Quy hoạch nhân lực Đồng bằng sông Hồng 10 năm tới

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Nam Định vừa tổ chức Hội nghị Quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) giai đoạn 2011-2020. Đây là hoạt động trong chương trình rà soát, góp ý và xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực cho các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành cả nước.
Quy hoạch nhân lực Đồng bằng sông Hồng 10 năm tới

Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Nam Định vừa tổ chức Hội nghị Quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) giai đoạn 2011-2020. Đây là hoạt động trong chương trình rà soát, góp ý và xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực cho các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành cả nước.

Đồng bằng sông Hồng là trung tâm giáo dục và đào tạo nòng cốt của cả nước, vì vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, trường dạy nghề để phân bổ hợp lý giữa các địa phương trong vùng. Chính vì vậy, Hội nghị được tổ chức nhằm tiếp thu ý kiến, chia sẻ phương pháp giữa các địa phương ĐBSH, từ đó xây dựng quy hoạch nhân lực của toàn khu vực cho giai đoạn 10 năm tới. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Quy hoạch nhân lực Đồng bằng sông Hồng 10 năm tới ảnh 1

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP

  • Bức tranh lao động ĐBSH

Vùng ĐBSH bao gồm 11 tỉnh và thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh. Diện tích tự nhiên là 14.862 km² (chiếm 4,5% diện tích cả nước), có dân số đông nhất cả nước với 19,6 triệu người (chiếm 22,8% cả nước). Toàn vùng có khoảng 10,7 triệu lao động đang làm việc, 85% con số này ở trong độ tuổi khoảng 15-44. Mật độ dân số 1.238 người/km².

Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng, là trung tâm đầu não chính trị của cả nước, là địa chỉ của nhiều cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đặc biệt của quốc gia.

Khu vực ĐBSH cũng là nơi có tỷ lệ người lao động đã qua đào tạo cao nhất cả nước chiếm 18,8% (trung bình cả nước là 14,9%). Theo đó, lao động có bằng sơ cấp chiếm 3,2%, trung cấp là 926.484 người (chiếm 6,5%), cao đẳng là 316.209 người (chiếm 2,2%) và lao động có bằng đại học trở lên là 967.316 người (chiếm tỷ lệ 6,8%).

Vùng ĐBSH còn tập trung số lượng các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng cao nhất cả nước, lên tới 140 trường (36,26% cả nước), bình quân có 14 trường cao đẳng, đại học/1 tỉnh (cao gấp 2 lần mức bình quân cả nước). Vì vậy, đội ngũ giảng viên cơ hữu, các GS, PGS, Tiến sĩ cũng tập trung đông nhất tại khu vực này.

Vùng ĐBSH có quy mô GDP khoảng 20,2 tỷ USD (2008), chiếm 22,6% cả nước, đứng thứ 2 toàn quốc sau vùng Đông Nam bộ.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, cơ cấu lao động tại khu vực vẫn xuất hiện nhiều bất cập, trong đó nổi lên rõ nhất là nhân lực đã qua đào tạo cho khối nông, lâm, ngư nghiệp chỉ chiếm 1,87%, trong khi nhân lực khối tài chính – ngân hàng có tỷ lệ tới 36,76%.

Việc mất cân đối trong cơ cấu nhân lực này được các đại biểu dự Hội nghị đánh giá là do quy hoạch thiếu hợp lý, chưa phù hợp với đặc thù là vựa lúa lớn thứ 2 của đất nước. 

  • Phấn đấu 5 sinh viên/100 dân

Một số giải pháp cụ thể được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại Hội nghị là sắp xếp, phát triển mạng lưới trung tâm giới thiệu việc làm theo quy hoạch, phát triển mạnh các hoạt động thông tin thị trường lao động. Củng cố các cơ sở dạy nghề để chủ động cung cấp nhân lực cho việc phát triển mạnh các ngành kinh tế biển và xuất khẩu lao động.

Bên cạnh đó, cần nắm chắc cung - cầu lao động để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu lao động cho các doanh nghiệp, gắn cung - cầu lao động của vùng với vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc và xuất khẩu lao động.

Phấn đấu đưa tỷ lệ số sinh viên đại học, cao đẳng là 5 sinh viên/100 dân, lao động đã qua đào tạo của vùng ĐBSH đến năm 2015 đạt 50%, năm 2020 là 60%, đưa tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống 3,5%-4%.

  • Công thức 4 sẵn sàng

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, ĐBSH là trung tâm giáo dục và đào tạo nòng cốt của cả nước, vì vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu, các trường nghề để phân bổ hợp lý giữa các địa phương trong vùng.

Theo Phó Thủ tướng, các tỉnh ĐBSH không nên thành lập mới các trường đại học trong địa bàn tỉnh mình, mà cần sắp xếp chính các trường tại địa phương sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của từng tỉnh. Phát triển theo hướng mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hiện có để đáp ứng nhu cầu nhân lực từng tỉnh và phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của mỗi địa phương.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đưa ra nguyên tắc "4 sẵn sàng" để phát triển kinh tế tại ĐBSH. Đó là sẵn sàng quy hoạch về kinh tế xã hội, sẵn sàng về đất đai, sẵn sàng về nhân lực và sẵn sàng giúp đỡ doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, đánh giá lại các trường đại học chuyên đào tạo nông, lâm nghiệp. Một số tỉnh thuộc ĐBSH cần chuẩn bị căn cơ hơn để năm 2011 sẵn sàng bản quy hoạch nguồn nhân lực của mình trong 10 năm tới.

Theo VGP 

Tin cùng chuyên mục