Sau 2 năm yên ắng, đột nhiên cơn sốt đào bới đá ô-pan ở xã Đắc Gằn (huyện Đắc Min, tỉnh Đắc Nông) lại trỗi dậy từ đầu năm đến nay. Hàng chục con người đang ngày đêm đào bới rẫy nương để tìm bằng được đá quý dù có người đã bỏ mạng. Trong khi đó, chính quyền địa phương bất lực nhìn người dân đưa máy móc phá nát xóm thôn.
Vừa đặt chân đến đầu thôn Tân Định, xã Đắc Gằn, chúng tôi đã chứng kiến cảnh mua bán đá ô-pan diễn ra tấp nập ngay bên quốc lộ 14. Mọi người chen chúc nhau bình phẩm hòn đá quý nặng khoảng 12kg của anh Y Nin (bon Đắc Krai) vừa mới đào được. Cuối cùng, Y Nin lại bán nó cho một người trong xã với giá 5 triệu đồng. “Yên tâm đi, mình còn 3 hòn đá nhỏ hơn ở nhà. Có mua mình dẫn vào xem”. Dứt lời, Y Nin liền dẫn chúng tôi vào nhà anh cách đó chừng 500m.
Ngôi nhà gỗ tuềnh toàng của Y Nin hôm nay đông đúc hơn bình thường. Mọi người trong bon Đắc Krai cũng tò mò đến xem những viên đá quý anh vừa đào được và thi nhau đánh giá chất lượng. Ba hòn đá được anh để bên gốc cây sau vườn cho mọi người xem. “Bảy triệu đồng, ai mua thì mình bán”, Y Nin tuyên bố.
“Ở đây, những hòn đá nặng trên một tấn chỉ có Công ty Vinamin (trụ sở đóng tại Gia Nghĩa, Đắc Nông) được khai thác thôi. Còn người dân chỉ đi đào lại những nơi họ khai thác rồi nên chỉ có đá nhỏ”, Y Thách, người cùng thôn tâm sự.
Thấy việc đào đá bán có tiền, nhiều người dân trong thôn không quản nguy hiểm kéo đến khu vực hầm đá Công ty Vinamin khai thác đào lại và hậu quả có 2 người trong thôn vừa mất mạng.
Khi chúng tôi có mặt tại bãi rẫy Thanh niên, nơi Công ty Vinamin và một người tên Thùy ở TP Buôn Ma Thuột đang khai thác đá ô-pan, hàng chục công nhân cùng 5 xe đang tấp nập đào bới. Những núi đất mới được đổ lên, những hầm đá mới sâu hoắm lộ ra và rẫy nương tan nát.
Tất cả diễn ra công khai và không có ai kiểm tra hay nhắc nhở, mặc dù cách đó 3km là trụ sở UBND xã Đắc Gằn. Trên bãi đất rộng khoảng 1ha nhưng có tới khoảng 10 điểm bị đào xới, để lại những hố sâu nguy hiểm. Thấy xuất hiện người lạ, một số người từ công trường này đã bám theo chúng tôi ra đến tận quốc lộ 14.
Rõ ràng, việc khai thác đá ô-pan ở xã Đắc Gằn đang diễn ra rầm rộ và công khai. Trước ngày chúng tôi có mặt, Công an xã Đắc Gằn cũng vừa bắt được một chiếc xe máy cày chở hòn đá ô-pan dài 3m, rộng hơn 0,5m và nặng hơn 1 tấn từ thôn Tân Định đem đi tiêu thụ.
Qua đợt kiểm tra vào ngày 14-3, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Đắc Min đã phát hiện trên địa bàn thôn Tân Định có 15 máy múc được đưa vào đào bới, khai thác đá ô-pan. Đất đai ở đây bị đào xới nhiều nơi để lại hầm hố nguy hiểm cho người dân, nhiều lao động tụ tập khai thác làm mất an ninh trật tự địa phương và dễ xảy ra tai nạn.
Các chủ mỏ đến từ nơi khác, cố tình lẩn tránh và không hợp tác với cơ quan chức năng. Mặt khác, các đối tượng chủ khai thác đá còn sử dụng người dân địa phương bảo vệ hầm mỏ và khai thác đá.
Ông Nguyễn Xuân Khuê, Trưởng phòng TN-MT huyện Đắc Min cho biết: “Khi có đoàn kiểm tra tới, có người đã báo cho những người khai thác đá nên khi đoàn đến nơi, chỉ còn máy móc nên không biết xử phạt ai”.
Anh Nguyễn Xuân Ánh, chuyên viên Phòng TN-MT huyện Đắc Min nói: “Những người khai thác đá ở đây rất hung dữ. Họ hăm dọa cả đoàn kiểm tra nên chúng tôi cũng ngán ngẩm”. Trong lúc đó, biện pháp của UBND xã Đắc Gằn là chỉ đưa lực lượng công an xã vào các thôn vận động nhân dân không được vào bãi đá khai thác chứ không thấy cơ quan chức năng nhắc nhở Công ty Vinamin.
CÔNG HOAN