Rác nổi - thảm họa sinh thái nghiêm trọng

Rác nổi - thảm họa sinh thái nghiêm trọng

Đúng như cảnh báo của Charles Moore, người sáng lập ra tổ chức sinh thái Algalita Marine Research Foundation (AMRF), hiện diện tích bề mặt của bãi rác nổi giữa Thái Bình Dương đã tăng gấp 2 lần diện tích nước Mỹ và đã  trải dài từ Hawaii đến Nhật Bản. Và rác nổi đang là một hiểm họa sinh thái trong tương lai không xa.

Rác nổi - thảm họa sinh thái nghiêm trọng ảnh 1

Rác từ một vùng biển ở Thái Bình Dương trôi dạt vào bờ.

Kể từ ngày tay đua thuyền trẻ tuổi người Mỹ Charles Moore phát hiện ra bãi rác nổi giữa Thái Bình Dương cách đây 14 năm và quyết định thành lập AMRF, cho đến nay người ta vẫn chưa tìm ra được cách giải quyết triệt để vấn nạn này. Khi được phát hiện, “bãi rác nổi” giữa Thái Bình Dương có trọng lượng khoảng 100 triệu tấn.

Bãi rác khổng lồ này từ lâu đã tồn tại ở đây vì tại khu vực này có một xoáy nước cực mạnh, vốn được hình thành ở điểm hội tụ giữa dòng Curosio, các dòng gió mùa phương Bắc và các dòng đối lưu giữa gió mùa. Nguồn gốc chính hình thành nên những núi rác trôi trên biển này chính là các khu du lịch sát bờ biển, các hệ thống cống rãnh xả ra đại dương (khoảng 80%) và rác thải sinh hoạt từ những con tàu biển (20%). Hiện nay 2 bãi rác khổng lồ giữa Thái Bình Dương chủ yếu gồm các chất dẻo (chiếm 90%)  các loại rác thải nổi trên mặt biển.

Chương trình Môi trường LHQ năm 2006 ước tính rằng một dặm vuông biển (1 dặm = 1.852m) chứa 46.000 mẩu nhựa dẻo khác nhau gồm ống tiêm, bật lửa, bàn chải đánh răng đến những túi chất dẻo, chai lọ, bao bì... Tổng khối lượng của chúng gấp 6 lần khối lượng sinh vật nổi ở biển và hiện diện tích của hai bãi rác đó đã phình to lên gấp đôi diện tích lãnh thổ của nước Mỹ.

Những đồ phế thải bằng chất dẻo không bị phân hủy về mặt sinh học và không biến đi đằng nào được là nguyên nhân gây nên cái chết của hơn một triệu con chim biển trong một năm và hơn 100 ngàn cá thể động vật có vú ở biển. Tổ chức Greenpeace năm ngoái đã đưa cảnh báo trong một thập kỷ tới rác thải trên đại dương có thể làm biến mất 270 loài cá và sinh vật biển khác nhau.

Ở Địa Trung Hải, nơi có mật độ rác cao thứ hai - gần 2.000 đơn vị “rác dẻo”/km². Thống kê cho thấy chỉ có khoảng 15% số rác trên đại dương được sóng đưa vào bờ, 70% chìm dưới đáy biển, còn 15% luôn ở tình trạng trôi nổi trên mặt nước. Tình trạng ô nhiễm rác kỷ lục tại Địa Trung Hải có thể được giải thích rằng đây là vùng biển nằm kề với nhiều nước công nghiệp phát triển - vốn là nơi phổ biến về hoạt động du lịch, cũng như là nơi có mật độ tàu bè qua lại rất lớn.

Đã có nhiều giải pháp được một số nước đưa ra trong cuộc vận động chống xả rác thải trên các bãi biển, như cấm sử dụng các túi polietilen hoặc áp dụng những biện pháp nhằm phát triển các công nghệ mới trong việc sản xuất những chất dẻo sạch về mặt sinh thái và dễ phân hủy về mặt sinh học. Tuy nhiên, kết quả các biện pháp trên vẫn như là “muối bỏ biển”.

Theo dự đoán của các nhà khoa học, trong vòng 3 năm tới, việc sử dụng các chất dẻo có khả năng phân hủy sẽ tăng gấp 14 lần trong một năm và đó sẽ là xu hướng chung của toàn thế giới trong tương lai. Nếu chính phủ các nước không cùng chung sức hành động trước khi quá muộn, thì thảm họa sinh thái sẽ không buông tha bất cứ một quốc gia nào.

Hạnh Chi
(Theo Independent, Reuters)

Tin cùng chuyên mục