Sáng 5-8, tại TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk, Bộ TN-MT đã tổ chức hội nghị công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpốk và Sê San. Quy trình vận hành này đã nâng trách nhiệm của chủ hồ chứa và tăng quyền điều hành cho các địa phương liên quan trong việc cắt lũ, cung cấp nước tưới cho hạ du các hồ thủy điện.
Thời tiết bất thường, địa phương vận hành
Trong những năm qua, rất nhiều thủy điện được xây dựng trên sông Srêpốk (chảy qua địa phận các tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông) và sông Sê San (chảy qua địa phận các tỉnh Gia Lai - Kon Tum). Sự phát triển ồ ạt của thủy điện trên hai con sông này cũng là một phần nguyên nhân gây ra lũ lụt, hạn hán khắc nghiệt cho vùng hạ du.
Vì thế, việc Chính phủ ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Srêpốk và Sê San có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường cho khu vực Tây Nguyên.
Theo ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước của Bộ TN-MT, 2 quy trình này có hiệu lực từ ngày 15-8-2014 với thứ tự ưu tiên như sau: Bảo đảm an toàn công trình, cắt giảm lũ cho hạ du, bảo đảm hiệu quả phát điện. Đối với mùa lũ, nguyên tắc vận hành các hồ chứa thủy điện không gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân ở hạ du. Chủ hồ chỉ được quyết định vận hành trong điều kiện thời tiết bình thường, nhưng phải khống chế mực nước hồ không được vượt quá mực nước cao nhất trước lũ.
Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (CHPCTT-TKCN) các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Kon Tum quyết định việc vận hành các hồ khi dự báo có khả năng xuất hiện mưa lũ. Trong khi đó, các hồ phải dành dung tích cố định đón lũ và thực hiện chế độ vận hành giảm lũ khi ở hạ du xuất hiện lũ tương đối lớn, đạt ngưỡng quy định tại các trạm thủy văn Kon P’long (Kon Tum), Đức Xuyên (Đắk Nông) và Bản Đôn (Đắk Lắk).
Về mùa cạn, các chủ hồ chứa thủy điện phải phân bổ nguồn nước các hồ theo từng thời đoạn 10 ngày và đảm bảo mực nước hồ trong từng thời đoạn không được nhỏ hơn giá trị quy định. Trường hợp chủ hồ không bảo đảm việc duy trì mực nước hồ, chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ quyết định việc điều chỉnh lưu lượng, thời gian xả để bảo đảm duy trì mực nước hồ cho các thời đoạn tiếp theo. Trong trường hợp hạn hán, thiếu nước vào đầu mùa cạn, chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng sẽ quyết định việc vận hành hồ để đảm bảo việc cân đối nguồn nước cho cả mùa cạn.
Đối với các hồ chuyển nước hoặc chuyển đổi dòng chảy làm gián đoạn dòng chảy của các đoạn sông tương đối lớn như: Thượng Kon Tum, Buôn Kuốp, Srêpốk 4 và Srêpốk 4A phải duy trì dòng chảy tối thiểu trong mùa cạn. Trong đó, hồ Sê San 4 và Sê San 4A phải phối hợp xả nước liên tục 195m³/giây về hạ du. Còn hồ Srêpốk 4 và Srêpốk 4A phải phối hợp xả nước về hạ du liên tục không nhỏ hơn trong các thời kỳ như sau: 64m³/giây trong tháng 1; 41m³/giây tháng 2; 27m³/giây tháng 3 và 4; 40m³/giây tháng 5.
Còn điều chỉnh, bổ sung
Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai, cho biết: “Với nguyên tắc ưu tiên hàng đầu là giảm lũ cho hạ du trong mùa lũ và điều tiết nước cho hạ du trong mùa cạn, 2 quy trình này đã quy định cụ thể chế độ vận hành, cơ chế phối hợp giữa các hồ với nhau, với các địa phương và các bộ, ngành liên quan.
Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cụ thể hóa yêu cầu quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn nước trên lưu vực sông Srêpốk và Sê San”. Nhưng một số lãnh đạo địa phương, nhà máy thủy điện ở Tây Nguyên cho rằng có nhiều điểm trong 2 quy trình vận hành liên hồ chứa này còn chưa hợp lý và cần phải điều chỉnh.
Theo ông Nguyễn Đức Luyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, trường hợp Trưởng ban CHPCTT-TKCN tỉnh đi vắng thì ủy quyền cho ai điều hành việc vận hành hồ chứa lúc điều kiện thời tiết bất thường, chưa được quy trình rõ. Trong lúc đó, địa phương có quyền ra quyết định vận hành hồ chứa lúc thời tiết bất thường nhưng không chủ động vì mọi số liệu, thông số đều nằm tại các nhà máy thủy điện. Vì thế, các bên liên quan phải ngồi lại với nhau để thống nhất việc thông tin.
Còn ông Nguyễn Đăng Hà, Phó Giám đốc Công ty Phát triển Thủy điện Sê San, lại cho rằng: Chủ tịch UBND các tỉnh cần giao trách nhiệm cho các cơ quan chức năng của địa phương phối hợp với chủ hồ vận hành trong những lúc thời tiết bất thường để ra quyết định hợp lý.
Theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Srêpốk từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm, các hồ chứa phải đảm bảo mực nước xả về hạ lưu như sau: Buôn Tua Srah (không được nhỏ hơn 100m³/giây), Buôn Kuốp (100m³/giây), Srêpốk 3 (130m³/giây), Srêpốk 4 (64m³/giây) và Srêpốk 4A (27m³/giây). Nhưng với thủy điện Srêpốk 4A, rất khó đảm bảo được mực nước xả về hạ lưu không được nhỏ hơn 27m³/giây.
Trước những vấn đề trên, ông Hoàng Văn Bảy cho biết: Trong quá trình thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên sông Srêpốk và Sê San, nếu lãnh đạo địa phương, các chủ hồ chứa thủy điện thấy vấn đề nào chưa hợp lý thì gửi kiến nghị cho Bộ TN-MT. Bộ sẽ tiếp nhận, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung cho hợp lý để hoàn chỉnh 2 quy trình này.
CÔNG HOAN
| |