Nhãn hàng hóa khác với nhãn hiệu. Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau, là một đối tượng được bảo hộ bởi Luật Sở hữu trí tuệ. Còn nhãn hàng hóa là “bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa, hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa” (Nghị định 43/2017/NĐ-CP).
Tức là nhãn hàng hóa không cần đáp ứng tiêu chí phân biệt như nhãn hiệu. Nó chỉ cần ghi đủ thông tin theo pháp luật yêu cầu nhằm cung cấp thông tin đến người tiêu dùng, để người tiêu dùng có thể hình dung về sản phẩm mình định mua.
Những thông tin pháp luật bắt buộc phải được thể hiện trên nhãn hàng hóa bao gồm: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa; các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định tại Phụ lục I của Nghị định 43.
Vì nhãn hàng hóa mang nhiều yếu tố thông tin quan trọng đến người dùng nên pháp luật yêu cầu tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa. Ngay cả khi các đơn vị này yêu cầu một đơn vị khác ghi nhãn thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa đó. Quy định này nhằm ràng buộc trách nhiệm của đơn vị đối với hàng hóa do mình sản xuất.
Nếu đơn vị nào cố tình vi phạm các quy định về nhãn hàng hóa sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Các hành vi vi phạm có thể kể đến là: Hàng hóa có nhãn hàng hóa nhưng bị che lấp, rách nát, mờ không đọc được, hoặc không đọc được hết các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa; kinh doanh hàng hóa có nhãn - kể cả nhãn gốc hoặc nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu - bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa; kinh doanh hàng hóa trên nhãn có các thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa đó; nhãn hàng hóa thể hiện những hình ảnh, nội dung liên quan đến tranh chấp chủ quyền và các nội dung nhạy cảm khác có thể gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ ngoại giao và thuần phong mỹ tục của Việt Nam… Nội dung cụ thể của các hành vi này được quy định tại Mục 3 của Nghị định 119/2017.
Mức phạt tiền tối đa cho các hành vi vi phạm các quy định về ghi nhãn mác hàng hóa là 100 triệu đồng. Ngoài phạt tiền, các đơn vị vi phạm còn bị phạt bổ sung như: tịch thu tang vật vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề 1 - 3 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. Trong một số trường hợp, cơ quan chức năng có thể áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, hoặc buộc tiêu hủy hàng hóa có nhãn vi phạm.