Quy trình và đột biến

Thời gian gần đây, qua báo chí, rộ lên chuyện đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Dư luận đòi hỏi phải công khai, minh bạch các trường hợp sử dụng cán bộ một cách đột biến. Trước áp lực công luận, các cơ quan chức năng đã vào cuộc. Một số trường hợp đã được giải trình, kiểm tra, thanh tra và kết luận. Nhưng nhìn chung mọi người chưa thật sự thỏa mãn với các kết luận và xử lý ấy.

Xét về lý luận, ai cũng rõ, con người là trung tâm của mọi hoạt động xã hội; vừa là chủ thể, vừa là nhân tố cải tạo xã hội. Từ vị trí đặc biệt quan trọng ấy, ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng và dựng nước, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Sau này, theo chủ trương và đường lối đó, mỗi thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Theo quan điểm của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ cách mạng phải vừa hồng vừa chuyên. Có thể hiểu rằng, phải có đức và có tài. Trong đó, cái đức đặc biệt chú trọng. “Cái tâm bằng ba cái tài” là thế!

Trong quá trình cách mạng, cùng với sự phát triển không ngừng của mọi mặt đời sống xã hội, việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ được Đảng và Nhà nước ta tiến hành một cách bài bản, căn cơ. Cán bộ các cấp phải kinh qua hoạt động thực tiễn, phải được đào tạo, rèn luyện và thử thách trong môi trường khắc nghiệt. Cứ mỗi lần cất nhắc, bổ nhiệm vào cương vị mới, người được bổ nhiệm phải qua thực tiễn, phải được học tập và được sự tín nhiệm của cơ quan nơi công tác và nhân dân nơi cư trú.

Việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ có quy trình, lộ trình như thế, nhưng tại sao nơi này nơi khác vẫn xuất hiện việc sử dụng cán bộ bất thường, đột biến, khiến khiếu kiện, tố giác, tạo dư luận xấu? Có nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, việc bố trí và sử dụng cán bộ chưa thực sự công tâm, minh bạch. Còn nặng tính cá nhân, nhóm lợi ích. Thực tế qua kiểm tra, ở đâu cũng nói đúng quy trình, được tập thể Thường trực, Thường vụ, Ban chấp hành nhất trí. Nhưng phải xem kỹ, các trường hợp đột biến ấy là ai? Nếu không phải diện 5C (xin lỗi - trừ các đồng chí “con nhà nòi cách mạng” được học tập, rèn luyện, thử thách, xứng đáng với công việc được giao) hoặc người của nhóm lợi ích, phục vụ cho mục đích lâu dài của nhóm người đang nắm quyền lực, sắp “hoàng hôn nhiệm kỳ”.

Thứ hai, do mục đích tham nhũng, người đứng đầu tổ chức Đảng, chính quyền đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, bổ nhiệm cán bộ để vụ lợi, tạo lợi ích nhóm trước khi nghỉ hưu. Qua giải trình, ai cũng bảo, làm đúng quy trình, do nhu cầu của nhiệm vụ (?!). Nhưng cái quy trình ấy đã được hình thành như thế nào, có được thảo luận, thông qua trong tập thể theo đúng quy định của điều lệ Đảng, văn bản quy phạm pháp luật không?

Từ tình hình trên, nhân học tập, quán triệt và kiểm điểm việc thực hiện các nghị quyết Trung ương về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, cần làm tốt một số việc sau:

Thứ nhất, cần chỉ đạo nghiêm túc, quyết liệt, minh bạch các trường hợp tập thể cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu đang có dấu hiệu vi phạm điều lệ Đảng và pháp luật nhà nước, đặc biệt trong tham nhũng và sử dụng cán bộ. Kịp thời công khai các hình thức xử lý những người vi phạm. Đưa ngay những người không đúng tiêu chuẩn ra khỏi chức vụ, ra khỏi bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể.

Thứ hai, phát huy dân chủ, tạo mọi điều kiện và có cơ chế bảo vệ để người dân nơi cư trú, cán bộ, công nhân viên chức nơi công tác phát hiện, tố giác những người có dấu hiện vi phạm, giàu có, thăng tiến đột biến. Đồng thời, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí vào cuộc, kịp thời phát hiện, phanh phui các hiện tượng tiêu cực.

Thứ ba, các tổ chức Đảng, Nhà nước, đặc biệt các cơ quan tham mưu, chuyên trách về công tác cán bộ, phòng chống tham nhũng cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, chỗ nào không còn phù hợp, sửa đổi ngay, tránh sự lạm dụng, vận dụng với mục đích xấu, gây hậu quả nghiêm trọng.

Quy trình và đột biến là 2 phạm trù khác biệt, dễ bị “vận dụng”, lạm dụng vì mục đích cá nhân, tiêu cực, cần được kiểm tra thường xuyên và xử lý quyết liệt!


TRẦN THẾ TUYỂN

Tin cùng chuyên mục