Lâu nay, phần đông người tiêu dùng (NTD) chưa hiểu hết các quy định pháp luật liên quan để có thể tự bảo vệ mình. Để hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình, trước hết, NTD cần phải hiểu rõ mình là ai, có vai trò gì trong quy trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng.
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010, NTD là người mua, sử dụng hàng hóa cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức. Những cá nhân, tổ chức mua, sử dụng hàng hóa không nhằm mục đích tiêu dùng, sinh hoạt, mà để kiếm lợi thì không phải là NTD, họ là người bán hàng, nếu họ trực tiếp tạo ra sản phẩm thì họ có vai trò là người sản xuất. Như vậy, từ sản xuất đến tiêu dùng, xuất hiện ít nhất 3 tư cách, vai trò là người sản xuất, người bán hàng và NTD. Để nhận diện một cá nhân, tổ chức có phải là NTD hay không, phải căn cứ vào mục đích mua và sử dụng hàng hóa là để tiêu dùng và sinh hoạt.
Trường hợp gặp sản phẩm bị lỗi hoặc có thiệt hại cần được bồi thường, NTD sẽ gặp ai? Khi gặp sản phẩm bị lỗi, thông thường NTD nghĩ ngay đến người sản xuất hàng hóa đó, điều này dễ hiểu vì thông tin của người sản xuất được thể hiện trên nhãn, bao bì sản phẩm nên NTD dễ dàng biết họ là ai. Tuy nhiên, trong những trường hợp này có thể NTD đã bỏ sót người cũng có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm là người bán hàng. Ngoài ra, cũng có trường hợp cả NTD không thực hiện đúng điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo hướng dẫn của người sản xuất hoặc người bán hàng, dẫn đến sản phẩm bị lỗi. Do đó, NTD cần hiểu rõ trách nhiệm của người sản xuất, người bán hàng và của chính mình, để khi gặp sản phẩm bị lỗi, quyền lợi bị vi phạm thì sẽ lựa chọn cách thức phù hợp để bảo vệ mình.
Theo quy định Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010, Luật An toàn thực phẩm 2010 và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007, người sản xuất và người bán hàng đều có nghĩa vụ cung cấp thông tin sản phẩm, cách bảo quản và sử dụng sản phẩm để bảo đảm chất lượng sản xuất. Cụ thể: Người sản xuất và người bán hàng đều có nghĩa vụ cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà NTD đã mua, sử dụng (điều 12, 14, 20 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010 và khoản 2 Điều 7, khoản 2 Điều 8 Luật An toàn thực phẩm 2010). NTD có quyền yêu cầu người sản xuất và người bán hàng cung cấp những thông tin này để quyết định việc mua và sử dụng hàng hóa và dịch vụ (Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010, Điều 17 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007).
Trong việc vận chuyển, lưu giữ và bảo quản, người sản xuất và người bán hàng có nghĩa vụ sử dụng các biện pháp để đảm bảo và duy trì chất lượng sản phẩm trước khi đến tay NTD theo điều 10 và 16 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007. Đây là giai đoạn quan trọng giúp cho sản phẩm được bảo đảm chất lượng và an toàn đối với NTD. Tuy nhiên, sản phẩm mua về chưa được sử dụng liền, NTD cũng phải áp dụng các phương pháp bảo quản sản phẩm theo hướng dẫn của người sản xuất hoặc người bán hàng. Khi NTD sử dụng hàng hóa theo đúng hướng dẫn nhưng hàng hóa vẫn bị lỗi trong thời gian bảo hành, người sản xuất và người bán hàng có trách nhiệm bảo hành sản phẩm cho NTD, bằng cách đổi sản phẩm mới tương tự, hoặc thu hồi sản phẩm và trả lại tiền cho NTD trong trường hợp hết thời gian thực hiện bảo hành mà không sửa chữa được hoặc không khắc phục được lỗi. Việc đổi sản phẩm mới tương tự, hoặc thu hồi sản phẩm và trả lại tiền cho NTD cũng áp dụng trong trường hợp đã thực hiện bảo hành sản phẩm từ 3 lần trở lên trong thời hạn bảo hành mà vẫn không khắc phục được lỗi (Điều 21 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010).
Bên cạnh đó, trong thời gian bảo hành, NTD có quyền yêu cầu người sản xuất và người bán hàng cung cấp cho NTD sản phẩm tương tự để sử dụng tạm thời và chịu chi phí sửa chữa, vận chuyển sản phẩm đến nơi bảo hành và từ nơi bảo hành đến nơi cư trú của NTD. Đối với trường hợp NTD sử dụng hàng hóa không đảm bảo chất lượng bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe thì người sản xuất, người bán hàng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho NTD do lỗi của mình gây ra, tùy theo nguyên nhân và mức độ lỗi mà người sản xuất và người bán hàng phải liên đới bồi thường cho NTD tương ứng với thiệt hại xảy ra. Ngoài ra, đối với hàng hóa khuyết tật, người sản xuất và người bán hàng phải bồi thường cho NTD ngay cả khi doanh nghiệp đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật. Hàng hóa khuyết tật trong trường hợp này là hàng hóa không bảo đảm an toàn cho NTD, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD, kể cả trường hợp hàng hóa đó được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng chưa phát hiện được khuyết tật tại thời điểm hàng hóa được cung cấp cho NTD.
Luật sư PHAN VŨ TUẤN
(Văn phòng luật sư PHANS)