Miền Trung: Sống chung với... rác
Các địa phương miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi... lượng rác thải từ các làng quê mỗi ngày hàng ngàn tấn. Áp lực dân số tại khu vực nông thôn ngày mỗi gia tăng, ý thức và thói quen xả rác không được hướng dẫn nên nhà nhà đưa rác ra đường khiến 2 bên đường làng ngập rác. Thực trạng rác thải ở vùng nông thôn đã đến hồi báo động đỏ.
Rác vây làng biển
Có mặt tại xã ven biển Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh (toàn xã có 2.160 hộ dân, với 10.860 nhân khẩu, diện tích 262,17ha), đập vào mắt chúng tôi là quang cảnh nhếch nhác khủng khiếp của một bãi rác thải, nơi vốn là khu vực rừng phòng hộ, với diện tích khoảng 1.000m2 nằm án ngữ ngay sát bờ biển và khu dân cư. Đây là điểm đổ rác chủ yếu của các thôn Liên Tân, Long Hải, Sơn Bằng, Giang Hà, Hoa Thành, Xuân Phượng của xã Thạch Kim. Hàng chục tấn rác đủ các loại chưa qua xử lý vứt ngổn ngang la liệt, nhiều xác động vật chết đang trong quá trình phân hủy, ruồi muỗi bu bám đầy, khi gặp trời nắng nóng bốc mùi hôi tanh nồng nặc. Tương tự tại xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, mùi hôi thối, xú uế bốc lên từ nhiều bãi rác tự phát dọc ven biển cũng đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân và môi trường biển. Ông Nguyễn Văn Hoạt, xã Xuân Liên, bức xúc: “Vùng ven biển này đêm nào cũng có người ra đây lén lút đổ rác thải tràn lan, chính quyền xã không thể phát hiện hết. Khi nắng lên bốc mùi rất thối, ảnh hưởng đến người già, trẻ em. Không biết khi nào mới ngăn chặn và xử lý hết nạn rác bủa vây này để đảm bảo cuộc sống cho nhân dân, chứ tình trạng này kéo dài rất nguy hiểm”.
Dọc bãi biển của 3 xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Trung huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), rác thải của ngư dân cũng xả thẳng trên cát. Người dân thích đâu xả đó, đặc biệt là túi ni lông sau khi sử dụng xong không được thu gom, nhiều người cứ thế tự nhiên vứt dọc biển, hoặc bỏ từng đụn ven đường ngõ khiến ruồi nhặng, xú uế tanh nồng. Trong khi đó, ở bãi biển Hải Ninh (Quảng Ninh), hàng loạt nhà hàng mọc lên, các sản phẩm rác từ vỏ sò, nghêu, tôm sau khi thực khách đã dùng, nhà hàng không chôn lấp mà đổ đống dọc lối ra bãi biển trông dơ bẩn, nhếch nhác. Nhiều người dân sống gần đó cho biết, các nhà hàng xả rác vô tội vạ, nhiều khi mùi hôi tạt vào nhà, buổi trưa không tài nào ngủ được.
Sống chung với… ruồi!
Chạy ngang qua cánh đồng lúa thuộc tuyến đường liên xã giữa Đức Thạnh, Đức Minh (Mộ Đức, Quảng Ngãi) có một trạm trung chuyển rác. Cũng giống như các trạm trung chuyển rác khác, rác thải sinh hoạt cùng xác động vật, gia súc, gia cầm… được dồn vào bao và đổ khắp khu vực trước trạm trung chuyển. Rác chiếm gần nửa con đường, bốc mùi hôi thối. Còn khu vực bên trong trạm thì không có rác, cây cối mọc um tùm, xanh tươi.
Đã nhiều tháng nay, hơn 630 hộ dân với gần 3.000 nhân khẩu ở khu vực phía Nam của Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), xã Phổ Thạnh, vô cùng khốn khổ vì tình trạng ruồi nhặng bủa vây. “Gần cả đời sống ở đây, nhưng tôi chưa bao giờ thấy cảnh tượng này. Đặc biệt là những ngày nắng nóng cứ đến bữa cơm hàng ngày, ruồi nhặng bu bám dày đặc” - bà Nguyễn Thị Tuyết (42 tuổi) than vãn. Theo người dân Sa Huỳnh, rác từ nhiều xã dồn về bỏ tại núi Đá Heo, cách khoảng 2km, ruồi nhặng nhiều khủng khiếp. Chỉ cần bày đồ ăn, thức uống ra 1 - 2 phút mà không đậy, ruồi bám như rải đậu đen. Để chứng minh lời nói của mình, bà Tuyết sử dụng 4 miếng bẫy ruồi để xung quanh nhà. Chỉ khoảng 20 phút sau thì tất cả đen kịt ruồi nhặng. Để phòng dịch bệnh, nhiều gia đình phải ăn cơm trong màn. Còn tại khu vực phía Đông của bãi rác, cùng với mùi hôi thối, người dân nơi đây phản ảnh nước thải từ bãi rác chảy xuống đồng nên nếu ra ruộng đi cấy, gặt... mà không mang ủng thì tối về sẽ không thể nào ngủ được vì ngứa.
