Quy định kiến trúc trên tuyến đường Lũy Bán Bích: Quyết định hợp lòng dân

Đột phá

“Quyết định quản lý kiến trúc đô thị trên đường Lũy Bán Bích không vi phạm trình tự, thẩm quyền” - đó là khẳng định mới nhất của Sở Tư pháp TPHCM về tính pháp lý của Quyết định 07 do UBND quận Tân Phú ban hành quy định về quản lý kiến trúc đô thị trên tuyến đường Lũy Bán Bích. Như vậy, sự lấn cấn về một quyết định nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng (CPXD) sau một thời gian dài đã được tháo gỡ.

Đột phá

Ngày 5-11-2009, UBND quận Tân Phú ban hành QĐ 07 quy định về quản lý kiến trúc đô thị trên tuyến đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TPHCM. Theo một lãnh đạo quận Tân Phú, rút kinh nghiệm về bộ mặt kiến trúc tạp nham trên một số tuyến đường như Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đại lộ Đông Tây có nhà xây xong rồi mới bắt đầu làm thiết kế đô thị khiến trật tự đô thị hết sức ngổn ngang. Quyết định này không chỉ tạo thuận lợi cho người dân mà còn nhằm mục đích hướng dẫn việc quản lý đầu tư xây dựng cải tạo, tôn tạo, bảo vệ và sử dụng các công trình, cảnh quan; đồng thời chấn chỉnh trật tự đô thị trên trục đường Lũy Bán Bích.

QĐ 07 được coi là một quyết định mang tính đột phá trong công tác CPXD và hợp lòng dân vì đã đơn giản hóa thủ tục, chủ động làm giấy phép xây dựng cho người dân để xây dựng, cải tạo lại nhà ở của mình khi Nhà nước giải phóng mặt bằng thực hiện dự án mở rộng đường. Thế nhưng khi thực hiện, quyết định này vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về tính pháp lý. Trong đó, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã “thổi còi” vì cho rằng cách làm của quận Tân Phú chưa đúng trình tự và thẩm quyền.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, QĐ 07 là một quy chế quản lý kiến trúc đô thị cấp II mà theo quy định thì phải thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND TP. Sở này cũng cho rằng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm thực hiện chủ trương cải cách hành chính là cần thiết nhưng phải được thực hiện phù hợp quy định pháp luật. Trong trường hợp cần thiết có thể kiến nghị và khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện thì mới được triển khai thực hiện… Ngoài ra, thêm một lấn cấn nữa là việc quận Tân Phú cấp chứng chỉ xây dựng (CCXD) thay cho giấy phép xây dựng (GPXD) nên các cơ quan chức năng không biết quản lý theo GPXD như thế nào và cấp giấy chủ quyền ra sao vì không có quy định cấp CCXD…

Được giao xác định tính pháp lý của quyết định này, sau khi lấy ý kiến của các sở - ngành, ngày 22-3, Sở Tư pháp TP đã có văn bản báo cáo UBND TPHCM. Theo Sở Tư pháp, căn cứ vào Thông tư 08 của Bộ Xây dựng, Quy chế quản lý kiến trúc đô thị cấp II quy định về tính chất công trình kiến trúc được phép xây dựng, khoảng lùi của công trình, các phần đưa ra ngoài công trình; thống nhất độ nhô và chiều cao của các ban công, ô văng của các dãy nhà liền kề trên từng đoạn phố, chiều cao công trình, kích thước lô đất… Điều này có nghĩa là các yêu cầu về kiến trúc trong một quy chế cấp II là cố định, chủ đầu tư phải thực hiện đúng các yêu cầu này.

Trong khi đó, QĐ 07 có đối tượng điều chỉnh chủ yếu là nhà phố liên kế mặt đường dọc theo trục đường Lũy Bán Bích được cải tạo xây dựng mới sau khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án mở rộng đường. Từ đó, Sở Tư pháp đã khẳng định các quy định ban hành kèm theo QĐ 07 chưa phải là một quy chế cấp II nên QĐ 07 không vi phạm trình tự, thẩm quyền như ý kiến của Sở Quy hoạch - Kiến trúc. Sở Tư pháp cũng nhất trí với Sở Xây dựng là quận Tân Phú phải cấp GPXD thay cho CCXD.

Cấp phép xây dựng kèm theo bản vẽ

Theo ông Phan Tấn Lực, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú, hiện quận đã bỏ CCXD để cấp GPXD theo ý kiến của Sở Xây dựng. Đối với khoảng 100 trường hợp trước đây đã được cấp CCXD, quận cũng đã cấp GPXD cho người dân có cơ sở để được hoàn công. “Khi CPXD cho người dân trên trục đường này, quận cũng kèm theo bản vẽ thiết kế quy định về khoảng lùi, tầng cao, màu sắc… nhằm tạo sự đồng bộ về mặt kiến trúc, cảnh quan dọc tuyến đường Lũy Bán Bích” - ông Lực cho biết thêm. Đến nay, có khoảng gần 200 trường hợp đã được CPXD trên tuyến đường này.

Tuy nhiên, theo Sở Tư pháp, về bản vẽ thiết kế mẫu với các yêu cầu thống nhất về tầng cao, độ cao công trình, chủng loại, thương hiệu vật liệu, màu sắc công trình… để yêu cầu chủ đầu tư thực hiện thì không thể ban hành quy định bắt buộc người dân phải chấp hành mà chỉ có thể khuyến cáo, vận động thuyết phục, tạo sự đồng thuận của người dân. “Việc người dân không thực hiện đúng các yêu cầu theo bản vẽ thiết kế mẫu thì không thể xem là sai GPXD” - Sở Tư pháp nêu rõ.

Báo cáo với UBND TP, Sở Tư pháp thống nhất quan điểm tiếp tục để quận Tân Phú thực hiện phương thức chủ động cấp GPXD, bản vẽ thiết kế cho người dân khi bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án mở rộng đường. Tuy nhiên cần sửa đổi, bổ sung QĐ 07 cho phù hợp pháp luật. Cụ thể, không sử dụng tên gọi “Quy định về quản lý kiến trúc đô thị” vì nội dung chỉ là quy định chi tiết, hướng dẫn về kiến trúc nhà liên kế trong khu vực giải tỏa, chỉnh trang đô thị.

Về phạm vi điều chỉnh, quận Tân Phú cần xác định cụ thể loại công trình nào trong khu vực này chịu sự điều chỉnh của quy định này.

Ngoài ra, quận Tân Phú cần đưa vào quy định về thủ tục cấp GPXD và bản vẽ thiết kế cho người dân, trong đó khuyến cáo, tạo sự đồng thuận của người dân thực hiện đúng yêu cầu của bản vẽ thiết kế mẫu để tạo sự đồng bộ về cảnh quan đô thị.

Sở Tư pháp cũng yêu cầu quận Tân Phú loại bỏ các quy định về thương hiệu vật liệu cần sử dụng trong bản vẽ thiết kế mẫu.

Hạnh Nhung

Tin cùng chuyên mục