Trong công tác tư vấn pháp lý và tiếp nhận đơn khiếu nại tố cáo của người dân gửi đến, Báo SGGP ghi nhận rất nhiều vụ việc phát sinh mâu thuẫn, vướng mắc dẫn đến khiếu nại kéo dài đã không được các cơ quan chức năng liên quan giải quyết xử lý dứt điểm, có nguyên nhân từ tình trạng bất cập, chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Có những trường hợp xung đột khi nhiều VBQPPL cùng điều chỉnh vụ việc nhưng đưa ra cách giải quyết khác nhau. Lại có những trường hợp pháp luật chưa hoàn chỉnh, không có VBQPPL nào làm cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh vụ việc đó.
Thực trạng này xuất phát từ sự hạn chế về chất lượng xây dựng luật. Có nhiều luật được Quốc hội thông qua khi chưa được xem xét thật rốt ráo để quy định chặt chẽ, mà chỉ đưa ra những quy định khung, mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, rồi giao cho Chính phủ và các bộ, ngành ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật. Vì vậy lượng văn bản dưới luật Chính phủ và các bộ, ngành phải ban hành rất lớn nhưng chung chung, chưa theo kịp yêu cầu quản lý và thực tiễn, nên khi triển khai gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Nhiều VBQPPL được ban hành khi chưa tìm hiểu thật cặn kẽ, khảo sát chu đáo, nên không khả thi, hiệu quả rất thấp. Văn bản hướng dẫn dưới luật do các ngành chức năng liên quan ban hành còn xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành, thậm chí tạo thuận lợi cho việc quản lý hoặc tạo đặc quyền cho ngành mình, gây phiền hà cho người dân. Thể hiện rõ nhất là vấn nạn giấy phép con.
Việc cấp giấy phép con là điều kiện để nhà nước quản lý các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được tốt hơn, đặc biệt đối với một số ngành nghề kinh doanh nhạy cảm, có sự ảnh hưởng đến xã hội. Thực tế để đáp ứng đủ điều kiện và tuân theo nhiều quy trình cấp phép của các ngành chức năng liên quan, doanh nghiệp gặp rất nhiều phiền hà, cản ngại, có trường hợp còn bị nhũng nhiễu; trong khi thực tế hiệu quả quản lý, kiểm soát lại lỏng lẻo.
Nhiều chuyên viên quản lý nhà nước than phiền rằng, không sao nắm được đầy đủ và chính xác các VBQPPL về lĩnh vực mà mình phụ trách để áp dụng vào công tác tham mưu xử lý những công việc cụ thể, do có quá nhiều VBQPPL không thể cập nhật. Những lĩnh vực đất đai, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường… có quá nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL liên quan.
Lâu nay có nhiều luật được ban hành, sau đó lại có thêm những luật bổ sung, sửa đổi một số điều, sự chắp vá đó đã tạo ra nhiều rối rắm. Các bộ, ngành ban hành văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện những điều luật sửa đổi, bổ sung, nhưng không rà soát loại bỏ những quy định đã lỗi thời, mâu thuẫn. Thế nên các chuyên viên phải tự cập nhật kịp thời các VBQPPL và thậm chí tạo ra cách hiểu, cách vận dụng khác nhau.
Trong thời công nghệ thông tin hiện nay, có rất nhiều nguồn thông tin để cập nhật VBQPPL, nhưng không phải nguồn nào cũng đáng tin cậy. Lượng đơn khiếu nại ở lĩnh vực đất đai luôn chiếm tỷ lệ rất cao, do có quá nhiều VBQPPL được ban hành bởi các cơ quan khác nhau, nên tính an toàn pháp lý cho người sử dụng đất chưa được bảo đảm.
Trên thực tế, có nhiều văn bản đã hết hiệu lực thi hành và được thay thế bởi một văn bản khác, song để giải quyết các tranh chấp hay các vụ việc về đất đai gắn liền với từng giai đoạn lịch sử nhất định, có khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền lại viện dẫn các quy định đã hết hiệu lực pháp luật.
Để nâng cao năng lực quản lý và điều hành của Nhà nước, đòi hỏi trước hết là các VBQPPL phải được ban hành đúng thẩm quyền, không chồng chéo; có khả năng chống lạm quyền, lộng quyền; ngăn ngừa việc lẩn tránh thẩm quyền hoặc không sử dụng hết quyền lực nhà nước của các cơ quan.
Để đảm bảo trình tự, thủ tục soạn thảo và ban hành VBQPPL, phải coi trọng khâu thẩm định của cơ quan tư pháp. Trong quy trình ban hành VBQPPL, việc tổ chức lấy ý kiến và thẩm định là một khâu bắt buộc. Rất cần hệ thống lại các VBQPPL, in ấn phổ biến VBQPPL trên từng lĩnh vực, trình bày rõ ràng, dễ hiểu, để luật đi vào cuộc sống.
HUỲNH THANH LUÂN