn đường bị sạt lở trên. Việc lấp hố xoáy sẽ giao cho Sở TN-MT khảo sát lấy cát ở một điểm gần đó nhưng không ảnh hưởng đến dòng chảy.
Hiện Khu Quản lý đường bộ 7 đang tiến hành đo đạc và giúp dân di dời nhà cửa ra khỏi khu vực giải tỏa để làm đường. Ông Nguyễn Thuận Phương, Tổng Giám đốc Khu Quản lý đường bộ 7, cho biết: “Chúng tôi đang khẩn trương thi công để nhanh chóng hoàn thành đoạn đường vòng này. Riêng đối với đoạn bờ sông bị lở, hiện rất sâu, việc đóng cọc sắt, thả rọ đá vẫn không giữ nổi đất, nên chúng tôi sẽ phối hợp cùng Sở TN-MT khảo sát kỹ rồi tiến hành gia cố kỹ hơn”.
Nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng tại Hồng Ngự (Đồng Tháp) Tại xã Long Thuận (Hồng Ngự, Đồng Tháp), tình trạng sạt lở đang hết sức phức tạp. Sau khi bờ sông bị sạt lở nhiều đoạn dài hàng trăm mét vào đầu tháng 3-2010, đến nay vết nứt đất dài trên 300m, ăn sâu vào đất liền khoảng 20m tiếp tục đe dọa tính mạng người dân. Trước tình hình trên, UBND xã Long Thuận đã di dời khẩn cấp 30 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Theo ông Nguyễn Trạng Sư, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hồng Ngự, sạt lở đang lan rộng từ Long Thuận sang Long Khánh A, Thường Phước 1, Phú Thuận B… Khảo sát mới đây cho thấy nhiều đoạn sông trên địa bàn huyện xuất hiện hàm ếch xoáy sâu vào đất liền, có nơi bờ sông thẳng đứng, chỉ cần một lực tác động mạnh trên bề mặt là lập tức bị lở ngay. |
Đình Tuyển
- Thông tin liên quan:
- Sạt lở nghiêm trọng ở An Giang: Mặt đường quốc lộ 91 chỉ còn… 1m