Kênh truyền hình Pháp France 2 ngày 7-4 đã phát một đoạn phim tài liệu có cảnh các thủy thủ Tây Ban Nha đang đánh cá trên Địa Trung hải và mỗi khi kéo lưới, trong lưới của họ đầy mảnh ni lông và vỏ chai nhựa.
France 2 cho biết, lượng rác thải tại các đại dương trên thế giới đã tăng đến mức báo động với 9 triệu tấn rác nhựa/năm và nếu không có các giải pháp hiệu quả, hành động quyết liệt thì đến năm 2050, lượng rác thải nhựa sẽ lớn hơn lượng cá trên các đại dương.
Cá voi biển Bắc dạt vào bờ vì nước biển ô nhiễm
Tràn ngập trong rác
Theo nghiên cứu do Quỹ Ellen MacArthur thực hiện, tới năm 2025, cứ 3 tấn cá trong lòng đại dương sẽ có 1 tấn rác nhựa và việc có hơn 95% túi ni lông bị vứt bỏ sau một lần sử dụng cũng khiến nền kinh tế thế giới mỗi năm mất đi từ 80-120 tỷ USD. Thông qua thu thập số liệu từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả phân tích của Trung tâm Thương mại và Môi trường McKinsey, nghiên cứu trên còn chỉ ra rằng hiện có hơn 150 triệu tấn rác thải đại dương và ít nhất 9 triệu tấn nhựa trôi nổi mỗi năm, tương đương việc cứ mỗi phút lại có một xe đầy rác đổ ra biển. Quỹ Ellen MacArthur cảnh báo, nếu thế giới không hành động thì tới năm 2030, trung bình cứ một phút sẽ có 2 xe rác được đổ ra biển và tới năm 2050, con số này sẽ tăng lên thành 4 xe rác và lúc đó rác sẽ nhiều hơn… cá. Qua nghiên cứu này, Quỹ Ellen MacArthur muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện cuộc cách mạng tái chế nhựa hiện nay, đồng thời đề xuất thiết lập một cơ chế mới nhằm hạn chế việc vứt bỏ rác thải nhựa ra ngoài thiên nhiên, đặc biệt là các đại dương.
Trong khi đó, Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) cho biết, rác thải nhựa (gồm chai nhựa, túi ni lông, hộp đựng đồ ăn…) là nguyên nhân gây tử vong cho nhiều loài sinh vật biển khi bị nuốt phải như rùa, cá heo và cá voi hoặc tác động tiêu cực tới môi trường sống. Theo UNEP, đã có nhiều báo cáo về việc sinh vật biển nuốt vào bụng các chất dẻo độc hại thường tồn tại dưới dạng các mảnh vỡ nhỏ có đường kính chưa tới 5mm. Do các dòng hải lưu, các mảnh vỡ này có thể di chuyển trên khắp đại dương, trở thành mồi cho các loài chim biển, cá, giun và động vật phù du, sau đó chuyển hóa thành chất độc hại trong thức ăn của con người.
Một trong những mối nguy hiểm nổi lên mới đây là các “hạt chất dẻo siêu nhỏ” chứa trong kem đánh răng, chất gel và các sản phẩm làm sạch da mặt. Các hạt này không thể bị loại bỏ qua quá trình xử lý nước thải và do đó được đổ thẳng ra sông, hồ và đại dương.
Báo cáo trên đã chỉ ra thực trạng cấp thiết cho các công ty xem xét lại hoạt động sử dụng chất dẻo trong sản xuất và kinh doanh, tương tự như với khí thải carbon, nước và khai thác rừng. Các chuyên gia cũng nhận định việc tái chế có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí.
Rác nhựa và điện tử bị vứt ra biển tùy tiện
Giải pháp đến từ nhận thức
Giải quyết các vấn đề ô nhiễm bởi các loại rác thải trong các đại dương là một thách thức lớn, một mặt cần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các ngành công nghiệp và người dân, mặt khác phát triển các dự án xử lý ô nhiễm tại các đại dương.
Tạp chí PLoS ONE công bố số liệu cho thấy hơn 5.250 tỷ mảnh nhựa đang gây ô nhiễm các đại dương, gần 270.000 tấn nhựa. Những mảnh nhựa nhỏ dưới 5mm là kết quả của sự phân mảnh nhựa dưới tác dụng cơ học của sóng, gió và cát và các tác động hóa học của tia cực tím. Đến năm 2025, lượng rác thải nhựa vào môi trường biển có thể tăng lên gấp 10 lần nếu quản lý chất thải không được cải thiện. Các nhà khoa học ước tính rằng khoảng 80% rác nhựa tìm thấy trên biển chủ yếu đến từ các bãi rác trong tự nhiên và các sự kiện thời tiết cực đoan như bão, sóng thần, 20% còn lại có nguồn gốc từ các tàu thuyền, thủy thủ và ngư dân.
Để giảm lượng rác thải này đến mức tối đa nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm tại nguồn, bước đầu tiên là xử lý nước thải giữ lại tối đa các vi chất. Báo Pháp, tờ Techniques de L’ingenieur cho biết, tại Pháp, luật cấm sử dụng túi nhựa sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7 tới và lệnh cấm dùng hộp nhựa đựng thực phẩm sẽ thực hiện từ ngày 1-1-2020 và mở rộng ra tất cả các bao bì nhựa chậm nhất vào năm 2022.
Trong ngắn hạn và trung hạn, cần tăng cường nhanh việc thu gom rác và xử lý triệt để những điểm rò rỉ. Về dài hạn, xác định những nhu cầu cải tiến các công nghệ xử lý và khôi phục, phát triển các nguyên liệu mới và các thiết kế sản phẩm dễ dàng được tái sử dụng hoặc tái chế. Xa hơn, cần tất cả các cách tiếp cận và giải pháp có thể được thực hiện ở cấp địa phương, quốc gia tại những khu vực chịu trách nhiệm về lượng rác nhựa toàn cầu. Trong khi nhiều nước đã thực hiện những cải tiến lớn trong hạn chế rò rỉ plastic, sự hỗ trợ toàn cầu lớn hơn nữa là cần thiết nhằm ngay lập tức tăng cường tác động ở những vùng ưu tiên này.
Để đạt được thành công, cũng cần một phản ứng phối hợp toàn cầu được dẫn dắt bởi một liên minh quốc tế có khả năng thúc đẩy những cam kết của các nhà lãnh đạo của chính quyền, cung cấp những mục tiêu địa phương, cung cấp hỗ trợ công nghệ quản lý rác thải và dành ưu tiên vấn đề rác nhựa đại dương như một phần của mục tiêu chính sách toàn cầu về đại dương và môi trường.
VIỆT ANH (tổng hợp)