Trong khi đó, người dân ở xã Sơn Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) hiện đang rất đau đầu vì các đối tượng tiêm chích ma túy ở đây vứt kim tiêm bừa bãi khắp nơi khiến họ lo sợ rước họa khi giẫm phải. Mười năm trước, vùng quê này không có ma túy, nhưng nay không biết từ đâu, một số đối tượng nghiện đã xuất hiện và thải kim tiêm vô tội vạ khiến nông dân lo lắng. Ông Lại Sĩ Thi cho biết: “Không biết vì răng bữa nay Sơn Thủy như trở thành trung tâm của cả vùng này về ma túy. Chúng tiêm chích công khai, ống tiêm vứt ngoài ruộng lúa, kênh mương, ao cá. Người làm đồng toàn đi chân đất, đi bắt cá, tát cá cũng chân đất, giẫm phải thì đúng là thiệt thân. Loại rác này cũng nguy hiểm không kém các loại rác khác đâu”.
Bãi rác án ngữ tại địa bàn thôn Tiền Phong, xã Quảng Long (Quảng Trạch) là nỗi kinh hoàng của người dân địa phương. Rất nhiều nguồn rác thải khắp nơi trong huyện từ rác thải sinh hoạt, rác tại các chợ, thậm chí cả rác thải y tế đều dồn về đây, chất thành đống, vô số ruồi nhặng, mùi hôi không thể nào chịu được. Lượng rác như núi này khó được xử lý chôn lấp, dẫn đến các chất bẩn gặp trời mưa theo nước ngầm sâu vào đất và hòa vào các mương máng ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Qua kênh “nín thở”, qua sông đau lòng
Tuyến kênh B8 - đoạn ngang qua xã Tịnh Thiện (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) trở thành kênh rác với vô số bao ni lông và xác súc vật chết dạt về, khiến người dân mỗi khi đi ngang qua khu vực này đều phải... bịt mũi. Ngán ngẩm khi đã tổ chức dọn dẹp nhiều lần rồi đâu lại vào đấy nên người dân đành chấp nhận và đặt tên cho đoạn kênh này là “kênh nín thở”. Cùng chung số phận với hàng chục hộ dân sống gần khu vực đoạn kênh B8, là tâm trạng bức xúc của người dân thôn Phước Thịnh (Đức Thạnh, Mộ Đức) khi đường vào thôn đã bị rác “bịt kín”. Chỗ “tập kết” rác bất đắc dĩ này tồn tại đã nhiều năm qua gây cản trở cho việc đi lại và sức khỏe của người dân.
Tại khu vực chợ Phù Bài (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) luôn có nhiều đống rác khổng lồ cách khu vực buôn bán chưa đầy bước chân. Chị Ngô Thị Nga (54 tuổi), người quét rác ở chợ Phù Bài, bức xúc nói: “Mỗi tháng tôi chỉ thu mỗi tiểu thương 20.000 đồng lệ phí thu gom rác nhưng nhiều người tiếc tiền không đóng mà cứ lén vứt rác bừa bãi ra chợ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong khi một mình tôi thu gom sao xuể”. Trong khi theo ông Lê Văn Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Phù: “Do ý thức của một bộ phận người dân còn kém nên họ mới xả rác vô tư ra chợ như vậy. Chúng tôi cũng chưa có biện pháp nào cứng rắn để xử phạt, chỉ biết tuyên truyền, nhắc nhở”.
Rác không chỉ vây các làng quê mà còn “bức tử” những dòng sông. Sông Gianh đoạn qua các xã Quảng Minh, Quảng Hải, Quảng Sơn, Quảng Lộc, Quảng Thuận, Quảng Văn (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình), hàng ngàn dân không chọn giải pháp bỏ rác đúng nơi mà chọn cách vứt rác xuống sông và mỗi ngày tích tụ dần, lòng sông nhiều nơi căng mình hứng đầy rác. Trong khi đó, dòng sông Son ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, chẳng những người dân vứt rác đủ loại mà còn mổ thịt súc vật, tống chất thải bừa bãi bên bờ sông đến phản cảm.
Dọc dài miền Trung, 80% dân số chủ yếu sống tại các làng quê, áp lực dân số ngày mỗi tăng cao khiến rác thải xả ra môi trường ngày càng nhiều. Đó là bài toán khó khăn, cấp bách để bảo vệ những mảnh làng không chỉ cho hiện tại mà còn cho con cháu trong tương lai lâu dài.
NHÓM PHÓNG VIÊN