Kỷ niệm 45 năm tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2013)

Quyết giữ Thới Tam Thôn

Năm 1968, tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Bộ binh 1, Sư đoàn 9 được giao chỉ huy 2 cánh quân tiến đánh vào căn cứ của Mỹ - ngụy ở Sài Gòn, mở đầu Chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Đợt 1, tôi được lệnh tấn công Trại huấn luyện Quang Trung của địch ở Hóc Môn. Nơi đây đang có khoảng 8.000 tân binh ngụy đang huấn luyện và 1 tiểu đoàn lính bảo an bảo vệ trại huấn luyện này.
Quyết giữ Thới Tam Thôn

Năm 1968, tôi là Trung đoàn trưởng Trung đoàn Bộ binh 1, Sư đoàn 9 được giao chỉ huy 2 cánh quân tiến đánh vào căn cứ của Mỹ - ngụy ở Sài Gòn, mở đầu Chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Đợt 1, tôi được lệnh tấn công Trại huấn luyện Quang Trung của địch ở Hóc Môn. Nơi đây đang có khoảng 8.000 tân binh ngụy đang huấn luyện và 1 tiểu đoàn lính bảo an bảo vệ trại huấn luyện này.

Đại tá Võ Minh Triết.

Đại tá Võ Minh Triết.

Để đưa 1 tiểu đoàn bộ binh của ta vào đánh địch đúng 0 giờ đêm 30 Tết Xuân Mậu Thân, tôi rất băn khoăn vì nếu hành quân bộ từ căn cứ Tây Ninh xuống Sài Gòn phải mất 4 ngày, đó là chưa kể gặp các đồn bót địch kiểm soát quân ta dễ bị phát hiện. Vậy làm thế nào để quân ta có mặt tại địa điểm đúng giờ để kịp nổ súng?

Tôi cùng với anh Út Thới (tức Trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đi nghiên cứu tình hình địa bàn. Sau khi quan sát đội hình địch, trên đường về, anh Út Thới ghé nhà ông Mười Bị (một cơ sở cách mạng của ta ở Bến Củi) đề nghị ông cho mượn chiếc tàu chở gạo để bí mật đưa quân về Sài Gòn. Ông Mười Bị đồng ý ngay. Thế là chiều 30 Tết, khi trời vừa chập choạng tối, bộ đội ta lên tàu. Do tàu không đủ chỗ nên ta phải để lại 1 đại đội, chỉ chở được gần 300 quân của Tiểu đoàn 3 tiến về Sài Gòn.

Con tàu hướng về phía trại Quang Trung, rất may là trên đường đi không gặp lính tuần tra nhờ vậy bộ đội ta đã cập bến an toàn ngay sát trại Quang Trung. Như vậy, thay vì đi bộ mất 4 ngày, quân ta chỉ mất 6 tiếng đi bằng đường sông là có mặt tại vị trí chiến đấu. Đúng 0 giờ đêm 30 Tết, quân ta bất ngờ nổ súng tấn công trại Quang Trung khiến hơn 8.000 tên lính Ngụy không kịp chống đỡ, bỏ chạy tán loạn. Ta kêu gọi địch đầu hàng, hàng trăm tên lũ lượt kéo nhau ra hàng. Vậy là chỉ trong một thời gian ngắn, ta đã chiếm được trại Quang Trung, tạo điều kiện cho các cánh quân khác tiến đánh Sài Gòn.

Thế nhưng khi trời sáng, vì quân địch từ căn cứ Đồng Dù và Tây Ninh vẫn còn nguyên lực lượng, đã dùng pháo phản kích dữ dội khiến quân ta phải rút về xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn. Tại đây, tôi nhận lệnh cấp trên: “Phải giữ cho được trận địa Thới Tam Thôn, quyết không để mất!”. Lúc đó căn cứ Thới Tam Thôn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, là địa bàn giáp ranh với huyện Củ Chi, nếu mất địa bàn này thì lực lượng vũ trang trong nội thành có thể bị tê liệt, do vậy bằng mọi giá phải giữ vững địa bàn này.

Thế là suốt từ ngày mùng 1 đến mùng 8 tết, ngày nào bộ đội ta cũng quần nhau với địch. Địch dùng hỏa lực mạnh khiến quân ta thương vong khá nhiều, thế nhưng cứ người trước ngã xuống thì người sau tiến lên thay thế, nhờ vậy ta đã giữ vững địa bàn suốt 8 ngày đêm cho đến khi có lực lượng mới vào thay thế mới rút về căn cứ. Về sau địa bàn này được giữ vững suốt trong các đợt tấn công Xuân Mậu Thân, làm bàn đạp vững chắc cho quân ta tấn công vào sào huyệt địch.

Có mặt trong cuộc chiến khốc liệt ấy, dẫu đã 45 năm trôi qua, nhưng với tôi những ngày cầm súng chiến đấu trong dịp Tết Xuân Mậu Thân như mới xảy ra hôm qua. Dù gian khổ, hy sinh nhưng ai cũng kiên cường bám trụ, quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Sau đợt 1 Xuân Mậu Thân, tôi lại tiếp tục tham gia đợt 2 và chỉ huy cánh quân tấn công vào Biệt khu Thủ đô của bọn ngụy (nay là trụ sở Bộ Tư lệnh TPHCM ở góc đường 3-2 và Cách Mạng Tháng Tám). Bộ đội ta chia làm hai cánh quân, một cánh từ đường Cách Mạng Tháng Tám và một cánh từ đường 3-2 tạo thành thế gọng kìm bao vây Biệt khu Thủ đô. Thế nhưng rất tiếc một cánh quân của ta đi đến Ngã tư Bảy Hiền thì bị địch phát hiện và chặn đánh.

Cánh quân thứ hai tiến đến khu vực Chợ Cá trên đường 3-2 (nay là địa bàn quận 10). Tại đây, ta và địch chiến đấu rất ác liệt, giành từng tấc đất. Kẻ địch kinh hoàng tột độ khi không ngờ bộ đội chủ lực của ta đã áp sát ngay trung tâm đầu não của chúng! Chúng càng hoảng loạn hơn khi vừa phải chống cự với bộ đội chủ lực đánh từ ngoài vào và lực lượng vũ trang nội đô, biệt động Sài Gòn đánh từ trong ra, tạo thành khí thế tổng tấn công và nổi dậy mạnh mẽ chưa từng có.

Không thể nào kể hết kỷ niệm về trận đánh Xuân Mậu Thân 1968, chỉ biết rằng khí thế tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn lúc đó thật hào hùng mãnh liệt như một bản anh hùng ca bất tận. Để có ngày hòa bình hôm nay ta đã phải đánh đổi bằng bao xương máu của đồng chí, đồng bào đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Là người may mắn còn sống sau cuộc chiến, tôi mãi mãi tri ân những đồng đội thân yêu và luôn tự hào về chiến công vang dội tỏa sáng từ Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968.

Trong dịp Tết Xuân Mậu Thân, bộ đội chúng tôi làm gì có bánh chưng, bánh tét, thịt heo, thịt gà để ăn mà phải ăn tết bằng toàn thịt ngựa! Chả là vùng Thới Tam Thôn người dân nuôi ngựa rất nhiều, mỗi khi địch nã pháo vào vùng này làm chết nhiều ngựa, bộ đội ta tranh thủ nấu thịt ngựa ăn cho đỡ đói.

MINH NGỌC
(Ghi theo lời kể của Đại tá Võ Minh Triết)

Tin cùng chuyên mục